Đài Phát thanh & Truyền hình Yên Bái
QUYẾT TÂM ĐƯA YÊN BÁI PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG THEO HƯỚNG “ XANH, HÀI HÒA, BẢN SẮC VÀ HẠNH PHÚC” TRỞ THÀNH TỈNH PHÁT TRIỂN KHÁ VÀO NĂM 2025

Đại tướng Chu Huy Mân - Người góp phần xây dựng quyết tâm "đánh Mỹ - thắng Mỹ"

VOV.VN - Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Chu Huy Mân cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến, không tiến công giải phóng bắc Tây Nguyên (như kế hoạch ban đầu), mà hạ quyết tâm mở chiến dịch tiến công Plây Me ở khu vực Đức Cơ - Bàu Cạn - Plây Me (tỉnh Gia Lai).

Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006) là nhà chính trị, quân sự tài ba, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, với bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí kiên cường, tư duy chiến tranh cách mạng sâu sắc, ông là người trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ huy quân dân Khu 5 chủ động, tích cực đánh quân viễn chinh Mỹ ngay khi chúng đổ bộ vào chiến trường miền Nam, giành thắng lợi có ý nghĩa cả về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đây là cơ sở thực tiễn góp phần giúp Trung ương Đảng xây dựng quyết tâm “Đánh Mỹ, thắng Mỹ” cho toàn quân, toàn dân ta. VOV xin giới thiệu bài viết của TS Trần Hữu Huy- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2023).

Dai tuong chu huy man - nguoi gop phan xay dung quyet tam danh my - thang my hinh anh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh tư liệu

Thử thách ngặt nghèo của nhân dân Việt Nam

Ngược dòng thời gian, vào đầu năm 1965, khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn, để cứu chế độ Sài Gòn tránh khỏi sự sụp đổ, chính quyền Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson quyết định chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh cùng nhiều loại trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam.

Quân viễn chinh Mỹ có mặt tại miền Nam tăng lên nhanh chóng: 2.000 quân (8.3.1965), 18.000 quân (4.1965), 81.000 quân (7.1965), 181.000 quân (12.1965), 376.000 quân (12.1966), 480.000 quân (12.1967), 543.000 quân (4.1968). Dựa vào ưu thế quân đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động nhanh, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MACV) đề ra biện pháp cơ bản là tập trung mở các cuộc hành quân “tìm diệt” chủ lực Quân giải phóng, phá hủy kho tàng, cơ sở vật chất hậu cần cách mạng, sớm kết thúc chiến tranh, rút quân về nước (dự kiến cuối năm 1967).

Việc Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược trên cả hai miền Nam, Bắc đã đặt nhân dân Việt Nam trước những khó khăn, thử thách rất to lớn. Bởi quân viễn chinh Mỹ là đội quân xâm lược nhà nghề hùng hậu “được trang bị đến tận chân răng”, chưa hề thua trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó. Nếu tính cả quân đội Sài Gòn và quân đội một số nước đồng minh của Mỹ trực tiếp tham chiến thì tổng số lực lượng quân địch rất đông đảo (hơn 1,6 triệu quân tính đến năm 1968). Lúc này, tư tưởng “phục Mỹ, sợ Mỹ”, “ngại đương đầu với Mỹ” đã lan rộng nhiều nơi trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của một bộ phận cán bộ, quần chúng trong nước ta. Liệu Việt Nam có thể đương đầu và đánh thắng quân viễn chinh Mỹ được hay không? Đánh thắng quân Mỹ như thế nào?. Điều đó đòi hỏi Đảng ta, nhất là bộ phận những cán bộ đảng viên ưu tú, trung kiên trên tuyến đầu chống Mỹ phải nêu cao bản lĩnh, trí tuệ đi tìm lời giải từ thực tiễn chiến trường, đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết đặt ra!

Tướng Chu Huy Mân và lời giải đánh thắng quân viễn chinh Mỹ

Tại chiến trường miền Nam, Khu 5 giữ vị trí chiến lược quan trọng. Đây chính là “cầu nối” hai miền Nam - Bắc, là nơi che chắn cho tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Mặt khác, vùng đồng bằng ven biển có nhiều thành phố, thị xã, sân bay, hải cảng, là nơi tập trung nhân lực, vật lực của các địa phương trên địa bàn. Do đó, khi chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ chọn vùng ven biển Khu 5 là nơi đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên (tháng 3.1965), đồng thời là đầu cầu triển khai lực lượng, phương tiện và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật để chống phá phong trào cách mạng toàn khu.

Để tăng cường lãnh đạo phong trào cách mạng Khu 5, ngay từ tháng 6.1964, Bộ Chính trị quyết định giao đồng chí Chu Huy Mân (lúc đó với quân hàm Thiếu tướng) đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Khu ủy, Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5.

Dai tuong chu huy man - nguoi gop phan xay dung quyet tam danh my - thang my hinh anh 2
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Chu Huy Mân năm 1964 (khi đó là Thiếu tướng Chu Huy Mân).

Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ sẵn sàng đánh thắng địch trong mọi tình huống, nên ngay từ khi những đơn vị quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ vào chiến trường Khu 5, đồng chí Chu Huy Mân trên cương vị trọng trách được giao cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta trên địa bàn phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, giữ vững tư tưởng chiến lược tiến công, lấy mục tiêu đánh thắng quân Mỹ xâm lược làm tư tưởng chỉ đạo hành động.

Đồng chí Chu Huy Mân tham dự chủ trì Hội nghị cán bộ trung, cao cấp toàn Quân khu 5 (đầu tháng 3.1965) và Hội nghị du kích chiến tranh Quân khu 5 (cuối tháng 3.1965), đề ra chủ trương: Đẩy mạnh tiến công tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy, buộc quân Mỹ mới vào đã ở trong thế lúng túng; Củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng “vành đai diệt Mỹ” ở những nơi có quân chiến đấu Mỹ, tổ chức đánh phủ đầu quân Mỹ; Tập trung phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích); Phát động phong trào quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ trong toàn Quân khu. Lần đầu tiên, việc xây dựng các “vành đai diệt Mỹ” (gồm hệ thống các làng xã chiến đấu liên hoàn bao quanh, áp sát các căn cứ quân sự Mỹ nhằm vây hãm, tiêu hao, tiêu diệt địch) được đưa ra thảo luận và bắt đầu thực hiện. Chủ trương xây dựng vành đai diệt Mỹ chứng tỏ sự nhạy bén, sáng tạo của Đảng bộ Khu 5 trước tình hình cấp bách, thể hiện tinh thần táo bạo trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân ở một địa bàn mà cuộc chiến diễn ra ác liệt, nơi đầu tiên phải trực diện đối mặt với quân Mỹ. Đồng chí Chu Huy Mân trực tiếp chỉ đạo xây dựng những vành đai diệt Mỹ ở Đà Nẵng, Chu Lai. Chỉ trong năm 1965, du kích vành đai Đà Nẵng loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, du kích vành đai Chu Lai loại hơn 2.000 tên địch.

Dai tuong chu huy man - nguoi gop phan xay dung quyet tam danh my - thang my hinh anh 3
Thượng tướng Chu Huy Mân - nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 đang kiểm tra, theo dõi các mũi tấn công đánh vào thành phố Đà Nẵng tháng 3/1975. Ảnh tư liệu TTXVN

Đi đôi với lãnh đạo xây dựng các vành đai diệt Mỹ, với phương châm “vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”, đồng chí Chu Huy Mân cùng Bộ Tư lệnh Quân khu tích cực chỉ đạo quân dân Khu 5 đánh những trận phủ đầu nhằm hạ uy thế quân chiến đấu Mỹ, đồng thời kiểm nghiệm cách đánh của ta, trên cơ sở đó nắm được điểm mạnh, yếu của quân Mỹ trên thực tế chiến trường.

Ngày 26 tháng 5 năm 1965, Đại đội bộ binh 2 (Tiểu đoàn 70) và 12 chiến sĩ đặc công thuộc Đại đội đặc công 16 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam tổ chức tập kích tiêu diệt gần hết một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ ở Núi Thành (tây căn cứ Chu Lai 4km). Đây là trận mở đầu thắng lợi, biểu thị ý chí quyết tâm của quân dân Khu 5 trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, củng cố lòng tin cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang ta, bước đầu xua tan những ý nghĩ “sợ Mỹ, gờm Mỹ” trong một số cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngày 18 tháng 8 năm 1965, Trung đoàn bộ binh 1 (Quân khu 5) phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đánh bại cuộc hành quân “tìm diệt” mang tên “Ánh sáng sao” (Starlite) của 8.000 quân địch (chủ yếu là quân viễn chinh Mỹ) tại thôn Vạn Tường (thuộc xã ven biển Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Qua một ngày chiến đấu, Trung đoàn bộ binh 1 cùng quân dân địa phương đã lập nên chiến công vang dội, loại khỏi vòng chiến đấu 900 tên địch (chủ yếu là quân Mỹ); phá hủy 22 xe tăng, xe bọc thép; bắn rơi 13 máy bay, làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân “tìm diệt” quy mô lớn đầu tiên của quân Mỹ tại chiến trường Nam Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khẳng định: “trận Vạn Tường đã chứng tỏ một cách hùng hồn khả năng của ta đánh bại được quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực” (Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.131).

Dai tuong chu huy man - nguoi gop phan xay dung quyet tam danh my - thang my hinh anh 4
Vạn tường được biết tới như cuộc đụng độ quy mô lớn đầu tiên giữa Quân đội Mỹ và Quân giải phóng trên bộ. Tham gia trận Vạn Tường trong chiến tranh Việt Nam, Quân đội Mỹ huy động tới khoảng 9000 quân, 105 xe tăng và xe bọc thép, 100 máy bay trực thăng và 70 máy bay phản lực chiến đấu cùng 6 tàu chiến. Nguồn ảnh: Negra.

Đặt trong bối cảnh cụ thể của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam ngày ấy, chiến thắng Núi Thành (26.5.1965) và chiến thắng Vạn Tường (18.8.1965) có ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt. Qua thực tiễn chiến đấu, ta thấy được những điểm yếu, hạn chế trong tác chiến của quân viễn chinh Mỹ (tinh thần và sức chịu đựng kém; có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào máy bay, pháo binh; khi bị đánh tập kích, phục kích đối phó rất lúng túng). Sức mạnh và chiến thuật của quân Mỹ rõ ràng không ghê gớm như những gì chúng tuyên truyền. Đại tướng Văn Tiến Dũng khẳng định: “Chiến thắng Vạn Tượng cùng với chiến thắng Núi Thành thực sự là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, dấy lên khắp miền Nam một phong trào “gặp Mỹ là đánh, tìm Mỹ mà diệt”, không chỉ trong các lực lượng vũ trang, mà cả trong đông đảo nhân dân miền Nam” (Đại tướng Văn Tiến Dũng, Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.70).

Đánh bại Sư đoàn kỵ binh bay 1 Mỹ - Bản hùng ca Tây Nguyên

Trận Núi Thành và Vạn Tường là những chiến thắng phủ đầu quân Mỹ. Tuy nhiên, quy mô của các trận đánh trên còn hạn chế, thời gian tác chiến mới chỉ diễn ra trong ngày (sau đó Quân giải phóng rút đi), ta chưa đánh tiêu diệt gọn được tiểu đoàn quân Mỹ. Trong khi đó, quân viễn chinh Mỹ còn đang tiếp tục triển khai ồ ạt vào miền Nam, cơ sở tác chiến cơ bản và phổ biến của quân địch lại là cấp sư đoàn (hoặc lữ đoàn tăng cường). Muốn đảm bảo thắng lợi, lực lượng vũ trang giải phóng phải hình thành, phát triển “những quả đấm chủ lực mạnh”, mở những chiến dịch quy mô lớn hơn, tổ chức tác chiến tập trung đánh tiêu diệt gọn tiểu đoàn, đánh bại những sư đoàn quân Mỹ. Những băn khoăn ấy được giải đáp kịp thời ngay trong Chiến dịch Plây Me (cuối năm 1965) của Quân giải phóng tại chiến trường Tây Nguyên.

Tháng 8.1965, đồng chí Chu Huy Mân được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3). Đúng thời gian này, Sư đoàn Kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ đã đổ bộ vào cảng Quy Nhơn, chiếm đóng huyện lỵ An Khê (Gia Lai) - một vị trí then chốt trên đường 19, án ngữ cửa ngõ Tây Nguyên, cắt địa bàn này với vùng đồng bằng ven biển Khu 5. Sư đoàn Kỵ binh số 1 là sư đoàn cơ động đường không đầu tiên, tinh nhuệ nhất và có đầy đủ quân số, trang bị đầu tiên của quân đội Mỹ tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam. Lực lượng, phương tiện sư đoàn gồm có: 16.000 quân, hơn 400 máy bay trực thăng, hơn 1.600 xe các loại, được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc coi là “niềm hi vọng lớn nhất của lục quân Mỹ”.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí Chu Huy Mân cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến, không tiến công giải phóng bắc Tây Nguyên (như kế hoạch ban đầu), mà hạ quyết tâm mở chiến dịch tiến công Plây Me ở khu vực Đức Cơ - Bàu Cạn - Plây Me (tỉnh Gia Lai), nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, củng cố và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lòng tin đánh Mỹ và thắng Mỹ trên chiến trường. Đồng chí Chu Huy Mân trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch. Lực lượng Quân giải phóng tham gia chiến đấu gồm ba trung đoàn bộ binh (320, 33 và 66), một số đơn vị binh chủng cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Lực lượng địch có Sư đoàn Kỵ binh số 1 Mỹ; một chiến đoàn dù, một chiến đoàn thiết giáp quân đội Sài Gòn. Chiến dịch diễn ra từ ngày 19.10 đến ngày 26.11.1965. Kết quả, ta loại khỏi chiến đấu gần 3.000 địch, phá hủy 89 xe quân sự (có 42 xe tăng và xe bọc thép), bắn rơi 59 máy bay. Đặc biệt, trong trận đánh then chốt tại thung lũng Ia Đrăng (17.11.1965), Quân giải phóng tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn quân Mỹ. Đây là chiến dịch đánh Mỹ đầu tiên ở Tây Nguyên, chứng minh Quân giải phóng có khả năng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt từng tiểu đoàn quân Mỹ bằng tác chiến vận động ở chiến trường rừng núi, là cơ sở thực tiễn để củng cố thêm nhận định: Quân giải phóng miền Nam có khả năng đánh bại hoàn toàn quân viễn chinh Mỹ.

Thắng lợi của quân dân ta trên chiến trường miền Nam trong năm 1965 (Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me...) giúp Trung ương Đảng có thêm cơ sở thực tiễn để xây dựng quyết tâm “Đánh Mỹ, thắng Mỹ”, biểu hiện rõ nét nhất trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12.1965). Nghị quyết khẳng định: “Những chiến công to lớn và vang dội của Quân giải phóng và đồng bào miền Nam chứng tỏ rằng quân và dân miền Nam hoàn toàn có khả năng tiêu diệt những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội viễn chinh Mỹ, tiêu diệt những đơn vị ngày càng lớn của quân chủ lực ngụy, trong tình hình mới vẫn kiên quyết tiến lên, càng đánh càng mạnh và cuối cùng nhất định đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ”. Từ đó, Trung ương nêu rõ: “Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay rõ ràng là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta, của nhân dân ta từ Nam chí Bắc (...). Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền phải giữ vững và nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”. Trên cương vị, trọng trách được giao, đồng chí Chu Huy Mân - một cán bộ trung kiên, tài năng của Đảng ta đã đóng góp xứng đáng vào xây dựng “quyết tâm thời đại” đó.

Dai tuong chu huy man - nguoi gop phan xay dung quyet tam danh my - thang my hinh anh 5
Đại tướng Chu Huy Mân (thứ 2 từ trái qua) cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu Anh hùng quân đội gia đình liệt sĩ nhân kỷ niệm 40 năm thành lập QĐND Việt Nam năm 1984. Ảnh: tư liệu TTXVN.

Nhân dịp kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17.3.1913 - 17.3.2023), chúng ta thêm một lần ghi nhận những đóng góp quan trọng của Đại tướng với sự nghiệp cách mạng nước nhà, trong đó có dấu ấn rất nổi bật về thắng lợi thực tiễn chiến trường, tạo cơ sở xây dựng quyết tâm “Đánh Mỹ, thắng Mỹ” trong thời kỳ đầu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ”./.

Theo: TS Trần Hữu Huy/ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tin mới hơn

Giá heo hơi giảm sâu nhưng giá thịt heo ở chợ vẫn đứng yên

Giá heo hơi giảm sâu nhưng giá thịt heo ở chợ vẫn đứng yên

VOV.VN - Khoảng một tháng nay, giá heo hơi liên tục giảm và đã giảm gần 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt heo bán ở chợ truyền thống tại TP.HCM vẫn chưa giảm.

Người tài không nhất thiết phải là đảng viên

Người tài không nhất thiết phải là đảng viên

VOV.VN - Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng: "Khi công nhận nhân tài không nhất thiết phải đảng viên. Người ta có đóng góp lớn, có hiệu quả thì không thể không công nhận người ta".

Vé máy bay nội địa có thể sắp tăng cao

Vé máy bay nội địa có thể sắp tăng cao

VOV.VN - Giá vé máy bay trong thời gian tới có thể sẽ tăng nếu Bộ GTVT điều chỉnh nới trần khung giá dịch vụ hàng không được duy trì từ năm 2015 đến nay. Trong khi các hãng hàng không yêu cầu cần được gỡ khó, để tồn tại vì đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thời tiết ngày 25/3: Miền Bắc đón gió mùa Đông Bắc, Nam Bộ nắng nóng trên 36 độ

Thời tiết ngày 25/3: Miền Bắc đón gió mùa Đông Bắc, Nam Bộ nắng nóng trên 36 độ

VOV.VN - Sáng sớm nay (25/3), không khí lạnh đã ảnh hưởng yếu đến một số nơi ở khu Đông Bắc Bắc Bộ. Trong khi đó, Nam Bộ nắng nóng tiếp tục duy trì, có mọt số nơi nắng nóng trên 36 độ.

U23 Việt Nam - U23 UAE: Thêm một "ngọn núi cao"

U23 Việt Nam - U23 UAE: Thêm một "ngọn núi cao"

VOV.VN - Trận đấu với U23 UAE ở lượt trận thứ hai Doha Cup 2023 sẽ không khác gì một "ngọn núi" tiếp theo mà U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier phải vượt qua.

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italy

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italy

(ĐCSVN) - Năm 2013, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược là bước đi lịch sử trong quan hệ hai nước Việt Nam - Italy. Italy là một trong những đối tác Liên minh châu Âu (EU) hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khối ASEAN.

Viettel hoàn thành chiến lược Việt Nam hóa mạng lưới viễn thông

Viettel hoàn thành chiến lược Việt Nam hóa mạng lưới viễn thông

NDO - Viettel triển khai thành công hệ thống tổng đài thoại cho mạng 4G, 5G (hệ thống IMS) do chính mình nghiên cứu, sản xuất. Thành tựu này khẳng định Viettel đã chính thức đưa toàn bộ hệ thống cấu thành mạng lõi 4G, 5G “Make in Viet Nam” vào mạng lưới.

Hạt gạo “chuyển mình”, giá xuất khẩu đạt mức cao nhất thế giới

Hạt gạo “chuyển mình”, giá xuất khẩu đạt mức cao nhất thế giới

Theo thông tin từ Bộ Công thương, kể từ tháng 8/2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam luôn ở mức cao, nhiều thời điểm vượt Thái Lan, Ấn Độ và đạt mức cao nhất thế giới. Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho thấy, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 3/2023, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam nhiều lần đạt mức giá 468-472 USD/tấn.

Tin cũ hơn

[Xem thêm]
Hút dòng vốn ngoại chất lượng

Hút dòng vốn ngoại chất lượng

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao đến từ EU, Mỹ… được kỳ vọng sẽ bứt phá trong thời gian tới.

Thời tiết hôm nay (24/3): Trung Bộ cao điểm nắng nóng, Bắc Bộ nhiệt độ giảm dần

Thời tiết hôm nay (24/3): Trung Bộ cao điểm nắng nóng, Bắc Bộ nhiệt độ giảm dần

GĐXH - Theo dự báo thời tiết hôm nay (24/3), Trung Bộ vẫn rất nóng, nhiều nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ trên 39 độ. Miền Bắc nắng nóng giảm dần, nhiệt độ giảm từ 4-5 độ. Từ chiều tối Bắc Bộ chuyển mưa rào và dông rải rác. Thời tiết hôm nay thế nào?

3 kế sách để Việt Nam thu hút khách quốc tế

3 kế sách để Việt Nam thu hút khách quốc tế

VOV.VN - Đơn giản hóa chính sách thị thực, giữ gìn môi trường thiên nhiên và nâng cao chất lượng dịch vụ là 3 giải pháp được các chuyên gia đề xuất cho ngành du lịch Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Phiên bản điện thoạiPhiên bản điện thoại