08:20 | 03/12/2021

Cảnh giác khi ma túy "núp bóng" trong đồ ăn, thức uống lạ từ nước ngoài

Theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, người lớn cần tuyên truyền cho các cháu nhỏ khi sử dụng các đồ ăn, thức uống lạ đưa từ nước ngoài về phải rất cảnh giác và không sử dụng nếu không biết nguồn gốc, nơi cấp phép của các loại thực phẩm này.

Mới đây, Bộ Công an ra cảnh báo về một loại ma túy mới có tên là Crispy Fruit (hay còn gọi là “nước dâu”). Loại thực phẩm được ngụy trang dưới dạng nước uống trái cây này thực chất là một loại ma túy tổng hợp, rất dễ gây nghiện. Ngoài “nước dâu” trên thị trường ngầm còn có “nước nho”, “nước xoài”... đều là các loại ma túy tổng hợp nguy hiểm. Việc Bộ Công an cảnh báo về loại ma túy mới này gây tâm lý lo lắng cho người dân, nhất là các bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi học sinh, thanh thiếu niên. Để nhận biết được các dạng thực phẩm chứa chất ma túy này, PV VOV.VN trao đổi với Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an).

Thượng tá Bùi Đức Thiêm - Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an).

PV: Các loại ma túy tổng hợp đang tiếp tục tấn công vào thanh thiếu niên dưới rất nhiều vỏ bọc. Theo ghi nhận của Thượng tá, trong quá trình đấu tranh các chuyên án này thì diễn biến của loại tội phạm thay đổi ra sao?

Thượng tá Bùi Đức Thiêm: Ma túy tổng hợp đang tìm đủ mọi cách để tấn công vào người dân nói chung, đặc biệt là người nghiện. Để lôi kéo được một số lượng người nghiện lớn thì ma túy tổng hợp luôn thay đổi về mẫu mã, hình thức, đặc biệt là tác dụng kích thích.

Dưới nhiều góc độ khác nhau, ma túy tổng hợp được "núp bóng" ở các đồ ăn, nước uống, các loại thực phẩm chức năng. Thời gian gần đây, ma túy tổng hợp đã vào Việt Nam bằng một số con đường, đặc biệt là hình thức vận chuyển không chính thức như qua các con đường tiểu ngạch, hàng xách tay, đường hàng không. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào có hoạt chất là ma túy, bởi vì ma túy được kiểm soát rất chặt chẽ.

Mới đây, tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã phát hiện sự việc các cháu học sinh sử dụng một loại kẹo, sau khi giám định thì những viên kẹo này có chứa chất THC - ma túy cần sa tổng hợp. Như vậy, chúng ta phát hiện ra một số vụ việc các đối tượng vận chuyển ma túy tổng hợp ẩn trong các đồ uống, thực phẩm... từ nước ngoài về. Còn thực tế, chúng ta đã kiểm soát ma túy tổng hợp khá chặt chẽ ở trong nước, số vụ việc phát hiện là hàng trôi nổi và các đối tượng mang từ nước ngoài về bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng với số lượng không nhiều.

PV: Như ông nói ở trên, ma túy tổng hợp ẩn trong các loại đồ uống, thực phẩm khác nhau, vậy làm thế nào để người dân nhận biết được loại đồ uống, thực phẩm có chứa ma túy. Bằng mắt thường rất khó phát hiện?

Thượng tá Bùi Đức Thiêm: Tôi đã nói ở trên, những đồ ăn, thức uống được cấp phép của cơ quan chức năng, thì đó là những thứ đã được kiểm soát. Còn các mặt khác như bánh, kẹo,... là những đồ ăn hàng ngày, thì thực tế chúng tôi cũng chưa phát hiện được những vụ việc các đối tượng đưa ma túy vào các bánh kẹo thông thường. Thực tế, dạng ma túy có trong thực phẩm, đồ uống mà thời gian qua lực lượng chức năng phát hiện ở một số địa phương như ở Quảng Ninh, là các đối tượng vận chuyển từ nước ngoài về, đó là hàng trôi nổi.

Đối với các loại thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc không rõ ràng, trôi nổi trên thị trường, khi người dân sử dụng phải hết sức cảnh giác. Người lớn cần tuyên truyền cho các cháu nhỏ khi sử dụng các đồ ăn, thức uống lạ đưa từ nước ngoài về phải rất cảnh giác và không sử dụng nếu không biết nguồn gốc, nơi cấp phép của các loại thực phẩm này.

PV: Việc quản lý hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam, kể cả hàng hóa nhập khẩu không chính ngạch thì trách nhiệm không phải của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, vậy Cục đã phối hợp với các đơn vị chức năng khác để phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tổng hợp thẩm lậu vào Việt Nam núp bóng dưới các mặt hàng thực phẩm, đồ uống như thế nào, thưa Thượng tá?

Thượng tá Bùi Đức Thiêm: Việc này chúng tôi đã phối hợp rất tốt với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan chức năng của Bộ Y tế như Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị khác mà quản lý chuyên ngành về lĩnh vực này.

Một mặt chúng tôi tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mặt khác, thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đã có những điều chỉnh ngăn chặn bằng các qui định của pháp luật, như: Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã qui định rất rõ, rất chi tiết, cụ thể đối với từng chuyên ngành về công tác phòng, chống tội phạm về ma túy.

Các Bộ như: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ngoài ra có các bộ chuyên ngành khác như Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, các đơn vị liên quan đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống ma túy. Ví dụ như Hải quan là đơn vị "canh cửa" ở các tuyến biên giới để kiểm soát các mặt hàng từ bên ngoài vào Việt Nam. Tất cả việc này đều có sự phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng và đều có sự trao đổi hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của các lực lượng để phòng ngừa tội phạm ma túy từ xa.

Ma túy “nước dâu” đang được các đối tượng rao bán rầm rộ trên mạng xã hội.
Ma túy “nước dâu” đang được các đối tượng rao bán rầm rộ trên mạng xã hội.

PV: Thời gian tới, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đưa ra những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này thưa Thượng tá?

Thượng tá Bùi Đức Thiêm: Để đấu tranh có hiệu quả với các loại ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng, thì đầu tiên chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền. Báo chí là một kênh thông tin rất có hiệu quả trong công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy.

Thời gian qua, qua kênh báo chí, chúng tôi đã tuyên truyền rất tốt đến người dân, đặc biệt các cháu học sinh, sinh viên, để các cháu thấy được ma túy tổng hợp luôn núp bóng ở rất nhiều dạng thực phẩm, đồ ăn khác nhau. Để sử dụng một chất nào đó, chúng ta phải là những người tiêu dùng thông thái.

Mọi người hãy sử dụng những thực phẩm, đồ uống được cơ quan chức năng cấp phép. Khi người dân sử dụng nên có sự lựa chọn, nên có sự tham vấn với cơ quan chức năng, chúng ta không nên đưa bất kỳ chất nào chưa được cấp phép hoặc chất lạ vào trong cơ thể, bởi điều này là không tốt.

Các đối tượng tội phạm về ma túy đang lợi dụng việc trên để đưa nhiều chất ma túy vào đồ ăn, thức uống như vậy.

Hi vọng, qua việc tích cực tuyên truyền của báo chí, người dân sẽ có được thông tin hữu ích và có được nhận thức tốt hơn đối với công tác phòng ngừa tội phạm về ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Ngày 2/11, Bộ Công an đưa ra cảnh báo: Thời gian qua nhận được báo cáo của một số đơn vị, địa phương về thủ đoạn trá hình ma túy tổng hợp rất tinh vi. Qua công tác đấu tranh, cơ quan Công an đã thu giữ các gói ma tuý được ngụy trang dưới dạng gói bột thực phẩm hương dâu pha uống.

Trong gói bao bì có hình thức bắt mắt này là chất bột có màu trắng đục; chất bột này có mùi hương dâu. Qua công tác giám định, thành phần chủ yếu trong chất bột này là ma tuý tổng hợp MDMA. Một thủ đoạn trá hình ma túy khác là những gói bột được đóng trong loại bao bì bắt mắt có in hình quả dâu, bên ngoài ghi chữ “Crispy Fruit”; và có in các thành phần thường thấy của loại nước uống trái cây.

Tuy nhiên bao bì không ghi thông tin của nhà sản xuất cũng như xuất xứ của sản phẩm. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng bị bắt giữ thì những gói bột này là một dạng ma tuý. Theo cơ quan Công an, ngoài ma tuý được nguỵ trang dưới dạng “nước dâu”, một số địa phương trong nước đã phát hiện loại ma tuý dưới dạng “nước xoài”.

Những loại ma túy này được sử dụng pha để uống nên được “ngụy trang” như một loại nước giải khát. Bộ Công an khuyến cáo, đây là hình thức, thủ đoạn rất mới và những sản phẩm này nếu được tiêu thụ ở các trường học hay các khu vui chơi thì sẽ rất nguy hiểm, gây tác hại khôn lường cho xã hội và khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, ngăn chặn./.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/canh-giac-khi-ma-tuy-nup-bong-trong-do-an-thuc-uong-la-tu-nuoc-ngoai-9935.html

In bài viết