06:56 | 17/09/2021

Giữ vững thành quả khống chế dịch Covid-19

(HNM) - Đồng Nai và Bình Dương là hai trong số 3 địa phương đầu tiên tại khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Trải qua hơn 100 ngày nỗ lực, với những giải pháp quyết liệt, Đồng Nai và Bình Dương đã bước đầu kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Hiện hai tỉnh vẫn đang duy trì trạng thái chủ động cao nhất với quyết tâm giữ vững thành quả đạt được, tiến tới đẩy lùi hoàn toàn "giặc Covid-19".

Với những thành quả đáng khích lệ trong phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách xã hội theo hướng chắc chắn, an toàn sau ngày 20-9.

Từ đối mặt với muôn vàn khó khăn...

Bắt đầu từ 0h ngày 9-7-2021, toàn tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này được tỉnh đưa ra trong bối cảnh trên địa bàn phát hiện 128 ca Covid-19. Vào thời điểm đó, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai đã kín bệnh nhân. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, nếu không có những biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, ngành Y tế Đồng Nai sẽ quá tải.

Toàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, thu hút khoảng 1.900 dự án đầu tư, tập trung đông công nhân, nguy cơ lây lan dịch bệnh nhanh. Với sự phức tạp của biến chủng Delta, số ca mắc Covid-19 mới có ngày lên đến 1.243 ca (ngày 5-9), đến sáng 15-9 số ca mắc là hơn 29.600 ca, cao thứ 3 cả nước, tỉnh phải kéo dài thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến giữa tháng 9-2021.

Trong khi đó, tỉnh Bình Dương có hơn 48.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động và gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Trước sự lây lan nhanh của dịch bệnh, tỉnh đã phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 19-7. Thời điểm đó, Bình Dương có 2.175 ca Covid-19 trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, dù đã sớm giãn cách xã hội toàn tỉnh, nhưng dịch Covid-19 vẫn bùng phát. Hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải ngừng hoạt động. Đáng chú ý, cao điểm số ca mắc Covid-19 của tỉnh lên đến 6.050 ca/ngày (ngày 30-8), có ngày số ca mắc mới của tỉnh cao hơn cả thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số ca Covid-19 tính đến sáng 15-9 là hơn 162.000 ca, tử vong hơn 1.400 ca, lớn thứ 2 cả nước. Tỉnh đối diện với muôn vàn khó khăn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan...

... đến những thành quả đáng mừng

Để ứng phó với dịch Covid-19, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành đồng bộ 5 giải pháp, gồm: Truy vết nhanh; cách ly kỹ - 3 tầng điều trị; an sinh, an ninh tốt; tuyên truyền rộng; tiêm vắc xin. Tỉnh sớm triển khai việc cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, qua đó phát hiện F0 để phân loại điều trị. Nhằm giúp người dân yên tâm chống dịch, tỉnh chi hỗ trợ hơn 304 tỷ đồng; cấp phát 3.129 tấn gạo của Chính phủ... Nhờ những giải pháp quyết liệt, đến ngày 15-9, Đồng Nai đã có 75/170 xã và 6/11 huyện, thị xã là "vùng xanh" (khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm dịch).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, từ những thành quả đạt được, tỉnh sẽ nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 20-9 trên nguyên tắc khóa chặt "vùng đỏ" (khu vực có dịch); mở cửa chắc chắn, an toàn "vùng xanh"; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Còn tại Bình Dương, tỉnh điều phối nhịp nhàng F0 giữa 3 tầng điều trị Covid-19 (tầng 1 chiếm 80%, tầng 2 chiếm 15%, tầng 3 chiếm 5%) nên tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,85% tổng số ca nhiễm. Cùng với đó, tỉnh thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho gần 95% người trong độ tuổi... Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi thông tin, hiện tình hình dịch Covid-19 ở Bình Dương cơ bản đã được kiểm soát. Vì thế, sau ngày 15-9, tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội với nguyên tắc “bảo vệ, giữ vững các "vùng xanh"; khóa chặt "vùng đỏ"”. Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, người khỏi bệnh Covid-19 và các phương tiện giao thông tại "vùng xanh" được lưu thông bình thường... Để bảo vệ thành quả đạt được, tiến tới đẩy lùi hoàn toàn "giặc Covid-19", tỉnh yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội nới lỏng các yêu cầu giãn cách xã hội đối với những nơi chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh...

Dưới góc độ chuyên môn, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 tỉnh Bình Dương, để giữ vững thành quả khống chế dịch Covid-19, thời gian tới, những khu vực phát hiện 10% F0 trong tổng mẫu xét nghiệm cần được coi là "vùng đỏ" để khóa chặt, tập trung chăm sóc y tế. Mỗi địa phương cần chuẩn bị từ 4 đến 5 khu cách ly đóng vai trò như "pháo đài" tại cơ sở để thu dung bệnh nhân tầng 1.

Giám đốc điều hành doanh nghiệp Tân Bảo Saigon Group Lê Sỹ Nhật chia sẻ: “Văn phòng công ty tôi tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng các đối tác, đại lý, nhà xưởng nằm tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Với kết quả khả quan trong phòng, chống dịch Covid-19, tôi rất kỳ vọng các hoạt động giao thương tại hai tỉnh này sẽ sớm được khôi phục”.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Theo (HNM)

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/giu-vung-thanh-qua-khong-che-dich-covid-19-9320.html

In bài viết