07:55 | 13/09/2021

Làm gì để học trực tuyến không còn chật vật với cả cha mẹ và học sinh?

VOV.VN - Dù bước sang năm thứ 2 học trực tuyến, nhưng không ít phụ huynh, học sinh vẫn gặp khó khăn, trong đó có những vấn đề về thiết bị học, phương pháp học trực tuyến và cả vấn đề cân bằng tâm lý cho trẻ khi phải ở nhà quá nhiều.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chuyên gia tư vấn giáo dục cho rằng, phụ huynh, học sinh cũng như các thầy cô đã có thời gian làm quen với phương thức học trực tuyến, tuy nhiên trong đợt dịch lần thứ 4, thời gian giãn cách tại nhiều địa phương quá dài nên việc học online gặp không ít khó khăn, trong đó có cả vấn đề tâm lý ứng phó chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó, phương tiện dạy và học trực tuyến vẫn là một thách thức. Nhiều phụ huynh có thói quen giao việc học của con cái cho thầy cô, nên khi phải học cùng con sẽ cảm thấy loay hoay, khó khăn.

Dù bước sang năm thứ 2 học trực tuyến nhưng cả phụ huynh và học sinh vẫn gặp không ít khó khăn. (Ảnh minh họa)

Nếu như môi trường học trực tiếp, học sinh và giáo viên có cơ hội tương tác nhiều hơn, thì khi chuyển sang học trực tuyến, việc trao đổi còn hạn chế, môi trường học tập mang tính thụ động, một chiều nhiều hơn.

Với nhiều gia đình bố mẹ phải đi làm, việc trông con mùa dịch cũng rất đau đầu, nhưng với những bố mẹ làm việc trực tuyến tại nhà, con cái học online, việc có đủ các thiết bị, không gian riêng tư cho mỗi cá nhân làm việc, học tập cũng gặp nhiều bất tiện.

Học sinh quốc tế cũng gặp khó khăn khi học trực tuyến

Không chỉ ở Việt Nam, TS Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia về giáo dục STEM – Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ),cho biết, tại Mỹ, vào cuối năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, ngành giáo dục nước này cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo các thống kê từ nhà trường và phụ huynh tại Mỹ cho thấy, khó khăn lớn nhất đến từ vấn đề tâm lý của học sinh. Khi các em chuyển từ trạng thái bình thường sang học tại nhà, trong một môi trường khác, cách học khác, các em phải mất một thời gian dài để thích nghi với việc thay đổi trạng thái tâm lý.

Khó khăn thứ 2 là giáo viên vốn đã quen với việc dạy học trực tiếp, song khi chuyển sang học trực tuyến, yêu cầu bài giảng cần thiết kế khác, bản thân giáo viên cũng cần có thời gian chuẩn bị, các nhà nghiên cứu giáo dục cũng đã phải làm việc cật lực để thay đổi.

Không riêng Việt Nam, theo TS Nguyễn Thanh Hải, tại quốc gia phát triển như Mỹ, nhiều học sinh cũng vẫn gặp khó khăn về đường truyền và thiết bị. Đặc biệt nhiều học sinh bị xáo trộn tâm lý khi chính các em hoặc người nhà mắc Covid-19, bên cạnh đó có cả khó khăn về tài chính. Tựu chung lại, vướng mắc lớn nhất khi học online nằm ở vấn đề tâm lý, tinh thần và thiết bị dạy học cho học sinh.

TS Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhiều học sinh tại Mỹ cũng gặp những khó khăn khi học trực tuyến. (Ảnh minh họa, nguồn: Johns Hopkins School of Education)
TS Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhiều học sinh tại Mỹ cũng gặp những khó khăn khi học trực tuyến. (Ảnh minh họa, nguồn: Johns Hopkins School of Education)

Chuyên gia giáo dục này cho biết, tại Mỹ nhiều phụ huynh cũng gặp khó khăn khi phải đi làm, không có người trông con. Giải pháp mà ngành giáo dục nước này đưa ra để “giải vây” cho phụ huynh là tổ chức các nhóm học online nhỏ, để các em cùng học với nhau dưới sự hướng dẫn của một giáo viên hoặc 1 sinh viên tình nguyện.

Để giải quyết bài toán thiết bị học tập cho học sinh, các trường học tại đây cũng thực hiện chương trình 1 học sinh- 1 ipad, học sinh sẽ được mang máy tính bảng về nhà trong thời gian học trực tuyến mùa dịch. Thiết bị này đã được cài sẵn sác phần mềm quản lý thời gian học tập của học sinh, các website các em có quyền được truy cập. Sau khi kết thúc thời gian học online, học sinh trả lại máy tính cho nhà trường. Giáo viên thay vì dạy cả ngày sẽ chỉ dạy 1 buổi, đến trường làm việc để có đủ điều kiện tốt nhất cho việc dạy trực tuyến, buổi còn lại trong ngày giáo viên sẽ dành để tương tác, hỗ trợ học sinh.

“Giai đoạn học online là ký ức khó quên với cả một thế hệ, nhiều em học sinh trên khắp thế giới cũng chưa từng trải qua thời kỳ như vậy. Ngay cả khi được trở lại trường, các em cũng phải đeo khẩu trang, không được ôm hôn, bắt tay, nhiều khó khăn nhưng học sinh cũng có thêm nhiều kỹ năng mới. Thời gian học tập online tại Mỹ, thầy trò đều cùng nhau nỗ lực, bản thân mỗi giáo viên, các nhà quản lý cũng đang học để thích nghi với một thời kỳ chưa từng có”, TS Nguyễn Thanh Hải nói.

Bà Đỗ Hồng Dinh, Giám đốc Kinh doanh IoT Tập đoàn công nghệ Intel hiện đang làm việc lại Malaysia cho biết, từ tháng 3/2020 đến nay, học sinh Malaysia vẫn đang học trực tuyến. Việc đầu tiên mà ngành giáo dục nước này thực hiện khi học online là chuẩn bị trường truyền internet có băng thông đủ lớn, các phụ huynh cũng trang bị máy tính có màn hình tối thiểu từ 11 inch để tránh ảnh hưởng đến mắt và sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, Chính phủ Malaysia cũng đã giảm giá điện, giá cước internet từ 15-30%.

Bố mẹ cần tăng cường các hoạt động tại nhà cho con

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, với trẻ nhỏ, đặc biệt là học sinh lớp 1 sẽ có nhu cầu chạy nhảy vui chơi với bạn bè, nên khi chuyển sang hình thức học trực tuyến sẽ gặp không ít khó khăn: “Một điều vô cùng quan trọng là bố mẹ phải đồng hành cùng các con, cùng thầy cô nghiên cứu chương trình. Cha mẹ là người hiểu con nhất, hãy tìm cách tổ chức học ra sao để con hứng thú và cảm thấy thoải mái nhất, từ những điều đơn giản như điều chỉnh độ cao của bàn sao cho các con ngồi thoải mái, ánh sáng góc học tập… Đặc biệt phải có sự kết nối chặt chẽ với thầy cô, cha mẹ dù giỏi đến đâu nhưng về phương pháp dạy sẽ không thể bằng thầy cô. Khi học ở nhà, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý đến tâm lý của con, sẵn sàng chia sẻ với con để giảm những căng thẳng trong học tập”, bà Phương Hoa nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu như việc giảng dạy trực tiếp có rất nhiều cơ hội để giáo viên và học sinh tương tác, nhưng khi học trực tuyến, chủ yếu là học sinh lắng nghe, giáo viên giảng, nên thầy cô cần chú ý thay đổi phương pháp giảng dạy, giảm thời gian thuyết trình, tăng cường các hình thức clip trực quan sinh động, liên hệ với thực tế, hướng dẫn các em học từng phần.

Còn theo TS Nguyễn Thanh Hải, để giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong thời gian không được đến trường, phụ huynh có thể tăng cường các hoạt động tại nhà như dạy trẻ làm vườn, nấu ăn, làm việc nhà… đây là cơ hội để trẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gia đình. “Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giai đoạn ở nhà là giai đoạn khó khăn với trẻ, nhưng cũng cần làm sao để trẻ phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Giáo dục online là cơ hội để biến những nguy cơ thành cơ hội, khuyến khích các em sáng tạo, thích nghi với tình hình mới”./.

Theo: Nguyễn Trang/VOV.VN

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/lam-gi-de-hoc-truc-tuyen-khong-con-chat-vat-voi-ca-cha-me-va-hoc-sinh-9289.html

In bài viết