09:51 | 17/12/2011

Chập điện: lý do khiến xe máy cháy nổ

(VEF.VN) - Các phân tích đềui cho rằng nguyên nhân gây cháy xe là do các sự cố từ hệ thống điện. Nhưng vì sao xe bị chập điện, lỗi do nhà sản xuất hay người sử dụng thì đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Trong thời gian ngắn qua liên tục xảy ra các vụ cháy xe máy, có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là vụ nổ xe Dream tại Bắc Ninh khiến thai phụ Quỳnh và một cháu bé 4 tuổi thiệt mạng.

Từ hiện tượng này đã làm dấy lên trong người tiêu dùng nỗi lo sợ về xe máy. Hiện cả nước có trên 20 triệu xe máy đang lưu hành, hàng ngày, hàng chục triệu người ngồi lên xe máy và không khỏi lo ngại về sự cố cháy nổ.

Cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào về nguyên nhân cháy nổ xe thời gian qua. Nhưng các phân tích của giới chuyên môn quanh những vụ việc này thì đã có nhiều.

Các phân tích đều có lý giải khá giống nhau khi cho rằng nguyên nhân gây cháy xe là do các sự cố từ hệ thống điện. Xe cháy là do bị chập hệ thống điện. Nhưng vì sao xe bị chập điện, lỗi do nhà sản xuất hay người sử dụng thì đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Với vụ xe nổ gây chết người tại Bắc Ninh, có ý kiến cho rằng trong quá trình chế tạo xe máy, các hệ thống dây dẫn điện luôn được nhà sản xuất thiết kế bó lại với nhau và thường chạy theo khung dưới ngay phía trên máy. Vòi dẫn xăng không được bó cùng nhưng đều nằm ở vị trí gần nhau. Trong quá trình sử dụng xe, có thể bó dây điện này đã bị hở dẫn đến chập điện đánh lửa gây cháy. Xe nổ có thể do bình xăng lúc đó gần như đã cạn. Bởi chỉ có khi xăng cạn mới tạo ra khoảng không khí phía trong vòi dẫn xăng, tạo môi trường cho lửa cháy.

Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng cần phân biệt giữa nổ hóa học và nổ vật lý. Nổ vật lý thì không xảy ra phản ứng hóa học nào, năng lượng rất yếu, còn nổ hóa học thì bắt buộc phải xảy ra phản ứng hóa học và chỉ có nổ hóa học mới có năng lượng mãnh liệt.

Xăng không phải là một loại vật liệu có thể gây ra nổ hóa học. Nếu bị cháy, nó chỉ giải phóng ra một lượng khí nhỏ. Lượng khí này chỉ đủ làm nứt bình xăng theo kiểu nổ vật lý, chứ không thể có đủ năng lượng để làm vỡ tan cả chiếc xe gắn máy, gây chết người. Phải là một phản ứng cháy nổ của một lượng vật liệu nổ nào đó mới đủ năng lượng gây ra hậu quả như thế. Và giả thiết đưa ra là vật liệu nổ được đưa từ bên ngoài vào.

Theo ông Dư Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội kỹ sư ôtô VN, thì mỗi năm có khoảng 3 triệu xe máy mới được tiêu thụ tại VN. Hiện VN có hơn 20 triệu xe máy lưu hành, trong số đó chiếm tới 50% là xe Honda. Năm 2011 xảy ra nhiều vụ cháy nổ xe máy Honda nhất, gần 10 vụ ( trừ vụ nổ gây hậu quả nghiêm trọng tại Bắc Ninh) thì các vụ cháy xe vẫn chỉ chiếm 1 tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số xe hiện có. Một xác suất nhỏ như vậy, khó có thể quy kết lỗi cho nhà sản xuất.

Theo ông Thịnh vấn đề cần quan tâm nhất trong lúc này là sử dụng và bảo quản. Ông Thịnh cho biết bản thân ông trước đây có sử dụng chiếc Dream nhập nguyên chiếc từ Thailand, sau 10 năm sử dụng, trong 1 lần khởi động, xe đã bốc cháy và nguyên nhân là do hệ thống điện lâu ngày không được thay thế nên có vấn đề.

Xe mới hay xe cũ đều có nguy cơ cháy. Chỉ cần hở xăng cũng có thể dẫn đến cháy xe khi có điều kiện bắt lửa. Kể cả không chập điện nhưng ống xả nóng quá, làm muội bám trên ống xả nóng đỏ và có nhiên liệu dễ cháy như xăng nhỏ vào cũng bắt cháy.

Xăng kém chất lượng có thể làm động cơ quá nhiệt, nóng hơn bình thường có thể gây cháy xe. Động cơ xe máy thường được các nhà sản xuất thiết kế chịu được nhiệt độ 200 độ C, vượt quá nhiệt độ này có thể gây cháy.

Khi người tiêu dùng vô ý can thiệp vào hệ thống điện của xe máy đã làm thay đổi về tính năng an toàn của xe. Việc lắp thêm đèn, còi sẽ làm thay đổi hệ thống điện, làm ảnh hưởng đến hoạt động ổn định và sự an toàn của xe. Khi gắn thêm bất cứ gì vào hệ thống xe, bản thân vật gắn thêm cũng có thể không đủ tiêu chuẩn an toàn, ví dụ như đèn thì dây dẫn không đủ tiết diện, hiệu điện thế trên đó, hoặc là rơ le kém chất lượng, làm cho điện có thể tăng dòng đột ngột... gây nguy hiểm tiềm tàng cho xe. Những vật gắn thêm trên xe không đạt tiêu chuẩn, không đồng bộ với tiêu chuẩn xe, sẽ là một mối nguy hiểm gây cháy, nổ bất cứ lúc nào.

Bản thân việc sửa xe ở những cơ sở không đáng tin cậy cũng có thể làm tăng nguy cơ, chỉ cần thợ sửa vô tình làm hở hệ thống điện cũng gây nguy cơ tiềm ẩn.

Việc cháy xe đương nhiên là gây thiệt hại, trước hết là về vật chất, vì vậy với người sử dụng đầu tiên cần quan tâm đến bảo quản xe cho tốt. Xe phải được bảo hành bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa ở những cơ sở uy tín có trang thiết bị kiểm tra đầy đủ, không lắp thêm còi, còi chíp hay đèn gây quá tải cho hệ thống điện...

Đến nay, ngoài việc vào cuộc của cơ quan công an nhằm tìm ra nguyên nhân, Cục Đăng Kiểm cho biết đã yêu cầu các nhà sản xuất rà soát lại hệ thống, quy trình sản xuất.

Một quan chức của Cục Đăng kiểm cho biết do chưa có kết luận về nguyên nhân cháy nổ thuộc về ai, nên cũng chỉ có thể yêu cầu nhà sản xuất rà soát lại quy trình sản xuất và khuyến cao người tiêu dùng quan tâm đến sử dụng bảo quản xe tốt hơn.

Đại diện Cục Đăng kiểm cũng nói thêm, hầu hết các nước trên thế giới đều quản lý chặt chẽ với xe máy và và kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ bắt buộc trong suốt quá trình sử dụng giống như đối với ôtô. Tại VN, 10 năm trước đây, Cục Đăng kiểm đã có đề nghị đưa xe máy vào kiểm tra định kỳ, nhưng gặp phải nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng như vậy chỉ hành dân gây khó khăn cản trở cho người sử dụng, vì vậy mà lại thôi.

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/chap-dien-ly-do-khien-xe-may-chay-no-912.html

In bài viết