10:06 | 16/11/2011
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các sở chuyên ngành có chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (Viết tắt là UBND cấp huyện, cấp xã) trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Những nội dung không nêu tại quy định này được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các văn bản pháp luật kháccó liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các sở, ngànhquản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện, cấp xãthực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnhYên Bái.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá
1. Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá là trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành quản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện, cấp xã nhằm thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hoá và tổ chức cá nhân đang hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hoá, phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Chương II
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh
1. Nghiên cứu xây dựng, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hoá dài hạn, 5 năm và hàng năm.
2. Nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá; các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
3. Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của tỉnh đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thuỷ văn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
4. Hướng dẫn việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn quốc tế, hướng dẫn việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm, hàng hoá.
5. Quản lý các hoạt động công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, các tổ chức đánh giá phù hợp và cung cấp dịch vụ đánh giá phù hợp; Bao gồm: Thử nghiệm, hiệu chuẩn, kiểm định, chứng nhận, giám định tại địa phương theo phân cấp của nhà nước.
6. Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
7. Tổ chức nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
8. Ban hành các văn bản, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
9. Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Phân cấp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh theo phân cấp của chính phủ.
2. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành quản lý chuyên ngành giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh.
3. Các sở, ngành chuyên ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo chuyên ngành.
4. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi địa phương.
Chương III
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
Điều 6. Sở Y tế có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Y dược cổ truyền; sức khỏe của cộng đồng; vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm, nước uống, nuớc sinh hoạt, nước khoáng thiên nhiên; thuốc lá điếu; hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;
2. Khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, giải phẫu thẩm mỹ;
3. Thuốc, mỹ phẩm;
4. Trang thiết bị, công trình y tế và các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.
Điều 7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Giống cây trồng, giống vật nuôi; nông sản, lâm sản, thuỷ sản, gia súc, gia cầm, vật nuôi;
2. Vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; phân bón, thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi;
3. Sản phẩm, dịch vụ trong nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản, lâm sản, thuỷ sản, muối;
4. Phụ gia, hoá chất sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; thuốc bảo vệ thực vật, động vật;
5. Công trình thuỷ lợi, đê điều;
6. Dụng cụ đánh bắt thuỷ sản, các thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong ngành thủy sản và các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Điều 8. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Các loại phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ các phương tiên phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh) và các trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải;
2. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và hàng không;
3. Dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải và các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 9. Sở Xây dựng có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Công trình xây dựng dân dụng, nhà ở và công sở;
2. Vật liệu xây dựng;
3. Kiến trúc, quy hoạch xây dựng bao gồm: quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
4. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế; khu công nghệ cao;
5. Dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng và các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng.
Điều 10. Sở Công Thương có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp;
2. Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành;
3. Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác theo quy định của pháp luật;
4. Dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại;
5. Thương mại điện tử và các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương.
Điều 11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người lao động;
2. Các sản phẩm đặc thù về an toàn lao động theo quy định của pháp luật;
3. Các công trình vui chơi công cộng;
4. Dịch vụ trong lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội và các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Điều 12. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Sản phẩm báo chí, xuất bản, bưu chính và chuyển phát;
2. Thiết bị viễn thông, công trình viễn thông;
3. Mạng lưới, công trình, sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, điện tử và công nghệ thông tin;
4. Tần số vô tuyến điện và thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện;
5. Dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 13. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Hồ sơ, tài liệu trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất;
2. Hồ sơ, tài liệu trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản;
3. Hồ sơ, tài liệu trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và khí tượng thuỷ văn;
4. Hồ sơ, tài liệu trong lĩnh vực đo đạc bản đồ;
5. Hồ sơ, tài liệu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
6. Hồ sơ, tài liệu lĩnh vực dịch vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
7. Các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 14. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu hướng dẫn giáo viên;
2. Thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, đồ chơi trẻ em trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành theo quy định của pháp luật;
3. Dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
4. Các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 15. Sở Tài chính có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
Các sản phẩm liên quan đến dự trữ quốc gia, kinh doanh xổ số, hoạt động chứng khoán; dịch vụ bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế, thẩm định giá, hải quan và các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính.
Điều 16. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1. Ấn phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật (biểu diễn);
2. Công trình thể thao; trang thiết bị luyện tập, thi đấu của các cơ sở thể dục thể thao và của các môn thể thao;
3. Hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch;
4. Các sản phẩm, hàng hóa khác theo danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 17. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái có trách nhiệm quản lý:
Tiền tệ, hoạt động ngân hàng, các thiết bị chuyên dùng cho ngân hàng.
Điều 18. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm quản lý:
Phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.
Điều 19. Công an tỉnh có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
Phòng cháy, chữa cháy, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các sản phẩm khác sử dụng cho lực lượng công an nhân dân không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.
Điều 20. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm quản lý các lĩnh vực:
1.Thiết bị an toàn bức xạ hạt nhân;
2. Các nguồn phóng xạ;
3. Phương tiện, dụng cụ đo lường;
4. Xăng, nhiên liệu điêzen, nhiên liệu sinh học gốc;
5. Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy;
6. Các sản phẩm điện, điện tử; đồ chơi trẻ em;
7. Các sản phẩm hàng hóa khác trừ các sản phẩm, hàng hóa thuộc sự quản lý của sở, ngành chuyên ngành nêu trên và các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.
8. Đối với các hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 32 Nghị định 132/2008/NĐ ngày 31/12/2008.
Điều 21. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
1. Tham mưu, giúp UBND tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
3. Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành quản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.
4. Làm đầu mối tổng hợp, thống kê, báo cáo kết quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh (báo cáo định kỳ, 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất) theo yêu cầu của UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.
5. Chủ trì tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho các sở, ngành quản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.
6. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường đối với các sản phẩm, hàng hoá thuộc đối tượng được phân công quản lý tại Quy định này. Đề nghị UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các sản phẩm hàng hoá khác theo yêu cầu của công tác quản lý.
7. Chủ trì hoặc phối hợp với các sở, ngành quản lý chuyên ngành giúp UBND tỉnh xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
8. Là cơ quan thường trực của Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của tỉnh; có trách nhiệm tổ chức đánh giá, đề xuất các hình thức khen thưởng cấp Quốc gia, cấp tỉnh đối với các tổ chức, cá nhân có những thành tích xuất sắc về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh.
Điều 22. Trách nhiệm của các sở, ngành quản lý chuyên ngành trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
1. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hoá thuộc đối tượng quản lý được phân công tại Quy định này.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo chuyên ngành.
3. Phân công nhiệm vụ cho một đơn vị thuộc quyền quản lý làm đầu mối trong việc phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá thuộc trách nhiệm quản lý.
4. Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá thuộc đối tượng quản lý theo Quy định này.
5. Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
6. Trước ngày 15 tháng 7 hàng năm phải xây dựng kế hoạch hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông trên thị trường thuộc đối tượng quản lý của mình cho năm sau gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
7. Định kỳ 6 tháng, một năm hoặc đột xuất (theo yêu cầu) gửi báo cáo kết quả hoạt động quản lý, kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông trên thị trường thuộc đối tượng quản lý của mình (thời gian báo cáo 6 tháng trước 15/6, cả năm trước 15/12) về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 23. Trách nhiệm của UBND cấp huyện trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
1. Căn cứ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành quản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm:
a) Giao cho phòng Kinh tế (Kinh tế và Hạ tầng) là đầu mối giúp UBND cấp huyện trong quan hệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành quản lý chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn.
b) Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn quản lý.
c) Chủ trì thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường; xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo thẩm quyền được quy định tại Điều 30, Nghị định 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các văn bản pháp luật có liên quan. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá vượt quá khả năng chuyên môn hoặc thẩm quyền xử lý phải phối hợp với sở, ngành quản lý chuyên ngành để giải quyết.
d) Định kỳ 6 tháng, một năm hoặc đột xuất (theo yêu cầu) gửi báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong sản xuất, lưu thông trên thị trường gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Chỉ đạo các cơ quan đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã trực thuộc thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.
Điều 24. Trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
1. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn quản lý, bao gồm:
a) Tuyên truyền phổ biến pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
b) Chủ trì tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hoạt động kinh doanh trên địa bàn theo thẩm quyền được quy định tại Điều 30, Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các văn bản pháp luật có liên quan.
c) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về hoạt động quản lý, kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá với UBND cấp huyện (Qua phòng Kinh tế, Kinh tế- Hạ tầng) để tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên theo quy định.
2. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn quản lý .
3. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND cấp huyện phân công.
Chương IV
QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ
CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HOÁ
Điều 25. Nguyên tắc phối hợp
1. Thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định cho mỗi cơ quan, mỗi ngành, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình nghiệp vụ, chuyên môn, chế độ bảo mật của mỗi cơ quan. Kết thúc từng đợt thanh tra, kiểm tra, cơ quan chủ trì phải thông báo bằng văn bản về kết quả thanh tra, kiểm tra cho cơ quan phối hợp.
2. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của cơ quan liên quan. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì cơ quan chủ trì báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết.
3. Việc xác định cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Theo đối tượng sản phẩm, hàng hoá được phân công quản lý, sở, ngành quản lý chuyên ngành là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành quản lý chuyên ngành khác có liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu.
b) Theo địa bàn quản lý, UBND cấp huyện là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên địa bàn huyện. Các sở, ngành quản lý chuyên ngành khác có liên quan và UBND cấp xã là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu.
4. Đảm bảo không chồng chéo trong hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra và không gây phiền hà cho cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trường hợp có sự trùng lắp kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì thực hiện như sau:
a) Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cấp huyện trùng lắp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của sở, ngành quản lý chuyên ngành thì thực hiện theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành.
b) Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành quản lý chuyên ngành trùng lắp về địa bàn thì các bên trao đổi, thống nhất đề nghị UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành.
Điều 26. Hình thức phối hợp
1. Trao đổi thông tin bằng văn bản và các phương tiện thông tin liên lạc.
2. Tổ chức cuộc họp, hội nghị, hội thảo để bàn bạc, thống nhất kế hoạch phối hợp thực hiện.
3. Cử cán bộ tham gia các hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
4. Thông báo chuyển hồ sơ cho cơ quan liên quan để xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
5. Phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành trong các trường hợp sau:
a) Theo chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
b) Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ hoặc sở, ngành quản lý chuyên ngành.
Điều 27. Nội dung phối hợp
1. Trong công tác tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, cơ quan được giao chủ trì phải lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan; cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn yêu cầu.
2. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của nhà nước, của tỉnh về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
3. Phối hợp tổ chức thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá của tỉnh.
4. Cung cấp, chia sẻ thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của các sở, ngành chuyên ngành và các nội dung khác có liên quan tới chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong ngành với các bên liên quan.
5. Liên kết hoạt động giữa các phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá và việc đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
6. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo chương trình, kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 28. Kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, chất lượng hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu và hàng hoá lưu thông trên thị trường
1. Các sở, ngành quản lý chuyên ngành chủ trì thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, chất lượng hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá lưu thông trên thị trường theo các nội dung quy định tại điều này và các các văn bản pháp luật có liên quan.
a) Kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất:
- Kiểm tra việc áp dụng yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng trong sản xuất;
- Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hoá, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm cần kiểm tra;
- Thử nghiệm mẫu theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.
- Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo quy định tại Điều 30 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các quy định pháp luật khác có liên quan.
b) Kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu:
- Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu (gọi tắt là kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu) do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá tiến hành đối với hàng hoá thuộc nhóm 2 hoặc hàng hoá khác khi có dấu hiệu, nguy cơ gây mất an toàn. Việc kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu được thực hiện theo nội dung quy định sau:
+ Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hoá, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hoá cần kiểm tra;
+ Thử nghiệm mẫu theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.
- Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩutheo quy định tại Điều 36 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các quy định pháp luật khác có liên quan.
c) Kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất khẩu:
- Hàng hoá xuất khẩu không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất.
- Việc kiểm tra và xử lý về chất lượng hàng hoá xuất khẩutheo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các quy định pháp luật khác có liên quan.
d) Kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường:
Căn cứ vào kế hoạch và diễn biến chất lượng hàng hoá trên thị trường, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá tiến hành kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường theo các nội dung sau:
- Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn hàng hoá, việc thể hiện dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu đi kèm hàng hoá cần kiểm tra, thông tin, cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của hàng hoá;
- Sau khi kiểm tra các yêu cầu nêu trên hoặc xét thấy có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng thì tiến hành thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định. Tổ chức đánh giá sự phù hợp phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá của mình.
- Xử lý vi phạm chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trườngtheo quy định tại Điều 40 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Việc phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá giữa các sở, ngành quản lý chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29. Tổ chức thực hiện
1. Giao Thủ trưởng các sở, ngành quản lý chuyên ngành; Chủ tịch UBND các cấp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể của ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá thuộc đối tượng mình quản lý.
2. Sở Công Thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá thuộc các sở, ngành quản lý chuyên ngành triển khai công tác quản lý thị trường trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh, lưu thông hàng hoá, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
3. Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng cảnh sát, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, hỗ trợ các sở, ngành quản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan chức năng của tỉnh trong kiểm tra, xử lý những vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan những phát hiện về sơ hở, thiếu sót, những điểm chưa phù hợp trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
4. Ban Quản lý các khu Công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm tra, phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện quy định này và các quy định khác của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành quản lý chuyên ngành, chính quyền các cấp tăng cường vận động hội viên thực hiện các nội dung của Quy định này và tham gia tích cực vào các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
6. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 30. Điều khoản thi hành
Quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế khi có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên điều chỉnh lĩnh vực này cho phù hợp./.
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/quy-inh--trach-nhiem-quan-ly-nha-nuoc-ve-chat-luong-san-pham--hang-hoa-tren-dia-ban-tinh-yen-bai-676.html