09:50 | 04/11/2011

Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số"

QUY CHẾ Làm việc của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” (Ban hành kèm theo Quyết định số: 1533 /QĐ - BCĐ, ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ban chỉ đạo gồm có: Trưởng ban, các Phó trưởng ban và các Uỷ viên.

Điều 2. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:

1. Củng cố về tổ chức và nhân sự thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật để theo dõi, thực hiện công tác này.

2. Xây dựng, củng cố đội ngũ báo  cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đến tận cơ sở; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu và các phương tiện hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác TTPBPL trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp.

3. Lựa chọn các nội dung pháp luật để biên soạn mới hoặc chỉnh lý, hoàn thiện các tài liệu pháp luật phục vụ công tác TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Trên cơ sở bộ tài liệu mẫu về nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp (sổ tay pháp luật, sách hỏi đáp pháp luật, tờ gấp, đĩa hình) tham khảo, nhân bản hoặc biên soan lại để TTPBPL cho phù hợp với tình hình, điều kiện tại địa phương.

4. Đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo điểm, xây dựng cơ chế phối hợp trong việc thực hiện các nội dung tại các mô hình TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án; phối hợp với Ban điều hành Đề án ở Trung ương để kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện tại địa phương mình; đánh giá tỷ lệ người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được TTPBPL tại địa phương.

 

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN

 

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban chỉ đạo.

1. Chỉ đạo, điều hành chung, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về hoạt động của Ban chỉ đạo.

2. Quyết định nội dung, triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ban chỉ đạo; Chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch, cơ chế quản lý điều hành, đề xuất các chính sách đặc thù trong việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

3. Chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các thành viên Ban chỉ đạo và các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Đề án.

4. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo những nội dung liên quan tới lĩnh vực chuyên môn thuộc sở, ngành mình về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Trưởng ban chỉ đạo.

 Các Phó trưởng ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban chỉ đạo.

Phó Trưởng ban  thường trực có nhiệm vụ thay mặt Trưởng ban chỉ đạo giải quyết các công việc thường xuyên của Ban chỉ đạo; đối với những công việc có tính phức tạp, phạm vi rộng thì xin ý kiến của Trưởng Ban chỉ đạo quyết định.

Điều 5. Nhiệm vụ của các Uỷ viên.

1. Căn cứ chức năng nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi, lĩnh vực của ngành.

2. Phối hợp với các thành viên khác của Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công; chủ động bàn bạc thống nhất với cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nghiên cứu, đề xuất với Ban chỉ đạo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong lĩnh vực phụ trách.

3. Tham gia lập kế hoạch, chuẩn bị nội dung các kỳ họp sơ kết, tổng kết của Ban chỉ đạo. Đóng góp ý kiến và cử cán bộ tham gia  trong quá trình tổ chức triển khai các hoạt động của Ban chỉ đạo. Thực hiện chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả theo quy định của Ban chỉ đạo.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban chỉ đạo phân công.

 

 Chương III

QUAN HỆ CÔNG TÁC, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 7. Quan hệ công tác.

1. Ban chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo; Văn phòng Ban đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 8. Chế độ và điều kiện làm việc.

1. Ban chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được cung cấp tài liệu, văn phòng phẩm và những thông tin cần thiết phục vụ cho nhiệm vụ được giao.

2. Chế độ họp và thông tin báo cáo.

Thường trực Ban chỉ đạo họp giao ban định kỳ mỗi quý một lần vào tuần thứ 3 của tháng cuối quý, trường hợp đột xuất do Trưởng ban quyết định.

Ban chỉ đạo 6 tháng họp một lần để kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác, đề ra nhiệm vụ, các giải pháp công tác cho thời gian tiếp theo; Ban chỉ đạo có thể họp đột xuất khi cần thiết.

Trường hợp thành viên Ban chỉ đạo bận đi công tác dài ngày (từ 3 tháng trở lên) hoặc có thay đổi về nhân sự phải báo cáo bằng văn bản để Trưởng ban chỉ đạo điều phối các hoạt động theo kế hoạch hoặc trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thay thế thành viên.

Điều 9. Con dấu, kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo.

1.Trưởng Ban chỉ đạo sử dụng con dấu của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các Phó Trưởng Ban chỉ đạo sử dụng con dấu của đơn vị mình

2. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo được bố trí hỗ trợ trong dự toán chi ngân sách cấp tỉnh hàng năm và huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác. Việc lập, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Hàng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch của Ban chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) có trách nhiệm lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 10. Việc sửa  đổi, bổ sung, thay thế Quy chế này được thực hiện theo đề nghị của các thành viên Ban chỉ đạo và được chấp nhận tại phiên họp của Ban chỉ đạo.

            Quy chế này là cơ sở pháp lý để Ban chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/quy-che-lam-viec-cua-ban-chi-dao-thuc-hien-e-an-tuyen-truyen-pho-bien-phap-luat-cho-nguoi-dan-nong-thon-va-dong-bao-dan-toc-thieu-so-574.html

In bài viết