10:44 | 17/03/2020
Dịch tiếp tục bùng phát mạnh tại Italia, ghi nhận 349 ca tử vong trong vòng 24h
Sáng 16/3, Italy thông báo ghi nhận thêm 349 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.158 người trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh.
Với số liệu mới cập nhật, Italy ghi nhận tới 700 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong vòng 2 ngày qua. Khu vực miền Bắc Italy hiện vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, trong đó riêng vùng Lombardy đã ghi nhận 1.420 ca tử vong, chiếm 66% số ca tử vong trong cả nước. Vùng Piedmont cũng thông báo số ca tử vong do COVID-19 tăng gấp hai lần trong 2 ngày qua với 111 ca tử vong và 1.516 ca nhiễm. Khu vực Lazio, trong đó có thủ đô Rome, đã ghi nhận 19 ca tử vong và 523 ca nhiễm.
Hàng loạt quốc gia đóng cửa để ngăn dịch lây lan
Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 16/3 (theo giờ địa phương) đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2. Tổng thống Pháp tuyên bố, hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ. Bên cạnh đó, từ trưa 17/3, biên giới vào Liên minh châu Âu (EU) và khối Schengen sẽ đóng cửa, song các công dân Pháp đang ở nước ngoài vẫn có thể hồi hương.
Chính phủ Armenia đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 16/3, nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan tại nước này.
Tại Gruzia, ngày 16/3, chính phủ nước này đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18/3. Cùng với lệnh cấm nhập cảnh trên, Gruzia đã đóng cửa toàn bộ các khu nghỉ dưỡng mùa Đông, trong khi khuyến cáo các nhà hàng, quán cà phê và quán bar đóng cửa.
Cùng ngày, Hungary cũng tuyên bố đóng cửa biên giới nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Cùng với biện pháp mạnh mẽ này, Hungary quyết định cấm mọi sự kiện tổ chức tại địa điểm công cộng từ đêm 16/3. Các nhà hàng và quán cà phê chỉ được phép mở cửa đến 15h. Những công dân trên 70 tuổi được khuyến nghị không nên rời nhà.
Tại châu Á, tối 16/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố đóng cửa đất nước từ ngày 18/3 đến 31/3 để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Việc đóng cửa cũng có nghĩa tất cả người Malaysia bị cấm đi ra nước ngoài và không có khách du lịch hay người nước ngoài nào được phép vào Malaysia.
Bang đầu tiên của Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm
Thống đốc bang New Jersey ngày 16/3 đã ban bố lệnh giới nghiêm. Theo đó, New Jersey sẽ hạn chế hoạt động đi lại từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hàng ngày nhằm đối phó với tình trạng lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.
New Jersey là bang đầu tiên của Mỹ ban bố lệnh giới nghiêm. Tính đến sáng 16/3, bang này đã có 98 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Các nước châu Phi đồng loạt triển khai các biện pháp đối phó dịch COVID-19
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các quốc gia Algeria, Ai Cập, Tunisia, Morocco, Liberia, Libya triển khai các biện pháp ngăn chặn.
Chính phủ Algeria đã quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động đi lại bằng đường hàng không và đường biển với các quốc gia châu Âu, bắt đầu từ ngày 19/3.
Chính phủ Ai Cập đã quyết định đình chỉ các chuyến bay quốc tế đến và rời Ai Cập kể từ ngày 19-31/3 tại tất cả các sân bay trên toàn quốc nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan của dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Tunisia Anouar Maarouf thông báo, biên giới trên bộ giữa nước này với Libya đã bị đóng do dịch COVID-19. Tunisia, nước đã ghi nhận 20 ca mắc bệnh COVID-19, đã áp đặt hạn chế đi lại bằng đường không với một số nước châu Âu và ngừng hoạt động đi lại trên biển.
Libya dù chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh COVID-19 nhưng đã ngừng hầu hết hoạt động thương mại bằng đường không và đường biển.
Morocco từ ngày 16/3 đóng cửa toàn bộ các nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, nhà hát, các địa điểm phục vụ giải trí... chỉ trừ các cửa hàng bán các đồ thiết yếu và nhà hàng có dịch vụ vận chuyển thức ăn.
Tổng thống Liberia George Weah cho biết sẽ cấm toàn bộ du khách đến từ những nước có trên 200 ca mắc bệnh COVID-19 nhập cảnh vào nước này đồng thời kêu gọi người dân tránh đến những nơi đông người và hạn chế tối thiểu hoạt động đi lại trong nước.
Việt Nam ghi nhận ca 61 mắc COVID-19
Tối 16/3, Viện Pasteur Nha Trang cho biết: Mẫu xét nghiệm do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận gửi đến dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 61. Bệnh nhân nam, 42 tuổi, địa chỉ ở Thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Bệnh nhân đi Malaysia ngày 27/2 và về Việt Nam trên chuyến bay VJ826 (Kuala Lumpur - TP.HCM) ngày 4/3. Sau khi về địa phương đến ngày 10/3, bệnh nhân có đau họng và sốt (không uống thuốc gì). Đến ngày 15/3, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận khám và điều trị. Hiện nay, bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
Bộ Y tế Việt Nam xác định được 8 chuyến bay có ca mắc COVID-19
Theo Bộ Y tế, các chuyến bay sau có hành khách mắc COVID-19, bao gồm:
- SQ 176 của Singapore Airlines từ Singapore đến Nội Bài ngày 15/3/2020.
- VJ 826 của Vietjet Air từ Malaysia đến Nội Bài ngày 4/3/2020.
- TK 162 của Turkey Airlines từ Istanbul đến TP.HCM ngày 8/3/2020.
- QH 1521 của Bamboo Airways từ TP.HCM đến Phú Quốc ngày 9/3/2020.
- QH 1524 của Bamboo Airways từ Phú Quốc đến TP.HCM ngày 13/3/2020.
- SU 290 của Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 12/3/2020.
- QR 970 của Qatar Airways từ Doha đến TP.HCM ngày 10/3/2020.
TG 564 của Thai Airways từ Bangkok về Nội Bài ngày 15/3/2020.
Bộ Y tế đề nghị tất cả hành khách trên các chuyến bay nói trên liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ.Các đại lý bán vé cho các hành khách trên có trách nhiệm thông báo cho hành khách đã mua vé bay trên các chuyến máy bay này.
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/dich-covid-19-ngay-173-nhieu-quoc-gia-dong-cua-vi-dich-so-ca-tu-vong-o-italy-vuot-moc-2000-nguoi-5544.html