18:47 | 30/11/2019

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 25-29/11/2019

Một trong những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ tuần qua là Chính phủ đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
 
tin nhap 20191130184652
Ảnh minh họa

 

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỉ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm; chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á; thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi...

Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tăng đầu tư ngân sách và huy động các nguồn vốn khác cho công tác dân số. Thị trường bảo hiểm sẽ được tạo điều kiện phát triển với nhiều gói, phù hợp với các nhóm dân cư, đảm bảo mọi người được hưởng dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội. Việt Nam sẽ nghiên cứu thành lập quỹ dưỡng lão từ đóng góp của người dân, để người già sẽ được chăm sóc. 

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường công tác tiêm chủng

Để tiếp tục giữ vững và duy trì những thành quả trong phòng, chống dịch bệnh mà công tác tiêm chủng đã đem lại từ nhiều năm qua; nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, sử dụng vắc xin trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác tiêm chủng, trong đó yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan bảo đảm đủ nguồn vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh chủ động của người dân.

Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn tiêm chủng an toàn, giám sát và xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác tiêm chủng trên cả nước, đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng tại tuyến cơ sở. Tăng cường xã hội hóa công tác tiêm chủng nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống tiêm chủng, tăng thêm các hình thức dịch vụ tiêm chủng, sử dụng thêm nhiều loại vắc xin mới, vắc xin phối hợp.

Tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Quỹ được tổ chức, hoạt động theo pháp luật và điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; vận động quyên góp, tài trợ cho quỹ; tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác theo đúng mục đích của quỹ và quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo tồn và tăng trưởng tài sản quỹ.

Quỹ được phối hợp với cá nhân, tổ chức để vận động quyên góp, vận động tài trợ cho quỹ hoặc để triển khai các đề án, dự án cụ thể của quỹ theo quy định của pháp luật; phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân cần sự trợ giúp để xây dựng và thực hiện các đề án tài trợ theo mục đích hoạt động của quỹ.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Campuchia

Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2019/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa Thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2019-2020.

Nghị định này quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản Thỏa Thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia ký tại Phnôm Penh, Campuchia ngày 26/2/2019 và điều kiện được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Bản Thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019-2020.

Ban hành kèm theo Nghị định này: Phụ lục I - Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; Phụ lục II - Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia; Phụ lục III - Danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan các mặt hàng theo Bản thỏa thuận Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019-2020.

Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia có tên trong Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%.

Điều kiện để hàng hóa nêu trên được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% như sau: Có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của Vương quốc Campuchia cấp; thông quan qua các cặp cửa khẩu nêu tại Phụ lục III.

Xây dựng Hải Phòng thành thành phố công nghiệp hiện đại thông minh

Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết, tạo sự chuyển biết rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân thành phố Hải Phòng về tầm quan trọng của việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng với tốc độ nhanh, bền vững, trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại thông minh, bền vững khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND thành phố Hải Phòng cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực Nghị quyết; hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Nam và Phú Yên.

Đồng thời, giao chỉ tiêu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của các tỉnh: Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Trà Vinh, Kiên Giang.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao bổ sung kế hoạch vốn nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; điều chỉnh kế hoạch vốn nguồn ngân sách trung ương đã giao hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; chỉ tiêu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Minh Hiển

Theo (Chinhphu.vn) 

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-tuan-tu-25-29112019-5428.html

In bài viết