08:31 | 20/03/2025
| |
Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) có khoảng 200 chuyến tàu phục vụ hành khách mỗi ngày. (Ảnh THẾ ANH) |
Nhiều vướng mắc về thủ tục và nguồn vốn
Hơn một tháng qua, chị Lê Thảo Hương (ngụ phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã chuyển từ đi xe máy sang đi tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 1 Bến Thành-Suối Tiên đến chỗ làm ở Quận 1 vì tránh được nắng mưa, ùn tắc giờ cao điểm.
Từ khi đưa vào khai thác thương mại (ngày 22/12/2024) đến nay, các đoàn tàu của tuyến ĐSĐT số 1 Bến Thành-Suối Tiên hầu như không khi nào vắng khách. Với khoảng 200 chuyến tàu được vận hành mỗi ngày, đến nay, tuyến ĐSĐT này đã chuyên chở hơn 5 triệu lượt hành khách, bước đầu hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để khởi công tuyến ĐSĐT số 2 (Bến Thành-Tham Lương) dài hơn 11 km vào tháng 9/2025, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trước năm 2030. Thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035, hoàn thành bảy tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 355 km. Từ năm 2036 đến 2045, tiếp tục đầu tư thêm ba tuyến nữa, đạt tổng chiều dài 510 km.
Ở Hà Nội, đến nay đã đưa vào vận hành, khai thác hai đoạn tuyến ĐSĐT gồm tuyến 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông dài 13 km và tuyến số 3.1, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy dài 8,5 km. Thành phố đang triển khai xây dựng 4 km ngầm tuyến số 3.1 từ Cầu Giấy đến ga Hà Nội, dự kiến trong năm 2025 tiếp tục khởi công tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo dài 11,5 km.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội Khuất Việt Hùng cho biết, sau hơn ba năm vận hành, ĐSĐT đã trở thành dịch vụ vận tải hành khách công cộng được người dân ưa chuộng, lựa chọn bởi nhiều ưu điểm: Đúng giờ, an toàn, văn minh. Trong khung giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng của người dân đã vượt quá năng lực vận chuyển của tàu ĐSĐT.
Mặc dù các tuyến ĐSĐT khi hoàn thành, vận hành đều đạt hiệu quả cao, nhưng đại diện Ban Quản lý ĐSĐT của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều thừa nhận, việc triển khai đầu tư các tuyến ĐSĐT trong thời gian qua còn rất chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lưu Trung Dũng cho biết: Khó khăn lớn nhất khi triển khai các dự án ĐSĐT là khâu thủ tục, mỗi dự án mất ít nhất từ hai năm trở lên để hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng cũng gặp rất nhiều vướng mắc do thiếu cơ chế, chính sách cụ thể. Tuyến ĐSĐT Nhổn-ga Hà Nội do triển khai quá chậm, đã bị "đội vốn" lên hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài khó khăn về thủ tục đầu tư, nguồn vốn cũng là vấn đề hết sức nan giải. Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng tuyến ĐSĐT số 1 bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản phải đối mặt cả "rừng" trình tự, thủ tục phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài, suất vốn đầu tư cao, phụ thuộc gần như hoàn toàn về tư vấn, thiết kế, công nghệ,… Mặt khác, việc sử dụng vốn ODA từ nhiều nguồn tài trợ cũng dẫn đến sự không thống nhất trong tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các tuyến ĐSĐT.
Rút ngắn khâu chuẩn bị, tăng tốc tiến độ
Thành phố Hà Nội đang trình phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến ĐSĐT số 3.2 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai dài 8,8 km và tuyến số 5 Văn Cao-Hòa Lạc dài 38,4 km; phấn đấu đến năm 2035, thành phố sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài gần 411 km.
Đến năm 2045, hoàn thành đầu tư năm tuyến còn lại với tổng chiều dài 201 km, đưa vào vận hành, khai thác tổng thể hệ thống ĐSĐT của Thủ đô gồm 15 tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung với tổng chiều dài gần 617 km. Đây là thách thức rất lớn bởi sau hàng chục năm nỗ lực triển khai, đến thời điểm này, thành phố mới đưa vào hoạt động được hai tuyến ĐSĐT mà chưa hoàn thành trọn vẹn.
Để hoàn thành hệ thống ĐSĐT tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng lộ trình, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hiệu quả khắc phục vướng mắc, cản trở việc triển khai dự án. Ngày 19/2/2025, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 188/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu huy động tối đa mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn thời gian chuẩn bị và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Một điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết số 188 chính là tích hợp quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD). Cơ chế này giúp hai thành phố linh hoạt điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất mà không cần thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Nhờ đó, các khu vực quanh nhà ga ĐSĐT sẽ được quy hoạch bài bản, tăng mật độ dân cư và chức năng thương mại, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
PGS, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường đại học Việt Đức cho biết: Nghị quyết số 188 dành cho hai thành phố thẩm quyền rất lớn; trong đó, cho phép bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT số 2 của Thành phố Hồ Chí Minh,...
Theo đại diện Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, với nhiều cơ chế linh hoạt, Nghị quyết số 188 đã "cởi trói", giúp hai thành phố chủ động huy động vốn từ nguồn thu tăng thêm, tiết kiệm chi, vốn ODA mà không cần lập đề xuất dự án. Hiện nay, đơn vị đang tập trung tham mưu để triển khai xây dựng và phê duyệt các nội dung được Quốc hội giao cho thành phố quyết định.
Đó là quy trình và nội dung tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến ĐSĐT, quy hoạch khu vực TOD phục vụ xác định ranh giới, diện tích đất thu hồi cho dự án; xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến ĐSĐT của thành phố,...
Những ngày gần đây, Hà Nội bắt đầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Nghị quyết số 188 khi triển khai thực hiện các công việc liên quan điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H1-1B (khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận) và Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 (Quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn), phương án kiến trúc khu đất phía đông hồ Hoàn Kiếm để triển khai nhà ga ngầm C9 của tuyến ĐSĐT số 2.1 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo trên phố Đinh Tiên Hoàng.
Sau khi điều chỉnh hai quy hoạch nêu trên được phê duyệt, thành phố sẽ tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập, đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án đầu tư trọng điểm đặc biệt của thành phố là khu vực TOD nhà ga C9-tuyến ĐSĐT số 2.
Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết: Nghị quyết cho phép bỏ khâu thẩm định chủ trương đầu tư hay phân cấp cho chính quyền thành phố được phê duyệt chủ trương đầu tư, cho phép chủ động chỉ định thầu,... giúp quá trình đầu tư xây dựng rút ngắn được 3-4 năm so với trước đây, thậm chí nhiều hơn. Theo ông Bằng, tuyến ĐSĐT số 2 của Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế mới này và kỳ vọng sẽ sớm được khởi công trong năm 2025, hoàn thành vào năm 2030. Trên cơ sở đó, từ năm 2026, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi công thêm các tuyến còn lại.
Nghị quyết số 188 được ban hành với những cơ chế vượt trội là "cú huých" giúp các cơ quan, đơn vị chức năng thay đổi tư duy và cách làm, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án ĐSĐT. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết, sớm hoàn thành mạng lưới ĐSĐT như quy hoạch, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
VIỆT ANH, QUỐC TOẢN, QUÝ HIỀN
Theo nhandan.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/day-nhanh-tien-do-cac-du-an-duong-sat-do-thi-17244.html