08:55 | 03/01/2025

Khi đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành Y tế

(PLVN) - Tiến bộ trong công nghệ sinh học và chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển thuốc, vaccine, mà còn giúp cải thiện việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Khi đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành Y tế
Các bạn trẻ tham quan Triển lãm giới thiệu thành tựu công nghệ ngành Y tế năm 2024. (Ảnh: MOST)

Những bước tiến ngoạn mục

Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như trong phòng bệnh. Đây là những thông tin được các chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn “Công nghệ sinh học và chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành Y tế” do Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức.

Về ứng dụng công nghệ sinh học trong y học, GS.TS Trần Huy Thịnh - Trưởng phòng, Phòng Quản lý KH&CN, Trường Đại học Y Hà Nội thông tin, sự phát triển vượt bậc của nền công nghệ sinh học trong nước như: Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh; phát hiện đột biến gen gây bệnh, xác định người mang gen, sàng lọc trước sinh và tư vấn di truyền; xác định tình trạng gen quyết định tính đáp ứng thuốc trong điều trị ung thư phổi, vú, máu, đại trực tràng...

Về liệu pháp tế bào cho các bệnh nan y, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene Vinmec, GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ, công nghệ tế bào gốc tiên tiến sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng trong y học. Hiện các bệnh được phép điều trị bằng tế bào gốc là xơ gan, teo mật, chấn thương tủy sống, thoái hóa khớp gối. Các bệnh đang nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị là đột quỵ, chấn thương sọ não, COPD, tự kỷ, bại não, suy giảm sức khỏe người cao tuổi, suy giảm nội tiết tố nam/nữ, liệu pháp CAR-T điều trị ung thư huyết học. Trong đó, năm 2023, lần đầu tiên, tại Việt Nam, một bé gái 4 tuổi mắc ung thư bạch cầu cấp dòng lympho đã được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào CAR-T, mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân bạch cầu cấp hoặc ung thư hạch không còn đáp ứng với các phác đồ điều trị thường quy.

Cùng đó, PGS.TS Phạm Văn Phúc, thuộc Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng, liệu pháp tế bào nói chung, liệu pháp tế bào gốc và tế bào miễn dịch nói riêng đang bổ sung một lựa chọn nữa trong các liệu pháp chữa bệnh. Để liệu pháp tế bào thực sự mang lại lợi ích cho nhiều người, hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) công nghệ tế bào là bắt buộc, nhằm tăng giá trị, giảm giá bán liệu pháp…

Còn theo TS. BSCKII. Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, phát triển công nghệ và ĐMST trong y tế liên quan đến việc phát triển và thực hiện các quy trình, sản phẩm, chương trình, chính sách hoặc hệ thống mới để cải thiện sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, ĐMST trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng, công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học. Sự đổi mới sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khỏe, nó diễn ra trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm và thiết bị y tế. Công nghệ sinh học và chuyển đổi số được xem là các thành tố quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công nghệ sinh học và chuyển đổi số trong thế kỷ XXI, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cho biết, hiện công nghệ sản xuất vaccine trong nước đã đáp ứng được 11/12 loại vaccine được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, các vaccine mới tiếp tục được nghiên cứu thay thế và cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Công nghệ ghép tạng đạt nhiều thành công, nhiều bệnh viện đã thực hiện thường quy hầu hết các kỹ thuật ghép mô, tạng quan trọng. Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới. Các công nghệ sinh học phân tử được ứng dụng đã góp phần xác định nhanh, chính xác các tác nhân gây bệnh phục vụ công tác phòng, chống hiệu quả các bệnh, dịch nguy hiểm…

Một số công nghệ bào chế mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất công nghiệp dược như công nghệ micro và nano, công nghệ bào chế giải phóng biến đổi, công nghệ bào chế giải phóng tại đích và một số công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng độ ổn định, tăng sinh khả dụng, tăng tác dụng điều trị, giảm tác dụng không mong muốn của thuốc để ứng dụng vào sản xuất các loại thuốc chất lượng cao, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, tăng khả năng tiếp cận cho người dân…

Khi đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành Y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: PV)

Cần sự chung tay của nhiều “nhà”

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực “Chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành Y tế”, đại diện trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, Sở Y tế, các bệnh viện trình bày một số nội dung liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI, công nghệ 3D trong điều trị bệnh, hỗ trợ sinh sản, chăm sóc sức khỏe. Trong đó nổi bật là dự thảo kế hoạch phát triển, cung cấp dữ liệu mở ngành Y tế.

Đại diện ngành Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, sau khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, các cơ sở y tế của Phú Thọ đều triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin khám, chữa bệnh (HIS), 100% cơ sở y tế đã triển khai hệ thống thông tin quản lý xét nghiệm (LIS). Kết quả LIS được liên thông tự động về HIS. Việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế giúp người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời, góp phần giảm tải bệnh viện và xây dựng hình ảnh mới của bệnh viện: văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, đó là chưa xây dựng được quy hoạch, kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành vào giá dịch vụ y tế; việc kết nối, liên thông đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của ngành Y tế còn rời rạc, kết nối thiếu liên tục... Đặc biệt, thiếu cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp.

Theo đại diện Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, mục tiêu giai đoạn 2024 -2025 sẽ hoàn thành kế hoạch danh mục dữ liệu mở ngành Y tế như sau: Triển khai cung cấp danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Thúc đẩy người dân, doanh nghiệp khai thác dữ liệu mở phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Thu thập dữ liệu từ cộng đồng, làm phong phú kho dữ liệu mở của Bộ Y tế phục vụ công tác cải cách hành chính, quản lý điều hành và phục vụ lợi ích của cộng đồng.

Về định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam, GS.TS Trần Huy Thịnh nêu 5 định hướng, đó là: Phát triển vaccine, kháng thể đơn dòng, thuốc, chế phẩm sinh học trong phòng và điều trị bệnh; ứng dụng công nghệ gen, tế bào và sản phẩm từ tế bào trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược; phát triển thiết bị y tế chẩn đoán in vitro (IVDs); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong đó, ông Thịnh nhấn mạnh đến sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm lâm sàng và sự đồng hành của doanh nghiệp.

Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN Nguyễn Phú Hùng nhận định, thời gian qua Bộ đã tái cơ cấu các chương trình KHCN, trong đó y tế luôn là lĩnh vực được quan tâm như Chương trình KC.10, Chương trình nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người, Chương trình phát triển dược liệu, Chương trình công nghệ sinh học…

Đặc biệt, hiện nay đã có nhiều công trình từ nghiên cứu KHCN được ứng dụng, tạo nên những thành công rất ấn tượng, đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới như ghép tạng, phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên; phẫu thuật nội soi các bệnh lý phức tạp; ứng dụng robot định vị trong phẫu thuật cột sống; ứng dụng robot trong phẫu thuật nội soi nhi khoa. Ông Nguyễn Phú Hùng mong muốn các nhà khoa học, các viện, trường tiếp tục quan tâm, tìm hiểu và tham gia triển khai các chương trình KHCN thuộc lĩnh vực y tế.

Uyên Na

Theo baophapluat.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/khi-doi-moi-sang-tao-thuc-day-phat-trien-nganh-y-te-16679.html

In bài viết