08:40 | 03/01/2025
Sức hút với doanh nghiệp và nhân lực công nghệ
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế về phát triển lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tập đoàn NVIDIA - tập đoàn có vốn hóa lớn nhất thế giới, sau khi có nhiều cuộc khảo sát, thăm dò tại nhiều thị trường tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đã quyết định chuyển tới đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, NVIDIA đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, cung cấp các bộ xử lý đồ họa (GPU) và các thiết bị kết nối với cam kết đầu tư 4 -4,5 tỷ USD trong vòng 4 năm tới tại 6 địa phương.
Ngày 5-12, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận này đã đem lại tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và AI.
| |
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 thu hút các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Các chuyên gia nhìn nhận, việc hợp tác với NVIDIA có tác động lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài công nghệ AI và bán dẫn, sẽ là cú hích quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu khác như Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... đã có kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam đang dần trở thành một trong những công xưởng lớn của thế giới với sự hiện diện của hàng loạt nhà máy thuộc những tên tuổi hàng đầu. Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Cùng với đó, với tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như hợp tác quốc tế để nắm bắt công nghệ thiết kế chip tiên tiến, dần từng bước đưa Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn.
Trong cuộc đua này, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn FPT là hai doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và đã đạt được những thành tựu ban đầu. FPT đã cung cấp các dịch vụ thiết kế vi mạch và thiết kế thành công chip bán dẫn; trong khi Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G. Không chỉ dừng lại ở thiết kế, với vai trò đầu tàu dẫn dắt ngành bán dẫn Việt Nam tiến lên, Viettel và FPT còn định hướng tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai.
Tương lai hứa hẹn
Năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tăng tốc mạnh mẽ và đạt giá trị gần 600 tỷ USD. Dự báo thị trường này tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân khi nhu cầu chip phục vụ AI tăng cao; ngành công nghiệp xe điện phát triển nhanh và trở thành xu hướng toàn cầu; việc phủ sóng mạng 5G tiếp tục làm tăng nhu cầu về chip.
Ngoài ra, khi các nước tiếp tục tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào nhiều lĩnh vực, như việc mở rộng ứng dụng IoT trong các thành phố thông minh, tự động hóa công nghiệp, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe cũng đang thúc đẩy nhu cầu về các linh kiện bán dẫn như vi điều khiển, cảm biến và chip kết nối... sẽ tạo nên một thị trường bán dẫn sôi động và đầy triển vọng.
Ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong cuộc đua làm chủ chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn, các ông lớn ngành công nghệ đều có nhu cầu tìm thêm điểm đến và Việt Nam là điểm đến an toàn cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Lý giải về sức hấp dẫn của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; sự đầu tư và nâng cấp mạnh về cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; đặc biệt, quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn...
Chính phủ cũng đã ban hành "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050" đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, tạo dựng nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên cơ sở định hướng quan trọng này, các bộ, ngành đang tăng tốc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng, nguồn cung năng lượng, cải cách hành chính để gia tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng không chỉ trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu mà còn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn của khu vực và thế giới, giúp Việt Nam tự chủ và phát triển bền vững trong lĩnh vực này. Việt Nam đã hội đủ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
VŨ DUNG
Theo qdnd.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/viet-nam-diem-den-cua-cong-nghiep-ban-dan-toan-cau-16677.html