08:29 | 14/12/2024
Thời gian qua đi, mảnh đất quê hương cách mạng đổi thay từng ngày; đồng bào các dân tộc năm xưa một lòng theo Đảng, theo cách mạng nay tiếp tục phát huy, gìn giữ truyền thống cha ông, đoàn kết xây dựng quê hương ngày một đổi mới, đi lên…
Từ thị trấn Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), chúng tôi theo tuyến Đường tỉnh 202 đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình). Quãng đường gần 20 cây số mới được thảm bê tông nhựa men qua những cánh rừng nguyên sinh, đôi chỗ xen những những nương sắn, dong riềng đang mùa thu hoạch và những bản ven đường san sát những ngôi nhà xây 2-3 tầng kiên cố.
Đường về Tam Kim hôm nay không còn vất vả như quãng chục năm về trước, tuyến đường tỉnh 216 nối từ Quốc lộ 3 đến trung tâm xã cũng vừa được Bộ Quốc phòng hỗ trợ nâng cấp, cải tạo; Rồi tuyến đường từ xã đến khu du lịch Phia Oắc- Phia Đén cũng đã được mở thông, sóng điện thoại, internet đến từng bản, giúp Tam Kim không còn là xã vùng lõm.
Di tích đồn Phai Khắt nằm ở trung tâm xã Tam Kim vẫn được chính quyền, nhân dân giữ nguyên vẹn như 80 năm trước, dù xung quanh là khu phố chợ khá nhộn nhịp. Trong hồi ký “Từ nhân dân mà ra” Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Làng Phai Khắt thuộc xã Tam Lộng có khoảng mươi nóc nhà, nằm bên cạnh một con suối, phía trước là cánh đồng rộng, sau lưng là những núi đồi lúp xúp. Đây là một làng "hoàn toàn", tức là một làng mà tất cả nhân dân đều tham gia các hội cứu quốc. Từ ngày địch khủng bố đến nay, không một ai bị địch lung lạc, lôi kéo. Đồng bào vẫn giữ liên lạc và tích cực tiếp tế lương thực cho các cán bộ hoạt động bí mật. Địch đã chiếm nhà đồng chí Lạc để đóng quân…”
Hướng dẫn viên đưa du khách thăm ngôi nhà xây 4 gian, tường gạch kiên cố mà quân Pháp chiếm đóng dựng đồn Phai Khắt, cũng như về chiến công đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là chị Nông Thị Bích, cán bộ Ban Quản lý khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo. Điều thú vị, ít ai biết chị Bích là cháu ông Nông Văn Lạc, chủ nhân của ngôi nhà này.
Ông Nông Văn Lạc cũng là người tích cực tham gia hoạt động cách mạng, giúp đỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian đồng chí hoạt động tại đây. Sau này, căn nhà đã được gia đình giao lại cho địa phương làm điểm di tích.
“Khi địch chiếm nhà làm đồn, ông đã đi hoạt động cách mạng và là cán bộ cốt cán của địa phương, bàn giao lại cho vợ, con ông ở nhà. Khi địch chiếm, gia đình lánh sang làng bên cạnh ở. Khi quân cách mạng chiếm lại đồn đã bàn giao lại cho gia đình ở. Tôi rất tự hào vì là thế hệ con cháu của di tích đồn Phai Khắt này, được bảo vệ, trông coi và phát huy giá trị của di tích, hàng ngày được đón tiếp, giới thiệu các đoàn khách như cựu chiến binh, học sinh đến tham quan, trải nghiệm…”, ông Lạc nói
Cách di tích Đồn Phai Khắt chừng 7 Km, Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo mới được Bộ Quốc phòng hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những ngày tháng 12 này, mỗi ngày đều có những đoàn khách từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước viếng thăm. Khu đền thờ Đại tướng, nhà nhà trưng bày, bức phù điêu lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, di tích khu lán ở của các chiến sỹ, các lối lại, Đài quan sát trên đỉnh Slam Cao…đều được xây dựng khang trang, sạch sẽ.
Khu rừng Trần Hưng Đạo rộng hơn 200ha với dãy Khau Giáng trùng điệp, nơi có đỉnh Slam Cao sừng sững vẫn được người dân chung tay gìn giữ. Những thân Dẻ, Sấu, Sau sau, Xả Cài…cổ thụ, 2 người ôm không xuể vẫn như 80 năm trước, tỏa bóng mát, chở che cho đội quân tiên phong của cách mạng. Với người dân Tam Kim, khu rừng không chỉ tài sản thiên nhiên quý giá, mà còn có cả sự tự hào. Bởi tại đây, thế hệ cha ông đi trước đã không sợ giặc đe dọa, khủng bố để bảo vệ, che chở và góp gạo, góp sức cho đội quân 34 chiến sỹ.
Ông Nông Đình Chiến, người uy tín tại Bản Um, xã Tam Kim kể rằng, khi đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập, riêng Bản Um có tới 2 chiến sỹ, khu rừng này cũng chính là một phần lịch sử đầy tự hào của bản. Vì vậy, dù cuộc sống khó khăn đến đâu, bà con cũng không ai chặt cây, phá rừng.
“Ở Bản Um này, khi ngày lễ, ngày tết, nhất là ngày 22/ 12, Ngày hội Quốc phòng toàn dân, bà con đều lên rừng để thắp hương cho Đại tướng và để tổ chức ngày hội ở đây, mọi người đến rất đông vừa ôn lại truyền thống, vừa là gặp mắt nói chuyện với nhau, rồi rút kinh nghiệm tăng gia sản xuất…Chúng tôi là những người cao tuổi vừa là người uy tín ở địa phương, cho nên luôn luôn là giáo dục con cháu phải giữ cái truyền thống quê hương cách mạng. Ngày kỷ niệm liên quan đến người đã đi theo cách mạng thời thời trước, chúng tôi luôn luôn lấy những tấm gương đó để mà giáo dục truyền thống cho con cháu…”, ông Chiến nói.
Xã Tam Kim hiện có gần 700 hộ người Tày, Nùng và Dao. Phát huy truyền thống cách mạng cha ông đi trước, người dân Tam Kim hôm nay cũng không cam chịu đói nghèo. Trong ngôi nhà xây 2 tầng còn thơm mùi vôi vữa, chị Chung Thị Bun, người dân Bản Um, xã Tam Kim cho biết phấn khởi cho biết: “Ngày trước tôi chỉ trồng ngô, nuôi lợn, nhưng dịch bệnh nhiều, sau đó thì tôi bàn với chồng quyết định lấy cây quýt về trồng, sau đó được xã quan tâm đến hướng dẫn về kỹ thuật. Tôi trồng được 7 năm rồi, kết hợp trồng cả thuốc lá và chăn nuôi lợn. Trung bình từ 3 việc này, gia đình tôi có thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm”.
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, nhất là từ các chương trình Mục tiêu quốc gia, hệ thống hạ tầng như trường học, trạm y tế, đường giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện chiếu sáng đã cơ bản đầy đủ. Từ chỗ chỉ cấy lúa một vụ, bà con đã mạnh dạn nâng lên 2 vụ, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng thêm sắn, quýt, rau màu, thuốc lá…. Ở Tam Kim những nhà xây kiên cố 2-3 tầng đã mọc lên ngày một nhiều hơn. Từ một xã diện đặc biệt khó khăn, Tam Kim đang đổi thay từng ngày.
Bà Nông Thị Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình cho biết thêm: “Để phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xã đã triển khai phát động các phong trào thi đua để cho bà con nhân dân, cơ quan ban ngành trên địa bàn xã tham gia. Đến thời điểm hiện nay, với chương trình Nông thôn mới, xã đạt 15/19 tiêu chí. Xã đã phối kết hợp các ban, ngành đưa những cây giống có giá trị vào phát triển sản xuất và đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia để cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia vào các chương trình, dự án để hỗ trợ con giống, cây giống, giúp bà con phát triển sản xuất…”
Màu xanh của rừng Trần Hưng Đạo hòa cùng màu xanh của những vườn ngô, ruộng lúa, rau màu, cây ăn trái. Sức sống mới đang hiện rõ ở vùng quê cách mạng bằng sự cố gắng, nỗ lực của những người dân nơi đây, và đó cũng chính là thành quả mà thế hệ cha ông năm xưa cùng góp công, góp sức xây dựng nên trên mảnh đất này…
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/ve-noi-khoi-nguon-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-16546.html