10:06 | 06/12/2024

Siết chặt kỷ cương trong đấu giá đất

VTV.vn - Đấu giá quyền sử dụng đất công khai, minh bạch, đưa tài sản tiếp cận với người có nhu cầu thực sự, làm giảm đầu cơ đất đai, huy động tối đa nguồn...
Siết chặt kỷ cương trong đấu giá đất

Trả giá 30 tỷ đồng/m2 rồi bỏ đấu giá giữa chừng. Đẩy giá cao đến vòng thứ 8 rồi đồng loạt bỏ cuộc. Trong vài ngày qua liên tiếp xảy ra các cuộc bán đấu giá đất bất thành tại huyện Sóc Sơn, Thanh Oai, TP Hà nội ảnh hưởng đến nhiều người và lãng phí tiền của Nhà nước. Đấu giá đất về nguyên tắc là công khai, là minh bạch. Nhưng, từ bỏ cọc đấu giá phá hoại kết quả đến trục lợi từ mua bán sang tên, thu lời đầu cơ đất vùng lân cận.

Đấu giá quyền sử dụng đất nhằm công khai, minh bạch, đưa tài sản tiếp cận với người có nhu cầu thực sự, phát huy cao giá trị của quyền sử dụng đất. Đồng thời, thông qua đó, góp phần làm giảm đầu cơ đất đai, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia đấu giá, huy động tối đa nguồn vốn cho ngân sách.

Siết chặt kỷ cương trong đấu giá đất - Ảnh 1.

Vị trí của 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa được đấu giá.

Thế nhưng, vị trí của 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa được đấu giá. Nơi này cách trung tâm Hà Nội hơn 31km, xung quanh lô đất, hai mặt giáp khu dân cư hiện hữu, còn lại giáp nhiều ruộng lúa, đất canh tác nông nghiệp. Giáp ruộng và đất canh tác nhưng 3 thửa đất ký hiệu A12, A13 và C6 được một cá nhân trả đến 30 tỷ đồng/m2, trong khi giá khởi điểm chỉ 2,5 triệu đồng/m2. Nếu trúng đấu giá thì người này phải thanh toán số tiền từ 3.000 đến hơn 4.000 tỷ đồng để sở hữu lô đất.

Xử lý đối tượng phá hoại kết quả đấu giá đất

Công an Hà nội đã tạm giữ nhóm đối tượng cố tình phá hoại kết quả đấu giá đất này để điều tra làm rõ, nhiều hệ lụy từ việc đưa ra mức giá cao rồi đột ngột bỏ ngang.

Siết chặt kỷ cương trong đấu giá đất - Ảnh 2.

Các đối tượng tham gia đấu giá đất tại Sóc Sơn trả giá cao bất thường đã bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra.

Ông Nguyễn Xuân Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết: "Sau khi công bố thì cả hội trường trở nên hỗn loạn và bức xúc của người dân đối với đối tượng này và đều khẳng định rằng đây là hành vi cố tình phá hoại".

"Họ thổi không phải đơn giản, mà thổi thành siêu bão, giá nó cao quá. Nói chung ở Việt Nam mình làm gì có những lô đất 30 tỷ/m2", anh Chu Quang Việt, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội chia sẻ.

Theo lời khai của nhóm đối tượng, để khống chế mức trúng đấu giá chỉ ở mức trên 30 triệu đồng/m2, các đối tượng đã bàn bạc với nhau cách để phá những lô được đẩy giá lên trên mức này không thể trúng đấu giá thành công. Bằng cách trong số 6 vòng bắt buộc, từ vòng 4 nếu thấy giá đất được đẩy lên trên 30 triệu đồng/m2, thì vào vòng 5, các đối tượng sẽ trả lên cao bất thường lên tới cả trăm triệu đồng/m2, rồi vòng 6 đồng loạt bỏ không tham gia nữa. Cá biệt có đối tượng Phạm Ngọc Tuấn trả giá tới 30 tỷ đồng/m2 để cố tình phá hoại kết quả đấu giá và để được nổi tiếng trên mạng xã hội .

Trung tá Trương Quang - Đội Trưởng đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết: "Cản trở hoạt động đấu giá sẽ làm ảnh hưởng đến việc thu ngân sách của địa phương, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, gây ra mất an ninh trật tự ngay tại buổi đấu giá đó. Với việc này, hiện nay các quy định của pháp luật lại chưa có những quy định pháp luật một cách nghiêm khắc đối với những hành vi liên quan đến vi phạm quy định đấu giá này".

Kinh nghiệm đấu giá đất của Trung Quốc

Siết chặt kỷ cương trong đấu giá đất - Ảnh 3.

Tại Trung Quốc, theo quy định sau trúng đấu giá trong vòng 10 -15 ngày không nộp khoảng 10% tổng giá trị đất để ký hợp đồng Sở Quản lý đất đai thì coi như mất tiền cọc.

Quản lý thị trường bất động sản, nhất là trong đấu giá đất làm sao cho hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí và đảm bảo công khai, minh bạch cũng giải pháp mà các nước như Trung Quốc đã đặt ra.

Đấu giá đất ở Trung Quốc đã khá bài bản bởi các luật đấu giá, luật hợp đồng quy định chi tiết. Các mảnh đất đấu giá của các tỉnh thành được niêm yết công khai trên các trang website của địa phương, các trang website chuyên về đấu giá trước cả tháng. Cứ như thế mà nhà đầu tư từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều được nộp hồ sơ tham gia.

Điều làm các nhà đầu tư tham gia đấu giá phải cân nhắc khi tham gia là nộp tiền đặt cọc thường dao động khoảng 20% giá trị miếng đất vào tài khoản chỉ định - một số tiền rất lớn. Các mảnh đất mang ra đấu giá ở nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, từ vài hecta đến vài chục hecta có giá trúng vài tỷ USD, thậm chí 11- 12 tỷ USD. Với số tiền đặt cọc rất lớn, được xem là bước đầu thanh lọc về năng lực tài chính đối tượng tham gia đấu giá. Giá trị các mảnh đất quá cao nên tham gia đấu giá hầu hết các các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản hay tỷ phú, ít có cá nhân bình thường. Khi tham gia, trả giá, trúng thầu đều phải cân nhắc kỹ về thu xếp tài chính, khả năng triển khai dự án, bán hàng, sinh lời.

Theo quy định sau trúng đấu giá trong vòng 10 -15 ngày không nộp khoảng 10% tổng giá trị đất để ký hợp đồng Sở Quản lý đất đai thì coi như mất tiền cọc. Đó là chưa kể bỏ cọc hay bắt tay làm giá, lũng đoạn thị trường mà bị điều tra còn bị đền bù thiệt hại, nghiêm trọng còn bị tội hình sự, cấm đấu giá. Đề phòng gian lận, thông thầu, các mảnh đất trúng đấu giá cũng không được dưới 70% giá thị trường tại khu vực. Ở Trung Quốc đấu giá đất mang lại nguồn thu chính của các tỉnh thành nên quỹ đất mang ra đấu giá đã được tính toán phù hợp với quy hoạch và nhu cầu sử dụng của xã hội.

Đối những sự việc trong các phiên phá hoại đã nêu ở trên, có thể điều tra các hành vi, dấu hiệu phạm tội, cấu thành tội phạm hình sự. Phá hoại gian lận thông thầu trong đấu giá nhằm trục lợi từ việc đấu giá nhà đất phải được xử phạt nghiêm để răn đe cảnh cáo. Quy định pháp lý đã có, nhưng khi thực hiện cần rõ ràng và chặt chẽ để đảm bảo công bằng minh bạch. Cần lấp đầy các kẽ hở, ngăn chặn tình trạng trục lợi từ đấu giá đất. Bởi, đấu giá bất thành cũng là lãng phí công sức và tiền bạc, đấu giá bỏ cọc cũng lại để đất đai hoang hóa, lãng phí nguồn lực. Và hơn tất cả khi đấu giá đúng pháp luật, công khai, minh bạch sẽ giúp những người thực sự có nhu cầu để ở, có thể có được một căn nhà để ở để từ đó an cư, lạc nghiệp.

Theo: vtv.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/siet-chat-ky-cuong-trong-dau-gia-dat-16504.html

In bài viết