07:58 | 04/12/2024
Sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn, đã tạo ra nhiều cơ hội để DN Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác CPTPP cũng khởi sắc rõ nét.
Tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh, cùng việc tham gia kết nối, liên kết với các DN FDI chuyển giao công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đến từ các thành viên của CPTPP trở thành lợi ích nổi bật cho các DN Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ Hiệp định này.
Nhận định dư địa và cơ hội để DN tận dụng tại các thị trường CPTPP còn rất lớn, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài từ các thành viên CPTPP như Singapore, Nhật Bản đã tiếp cận thị trường Việt Nam một cách rất tích cực để tận dụng cơ hội, lợi thế từ CPTPP.
Tuy nhiên, mức độ tận dụng hiệp định và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối hạn chế. Phần lớn DN tận dụng được các FTA này là các doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính,…, trong khi những DN liên quan đến nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam nhưng mức độ tận dụng chưa nhiều.
“Với những thị trường Việt Nam thúc đẩy thực thi FTA như CPTPP, tỷ trọng tận dụng thị trường còn rất hạn chế. Không chỉ CPTPP, những FTA thế hệ mới khác như EVFTA hay UKVFTA tỷ trọng tận dụng chỉ dưới 10%. Với những thị trường như CPTPP và Mexico và Canada, tỷ trọng này còn thấp hơn (dưới 2%) và tỷ lệ tận dụng ưu đãi với CPTPP năm 2022 chỉ khoảng gần 5%. Vì thế dư địa và cơ hội để DN tận dụng tại các thị trường FTA này còn rất lớn”, bà Phương thông tin.
Thời gian qua, đã có những DN Việt Nam tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường CPTPP, từ đó tham gia được một phần nào vào chuỗi cung ứng của các DN FDI. Tuy nhiên, các DN này cũng rất khó đáp ứng được rất nhiều những tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường FTA, nhất là khi thị trường này dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật, khiến các DN phải tập trung tăng cường năng lực mới có thể đáp ứng.
Đơn cử nhà Công ty CNCTech Thăng Long (Tập đoàn CNCTech), những năm gần đây đã có hoạt động kết nối, liên kết với các DN của Nhật Bản nói riêng, cũng như DN trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia nói chung. Giám đốc CNCTech Thăng Long - ông Nguyễn Thành Chung cho biết, khi DN tham gia vào chuỗi giá trị của Nhật Bản đã phải thay đổi, thậm chí là chuyển đổi hoàn toàn từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất toàn cầu.
“DN đã phải thay đổi từ việc tự nâng cấp không chỉ về đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại, thậm chí phải đầu tư vào phần kỹ thuật của người lao động để thay đổi tư duy, thay đổi về phương pháp đảm bảo chất lượng, thay đổi về mặt bằng chất lượng để nâng cao hơn khả năng đáp ứng”, ông Trung cho biết.
Trong suốt gần 30 năm thành lập, Công ty Toyota Việt Nam cũng đã không ngừng nỗ lực phát triển hoạt động nội địa hóa, tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện phụ tùng. Đến này DN đã nội địa hóa được hơn 1.000 linh kiện khác nhau, khiến những mẫu xe có thể đạt đến trên 40% hàm lượng nội địa hóa.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, gần 5 năm vừa qua Toyota Việt Nam đã trực tiếp sàng lọc hàng trăm đơn vị, sau đó trực tiếp làm việc cụ thể với khoảng vài chục đơn vị và tuyển dụng được một vài đơn vị trở thành nhà cung cấp. “Khi thị trường biến động, đơn cử như dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung ứng từ nước ngoài, nhờ giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài DN đã có sự chủ động hơn rất nhiều với nguồn cung trong nước”, ông Hiếu nêu hiệu quả.
Để tăng cường sự kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, ngoài những cam kết hợp tác thu hút đầu tư từ phía Chính phủ, bản thân các DN Việt Nam cũng cần tích cực nâng cao năng lực từ đó tạo ra cơ hội cho mình.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), để có thể gia nhập vào chuỗi FDI hay sẵn sàng trao đổi trực tiếp với các DN, đối tác nước ngoài, bản thân DN Việt Nam phải có rất nhiều sự thay đổi để có thể hấp thụ được những cơ hội trong các FTA. Sự thay đổi của DN ở đây phải là sự thay đổi của cả hai chiều: DN Việt Nam và DN FDI. Bản thân DN Việt Nam cần thay đổi nhanh để đáp ứng, nhưng cũng cần sự dìu dắt từ cả doanh nghiệp FDI, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và các sở, ban ngành.
“Các tỉnh, thành dù đã đưa ra rất nhiều biện pháp hỗ trợ DN trong tiếp cận chuỗi cung ứng FDI, nhưng các biện pháp hỗ trợ rất chung chung, không có sự tập trung vào một ngành hàng hay một thị trường cụ thể. Vì thế, các chính sách đó phải thiết kế một cách chi tiết hơn, đồng hành với DN và những kết quả đó phải được đo lường một cách cụ thể, cũng như cần điều chỉnh cách thực hiện để DN có thể áp dụng, từ đó hấp thụ được các lợi ích của các FTA”, bà Phương nêu.
Theo vov.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/nhieu-co-hoi-cho-doanh-nghiep-tan-dung-cptpp-de-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-16488.html