15:24 | 03/12/2024
Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 vừa được Quốc hội thông qua, được thực hiện trên phạm vi cả nước và một số quốc gia có mối quan hệ tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập. Đây là tin vui với những người làm văn hóa, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân, những người nắm giữ và thực hành di sản trên toàn quốc. Ngay từ thời điểm này, nhiều chuyển động mới đã được thực hiện trên khắp các địa phương, nhằm đón đầu nguồn vốn quan trọng này, hướng tới đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chống lãng phí, đạt hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu chương trình đề ra.
Quốc hội thông qua tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn khác. Đây sẽ là nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển văn hóa.
“Khi có đầy đủ nguồn lực, chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh. Trên cơ sở đó, chúng ta tạo ra điều kiện phát triển văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.
Thời gian dài, phạm vi rộng, kinh phí lớn nên việc làm sao để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả là yêu cầu rất quan trọng. Chương trình đã đặt ra 9 mục tiêu đến năm 2035. Trong đó Xây dựng con người Việt Nam, cốt lõi là hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức được nhấn mạnh hàng đầu. Ngoài ra, hai mục tiêu được đánh giá là rất trúng nhu cầu của thời đại. Đó là thúc đẩy văn học nghệ thuật đỉnh cao và phát triển công nghiệp văn hóa. Phấn đấu đến năm 2035, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực phát triển kinh tế.
Trong giai đoạn trước đây, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa từng được triển khai. Tuy nguồn vốn khi đó không lớn, nhưng thực sự đã trở thành "bầu sữa" đầu tư cho văn hóa ở các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Đứng trước cơ hội tiếp cận với một nguồn vốn lớn, nhiều địa phương miền núi đã chủ động trong công tác rà soát các trọng tâm, trọng điểm cần đầu tư, để hướng đến vừa thực hiện được các mục tiêu đề ra, vừa tránh dàn trải, lãng phí...
Câu chuyện ở câu lạc bộ xòe Thái xã Mường Khoa, Bắc Yên, Sơn La là một ví dụ điển hình. Câu lạc bộ hoạt động dựa trên đóng góp của các thành viên. Tình trạng thiếu trang phục, cơ sở vật chất, trang thiết bị được kỳ vọng sẽ thay đổi khi chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được đưa vào triển khai.
Nhà văn hóa bản Suối Tăng chỉ là một trong rất nhiều các thiết chế văn hóa trên khắp các tỉnh miền núi phía Bắc cần trùng tu, sửa chữa. Tuy nhiên, thiếu nguồn lực nên các địa phương vẫn loay hoay đi tìm lời giải.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, địa phương đã chủ động rà soát các hạng mục cần đầu tư cấp thiết, đón đầu nguồn lực quan trọng này. Sự chủ động của chính quyền địa phương ngay từ những ngày đầu sẽ đảm bảo chương trình được thực hiện đúng, trúng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Một trong những nhận thức quan trọng mà Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhấn mạnh là định hướng phát triển văn hóa bằng cách "lấy văn hóa nuôi văn hóa". Cụ thể bằng các mục tiêu năm 2030, công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP, năm 2035 là 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, các địa phương xác định lấy công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn hàng đầu cũng đang bám sát chính sách, đưa ra những định hướng mới phù hợp. Công nghiệp văn hóa là mũi nhọn để phát triển văn hóa. Tuy nhiên, để công nghiệp văn hóa phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các cơ hội đào tạo nghề cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo.
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá mới được quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và trong năm 2025 sẽ bắt đầu hoàn thiện khung chính sách, chuẩn bị cho giai đoạn đầu tiên 2025- 2030. Sự chủ động của các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà sáng tạo sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo thực hiện chương trình theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không lãng phí. Về phía các cơ quan quản lý, cần nghiên cứu thật kỹ, lắng nghe ý kiến các chuyên gia và thực tiễn, bởi với nguồn kinh phí lớn, thời gian triển khai dài, chương trình này cũng gánh trên vai nó sứ mệnh lớn lao là chấn hưng văn hóa của đất nước.
Theo: vtv.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/don-dau-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-nham-tranh-lang-phi-16480.html