15:22 | 03/12/2024

Sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại giá rẻ qua thương mại điện tử

VTV.vn - Doanh nghiệp tiêu dùng Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức khi những sàn thương mại điện tử từ nước ngoài đang có chiến lược phát triển rầm rộ...

Cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát chặt hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử một cách phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong Công điện ngày 26/11. Điều này cho thấy nỗ lực của Nhà nước trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu nước ngoài và hàng hóa trong nước.

Trên thực tế, hàng hóa nước ngoài có nhiều lợi thế khi đến từ các nền sản xuất phát triển, và đặc biệt là được "hậu thuẫn" bởi các tập đoàn thương mại điện tử lớn sở hữu cách thức kinh doanh cạnh tranh và mạng lưới giao vận ngày càng hoàn thiện. Tất cả các yếu tố này đang gây sức ép cạnh tranh lớn cho hàng hóa Việt Nam, nhất là trong vài năm gần đây.

Anh An Đình Nhã làm doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, phân phối các thiết bị điện dùng năng lượng mặt trời. Thấy nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thâm nhập thị trường Việt Nam gần đây, anh cũng đặt thử một số mặt hàng trong ngành. Khi hàng đến tay cũng là lúc anh thêm lo vì giá rẻ hơn 10 - 30% so với thông thường, trong khi thời gian giao cũng chỉ mất vài ngày.

"Sức ép là vô cùng lớn, những doanh nghiệp kinh doanh thuần túy kiểu nhập hàng Trung Quốc về bán thì không còn lợi thế cạnh tranh về giá nữa. Đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, rất khó để cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc như vậy", anh An Đình Nhã - Giám đốc Công ty Năng lượng xanh An Giang chia sẻ.

Sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại giá rẻ qua thương mại điện tử - Ảnh 1.

Số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy qua 10 tháng năm nay, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng nhiều nhất vào Việt Nam, với giá trị hàng hóa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó chỉ tính riêng trên một sàn thương mại điện tử lớn trong quý III năm nay, lượng hàng hóa có kho đặt tại nước ngoài bán vào thị trường trong nước đạt gần 80 triệu sản phẩm, mang lại doanh thu gần 3.500 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Trong đó có gần một nửa là các mặt hàng giá rẻ, dưới 100.000 đồng một sản phẩm.

Lợi thế giá rẻ của hàng ngoại càng lớn hơn khi 2 năm trở lại đây, xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài như Temu, Alibaba, Shein đi theo mô hình làm việc trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất để bán hàng. Nghĩa là các tập đoàn công nghệ sẽ lưu kho và chịu trách nhiệm xử lý, phân phối toàn bộ hàng từ nhà sản xuất. Cắt giảm nhiều khâu phân phối trung gian để đưa ra mức bán lẻ rẻ nhất có thể.

Ông Jianggan Li - Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Momentum Works cho biết: "Có rất nhiều cách để mô hình ký gửi hàng toàn bộ cắt giảm chi phí trung gian so với các mô hình thương mại điện tử trước đó. Thứ nhất, việc làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất giúp giảm nhiều khâu trung gian như nhà bán, nhà xuất nhập khẩu… giúp mua hàng từ nguồn với giá rẻ nhất. Một món hàng bán lẻ trên sàn ví dụ ở mức 5 USD, nhưng nhà sản xuất thì họ có thể bán với giá chỉ bằng 1/10 như thế. Doanh nghiệp đi theo mô hình làm trực tiếp với nhà sản xuất có thể giảm rất nhiều giá bán lẻ".

Sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại giá rẻ qua thương mại điện tử - Ảnh 2.

Chiến lược phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới của nước bạn với nhiều chính sách hỗ trợ cũng đã giúp hình thành hàng trăm khu thí điểm thương mại điện tử, cùng mạng lưới các tổng kho sát biên giới. Cùng với việc hệ thống kho bãi, logistics phục vụ thương mại điện tử ở nước ta những năm gần đây liên tục tăng trưởng hai con số mỗi năm, đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian giao hàng từ nước ngoài về Việt Nam.

"Gần như thời gian giao hàng của các đơn vị bán hàng xuyên quốc gia, không bị chênh lệch quá nhiều so với việc mình mua hàng trong nước. Họ tiếp cận rất dễ dàng với người tiêu dùng tại Việt Nam. Quảng cáo thì thấy tràn lan, lướt Facebook hay xem TikTok đều có thể thấy hàng hóa của những doanh nghiệp ngoại", ông Phạm Bảo Trung - Cố vấn Giải pháp tăng trưởng Khách hàng, Metric cho biết.

Để tiếp cận người tiêu dùng tại Việt Nam dễ dàng hơn nữa, trong 1 năm trở lại đây, các doanh nghiệp ngoại bắt đầu đầu tư các mô hình mà giới trong ngành gọi là "kho livestream nội đô". Tại đây các phiên livestream được tổ chức mỗi ngày. Hàng hóa ngoại thì đã ở sẵn trong kho để làm sao đến tay người chốt đơn một cách nhanh nhất.

Theo: vtv.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/suc-ep-canh-tranh-tu-hang-ngoai-gia-re-qua-thuong-mai-dien-tu-16478.html

In bài viết