09:12 | 01/12/2024

Xuất nhập khẩu “bùng nổ”, ngành logistics cần nắm bắt thời cơ

NDO - Xuất nhập khẩu của Việt Nam đang dần tiệm cận con số 800 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Đây cũng là cơ hội cho ngành logistics phát triển.
Xuất nhập khẩu “bùng nổ”, ngành logistics cần nắm bắt thời cơ
Logistics là ngành có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam.

Bước tiến của ngành logistics

Theo dự kiến, ngày 11/12, Tập đoàn Viettel sẽ khai trương dự án Công viên logistics Viettel Lạng Sơn có quy mô 143,7ha, với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 8/11, Tập đoàn Viettel đã ký hợp đồng thuê lại toàn bộ hạ tầng dự án khu trung chuyển hàng hóa thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và sử dụng tên gọi nội bộ là "Công viên logistics Viettel". Tại đây, Tập đoàn Viettel sẽ tiến hành đầu tư đồng bộ hạ tầng logistics để cung cấp các dịch vụ logistics toàn trình, chuyên nghiệp, kết hợp với hạ tầng cửa khẩu để nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa và rút ngắn thời gian thông quan. Quy mô đầu tư của dự án trên diện tích 143,7ha với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, gồm các hạng mục đầu tư khu nhà liên ngành, khu dịch vụ thông quan, khu vực các kho hàng, kho ngoại quan, khu trưng bày triển lãm, trung tâm giao dịch nông sản,...

Đây là dự án lớn trong ngành logistics, được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực ngành logistics Việt Nam – một trong những “cánh tay đắc lực” cho thương mại quốc tế và thương mại nội địa phát triển. Năm 2024, ngành logistics Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và các yếu tố hỗ trợ từ chính phủ cũng như sự cải thiện về chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo khảo sát doanh nghiệp logistics của Vietnam Report, biến động doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp logistics trong 9 tháng đầu năm 2023 và năm 2024 thể hiện sự phục hồi rõ rệt của ngành.

Xuất nhập khẩu “bùng nổ”, ngành logistics cần nắm bắt thời cơ

Xuất nhập khẩu khởi sắc là cơ hội để logistics phát triển.

Năm 2024, có tới 82,3% doanh nghiệp logistics dự báo lợi nhuận tăng, trong đó có 58,8% tăng lên đáng kể và số giảm từ 66,7% xuống còn 5,9%. Dữ liệu này phản ánh tác động tích cực từ sự phục hồi xuất khẩu, đầu tư vào công nghệ logistics và chính sách hỗ trợ hiệu quả, khẳng định ngành logistics đang dần lấy lại đà tăng trưởng và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines).

Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất Việt Nam trong thời gian qua. Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng Phòng Thuận lợi hoá thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã, đang và sẽ là động lực cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics. Đặc biệt là logistics thương mại điện tử.

Theo đó, Việt Nam xếp trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Chính sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra sự thay đổi của ngành logistics trong việc cung cấp các dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Logistics cho thương mại điện tử, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) thông tin thêm, các doanh nghiệp logistics đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc gắn kết, kết nối, chia sẻ. Đây là một điều mới mẻ trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự xây dựng và tự phát triển công nghệ thông tin để thích ứng và kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Rõ nét nhất chúng ta nhìn thấy đó là logistics trong thương mại điện tử. Nếu không ứng dụng được công nghệ vào hoạt động logistics trong thương mại điện tử, gần như chúng ta không có được lợi thế cạnh tranh nào tại cả thị trường trong nước và quốc tế. Bởi lẽ, bản thân thương mại điện tử đã là một phương thức kinh doanh có sử dụng và khai thác rất nhiều nền tảng công nghệ. Do đó, các công ty logistics đã ứng dụng thương mại điện tử để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp” – ông Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.

Chia sẻ của các doanh nghiệp hội viên VLA cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp logistics truyền thống hiện nay cũng đã có sự dịch chuyển cũng như tiếp cận phương thức chuyển đổi công nghệ theo hướng thương mại điện tử để có thể thích ứng nhanh, chia sẻ dữ liệu nhanh hơn giữa các công ty cung cấp nền tảng cũng như giữa các doanh nghiệp logistics với nhau.

Khắc phục khó khăn

Bên cạnh thuận lợi, nhìn chung, doanh nghiệp logistics của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức khi các phương tiện vận tải biển quốc tế đang nằm trong tay các hãng vận tải lớn của nước ngoài. Hạ tầng logistics nội địa gặp khó khăn trong việc kết hợp giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

Do sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế nên hiện chi phí logistics của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng mặc dù đã có cải thiện trong những năm vừa qua, tuy nhiên, hạ tầng để giúp cho các doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa vẫn còn đâu đó những thách thức rất lớn.

Hiện nay, lợi thế của Việt Nam là có thị trường sôi động về sản xuất, xuất nhập khẩu, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có một thị trường sôi động về hoạt động logistics. Tuy nhiên sự sôi động này không chỉ dành cho các doanh nghiệp logistics trong nước mà các doanh nghiệp logistics nước ngoài cũng sẵn sàng có mặt ở Việt Nam. Họ đầu tư và sẽ khai thác các điểm yếu của doanh nghiệp trong nước, từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh.

“Ở khía cạnh Hiệp hội, chúng tôi cũng đã đưa ra mấu chốt và trở thành tôn chỉ, đó là ngoài vấn đề phát huy vai trò đóng góp về cơ chế chính sách với nhà nước, tính kết nối đang được Hiệp hội đặt ra trong suốt các nhiệm kỳ vừa qua và trong nhiệm kỳ này”, ông Hùng thông tin.

Sắp tới, VLA sẽ tổ chức chương trình Đại hội thế giới Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA World Congress - FWC) 2025 tại Việt Nam. Đây được kỳ vọng sẽ là cú hích, giúp gắn kết các doanh nghiệp logistics Việt Nam với nhau và các đối tác nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí logistics.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Mai Linh cho hay, năm 2024 cũng là năm nước rút để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các nhiệm vụ được giao nhằm đạt được mục tiêu về phát triển dịch vụ logistics đặt ra tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh này cũng đến giai đoạn sắp kết thúc. Do đó, cần có chiến lược dài hơi hơn, bài bản hơn và phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế hiện nay. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Công Thương cũng đã tích cực trao đổi với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, các Hiệp hội, các doanh nghiệp để rà soát lại toàn bộ các hoạt động logistics trong 10 năm qua.

Đồng thời, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp hơn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đã được triển khai và ban hành trong thời gian vừa qua. Từ đó, tạo ra được khung khổ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt, nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.

Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ để xem xét, ký ban hành Chiến lược trong quý IV năm 2024. Sau khi Chiến lược được ban hành, Bộ Công Thương sẽ ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện, trong đó, dự kiến sẽ có 60 nhóm giải pháp xoay quanh những vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy về những hạn chế, thách thức. Từ đó, có thể giảm thiểu các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua để vừa đáp ứng yêu cầu trong nước, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực và thế giới.

HÀ ANH

Theo nhandan.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/xuat-nhap-khau-bung-no-nganh-logistics-can-nam-bat-thoi-co-16465.html

In bài viết