08:21 | 15/11/2024
Là Người sáng lập ra QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “Quân sự mà không có chính trị thì như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Theo tư tưởng này, Quân đội luôn thấu suốt phương châm "Người trước súng sau" trong xây dựng, phát triển Quân đội. Kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND và 80 năm thành lập Tổng cục Chính trị, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, PGS, TS Nguyễn Hữu Lập, Chủ nhiệm Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.
PV: Thưa Đại tá Nguyễn Hữu Lập, cách đây 80 năm, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra Chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đây có được coi là cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng ta về việc thành lập lực lượng vũ trang?
Đại tá Nguyễn Hữu Lập: Cương lĩnh thì người ta thường tiếp cận nó như là văn bản trình bày khái quát về mục tiêu, phương hướng, phương pháp, cách thức tổ chức và phương hướng phát triển trong thời gian tiếp theo. Với ý nghĩa như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể coi Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cương lĩnh lịch sử của Quân đội dân Việt Nam.
Bởi vì trong bản cương lĩnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ý nghĩa về tên của Đội, đó là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Thứ hai là Người cũng chỉ rõ mục tiêu thành lập Đội. Và Người cũng chỉ rõ yêu cầu, nhiệm vụ của Đội. Trong quá trình hình thành, quá trình xây dựng và phát triển của Đội thì Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phải thực hiện những nhiệm vụ gì? Vị trí vai trò của Đội trong mối quan hệ với Đảng, với nhân dân và với lực lượng vũ trang 3 thứ quân.
Và một nội dung rất là quan trọng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phải là đội quân chủ lực, được tổ chức tập trung thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phải tăng cường cho Đội có vũ khí, trang bị. Với sự chỉ đạo như vậy thì chúng ta thấy rằng, trong suốt thời kỳ xây dựng, trưởng thành, phát triển của quân đội ta trong 80 năm qua, quân đội chúng ta đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ gậy tầm vông, giáo mác cho đến bây giờ, chúng ta có một quân đội đầy đủ các quân binh chủng và đang dần tiến lên chính quy, hiện đại, một số lực lượng đã tiến thẳng hiện đại, bảo đảm được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và giữ vững Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trong cương lĩnh này của Hồ Chí Minh, Người còn chỉ rõ phương hướng phát triển của Đội. Đó là phải giải quyết tốt mối quan hệ với vai trò là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang 3 thứ quân và luôn luôn phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quá trình xây dựng, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
PV: Vì sao mà trong xây dựng quân đội chúng ta lại đặt vấn đề chính trị trọng hơn quân sự, thưa Đại tá Nguyễn Hữu Lập?
Đại tá Nguyễn Hữu Lập: Chúng ta thấy rằng, hiện nay mối quan hệ giữa chính trị với quân sự ngày càng rõ hơn. Và đặc biệt là sự cạnh tranh giá trị trong xu thế toàn cầu hóa của hội nhập quốc tế, càng đặt ra yêu cầu lực lượng vũ trang phải vững mạnh về chính trị.
Thực tế cũng cho thấy rằng, không có một quân đội nào phi chính trị được. Chỉ có điều họ đứng ở chính trị nào và họ phục vụ cho chính trị nào. Do vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực hiện nay và trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, trong sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, trước hết chúng ta phải quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh trong Chỉ thị này. Đó là phải xây dựng quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và thực sự là một lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, nhà nước và nhân dân. Thực sự tiêu biểu về chính trị. Tức là gì? Tức là quân đội phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phải tin tưởng vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội và phải tin tưởng vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như là toàn dân chúng ta đã lựa chọn.
PV: Điều đó cũng có nghĩa là dù trong thời điểm nào, chúng ta cũng luôn nhất quán là người trước, súng sau trong xây dựng Quân đội?
Đại tá Nguyễn Hữu Lập: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng là chúng ta phải thực hiện người trước súng sau. Tức là trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mối quan hệ giữa con người với vũ khí luôn luôn là mối quan hệ chặt chẽ. Nhưng con người bao giờ cũng giữ vị trí quyết định. Do vậy, trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của vũ khí trang bị, con người vẫn là yếu tố quyết định nhất trên chiến trường.
PV: Chúng ta xây dựng và phát triển quân đọi theo hướng là cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Vậy đồng chí có cho rằng, trong xây dựng quân đội tinh nhuệ thì trước hết là phải tinh nhuệ về chính trị?
Đại tá Nguyễn Hữu Lập: Đúng vậy! Trong quá trình xây dựng quân đội hiện đại thì trước hết phải hiện đại con người. Con người phải tinh nhuệ. Và tinh nhuệ của con người trước hết phải tinh nhuệ về chính trị. Nó thể hiện ở ý chí quyết tâm, ở lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, Nhân dân lên trên hết, ta mới có thể hy sinh được. Người cán bộ, chiến sĩ quân đội trong xu thế toàn cầu hóa, hiện đại như hiện nay, rất nhiều sự tác động vào đời sống, tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Nhưng phải luôn luôn phân biệt rõ mình đang phục vụ cho cái gì. Và mình tham gia xây dựng quân đội để nhằm mục đích gì. Mục đích cuối cùng của quân đội ta là bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã lựa chọn.
PV: Ngày nay với sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhiều ý kiến quan điểm cho rằng là, bên nào có vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại hơn bên đó sẽ giành phần thắng trong chiến tranh. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Lập thì điều này có đúng hoàn toàn không ạ?
Đại tá Nguyễn Hữu Lập: Điều đó chỉ đúng trong từng trận chiến đấu thôi. Nếu xét trong cả cuộc chiến tranh và trong lâu dài thì điều đó không đúng. Bởi vì, con người bao giờ cũng là nhân tố quyết định nhất. Và vũ khí, trang bị thì có thể chỉ quyết định thắng lợi trong một trận chiến đấu, một tình huống cụ thể thôi. Nếu xét về cả một cuộc chiến tranh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, chúng ta có thể phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí là lâu hơn nữa. Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ thắng lợi, bởi vì chúng ta có nhân tố con người. Nhân tố con người chính là chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có con đường cách mạng đúng đắn, có Đảng ánh đạo. Còn vũ khí trang bị hiện đại thì cũng rất quan trọng, nhưng không thể quyết định được thắng lợi cuộc chiến tranh.
PV: Xin cảm ơn Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lập!
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/khong-co-mot-quan-doi-nao-phi-chinh-tri-16361.html