07:55 | 12/11/2024

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Khát vọng biến cơ hội thành hiện thực

Sản xuất, ứng dụng sản phẩm bán dẫn ngày càng phổ biến trên phạm vi toàn cầu và mang lại lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất.

Đó cũng là trào lưu đang lan tỏa rất mạnh mẽ, thu hút nhiều quốc gia tham gia “đường đua” trị giá hàng nghìn tỷ USD này và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhận diện rõ tiềm năng, thách thức, cơ hội cũng như tìm biện pháp xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn đích thực…

cong-nghe.jpg

Các doanh nghiệp trao đổi thông tin phát triển sản phẩm tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Hà Nội năm 2024. Ảnh: VGP

Rào cản nhân lực, nguồn vốn

Theo đánh giá của một số tổ chức, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023-2028.

Như vậy, Việt Nam đã nhìn thấy cơ hội, đang từng bước tiếp cận và xây dựng nền công nghiệp sản xuất bán dẫn, mặc dù đó là mục tiêu rất khó và không thể thành công trong một sớm một chiều.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đã có nhiều bước tiến quan trọng trong nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện, một số nhà đầu tư tên tuổi đã triển khai dự án tại Việt Nam như Amkor, Intel, Samsung... Một số doanh nghiệp trong nước, như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hoặc Tập đoàn FPT cũng đã có những bước đi rất đáng ghi nhận. Trong đó, FPT đã cung cấp các dịch vụ thiết kế vi mạch và thiết kế thành công chíp bán dẫn.

Chia sẻ về tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Baar nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cơ hội tham gia, đóng góp vào chuỗi cung ứng, sản xuất thiết bị bán dẫn, làm nhà cung cấp linh kiện cho đối tác lớn. Còn Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình cho rằng, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện đáng kể, có thể cung ứng sản phẩm với yêu cầu phức tạp hơn cho ngành bán dẫn trong thời gian tới.

Song, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc theo đuổi “giấc mơ bán dẫn” của Việt Nam. Đó là, sự hạn chế về vốn đầu tư, bởi để tạo hạ tầng, mua sắm dây chuyền sản xuất, công nghệ đồng bộ lên đến hàng chục tỷ USD. Tiếp theo là sự thiếu hụt về nhân lực tại chỗ trong khi ngành bán dẫn đòi hỏi nguồn lao động có trình độ chuyên sâu…

Những giải pháp đồng bộ

Để phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội hình thành ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Đồng thời, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Trên cơ sở định hướng quan trọng này, các bộ, ngành tập trung nguồn lực, đẩy nhanh quá trình phát triển ngành bán dẫn, tăng cường hợp tác, kêu gọi đầu tư quốc tế. Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 vừa được tổ chức với sự tham gia của hàng chục tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này là một trong những nỗ lực giới thiệu cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ thiết thực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Về nhân lực, Việt Nam đang tăng tốc hoạt động đào tạo, nhằm đón bắt nhu cầu ngày càng tăng của các dự án bán dẫn, với mục tiêu có 50.000 nhân lực trình độ cao vào năm 2030. Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho hay, trong 10 năm tới, FPT đóng góp khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ, tập trung phát triển lực lượng thiết kế chíp bán dẫn, tuyển 2.000 sinh viên hệ cao đẳng và đại học.

Được biết, 2 tập đoàn hàng đầu về bán dẫn của Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, thông qua việc cử các chuyên gia, giảng viên và hỗ trợ bản quyền phần mềm. Hiện, NIC đang phối hợp cùng đối tác Mỹ triển khai chương trình đào tạo tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025.

Để khắc phục khó khăn về công nghệ, vốn, các chuyên gia khuyên Việt Nam nên tăng cường hợp tác, kêu gọi đầu tư. Việt Nam có thể tập trung vào phần thiết kế, hình thành các startup tham gia vào công đoạn thiết kế vi mạch và hướng tới mục tiêu dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn vào năm 2030. Việt Nam cũng có thể trở thành quốc gia số 1 Đông Nam Á về kiểm thử và đóng gói trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần thiết kế một “luồng xanh” thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian thực hiện nhằm thu hút những dự án công nghệ cao trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Các địa phương cũng phải sẵn sàng về hạ tầng để nhà đầu tư có thể triển khai sớm dự án.

Xét về tổng thể, các chuyên gia cho rằng, cần biến khát vọng thành nỗ lực tăng tốc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng, nguồn cung năng lượng, cải cách hành chính để gia tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

Theo hanoimoi.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-khat-vong-bien-co-hoi-thanh-hien-thuc-16345.html

In bài viết