07:24 | 18/10/2024

Hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Để thực hiện các cam kết này, cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.
Hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững
Rau sạch tại những nông trường VinEco được phân phối tại các hệ thống siêu thị. (Ảnh TRẦN THANH GIANG)

Cùng với việc tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, Việt Nam cũng cần chú trọng nâng cao nhận thức và phát huy sự tham gia từ phía người tiêu dùng trong việc thực hành tiêu dùng bền vững, qua đó đồng hành cùng doanh nghiệp đạt được các kết quả bền vững.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 đã ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững cũng như xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong việc tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững nói riêng và phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam nói chung.

Tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Lê Triệu Dũng nhận định: Sản xuất và tiêu dùng bền vững đã trở thành mắt xích quan trọng bảo đảm hiệu quả của tiến trình bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm theo quy định của pháp luật, mà còn là xu hướng, yêu cầu khách quan từ thực tiễn, đồng thời cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, người tiêu dùng đã và đang ngày càng thể hiện rõ vị trí, tầm quan trọng và mức độ quyết định đối với thành công của quá trình này.

Thực tế hiện nay, tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững không còn là những khái niệm xa lạ, mà đang dần phổ biến hơn trong đời sống hằng ngày. Khảo sát của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value - IBV) đối với 14.000 người đến từ chín quốc gia cho thấy, 90% số người được khảo sát nhận định đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan môi trường và tiêu dùng bền vững. Người tiêu dùng đang dần quay lưng, hạn chế sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng.

Theo Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2023. Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng gia tăng.

Đáp ứng xu thế này, nhiều không gian dành cho sản phẩm xanh cũng bắt đầu xuất hiện tại các hệ thống bán lẻ. Giám đốc Siêu thị Aeon Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Hải Thanh chia sẻ: Aeon Hà Đông có các quầy tính tiền ưu tiên cho khách hàng không sử dụng túi ni-lông, đồng thời cung cấp dịch vụ "rent a bag" cho mượn túi môi trường trực tiếp tại quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và sẽ hoàn lại phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ. Chúng tôi còn triển khai chương trình ngày không dùng túi ni-lông vào thứ hai đầu các tháng từ năm 2023 cũng như ngừng phân phối các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và chuyển đổi từ thẻ mua sắm nhựa sang sử dụng ứng dụng di động. Hệ thống WinCommerce cũng đã và đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp "xanh" tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart+.

Cụ thể, WinCommerce sử dụng tất cả túi ni-lông tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng một lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường.

Cần thêm trợ lực từ Nhà nước

Có thể thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay. Thực tế là không ít cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đã sớm nhận thức được vấn đề và chủ động triển khai giải pháp kịp thời. Đơn cử, từ khoảng ba năm trở lại đây, Tổng công ty May 10 đã triển khai nhiều hoạt động xanh hóa sản xuất như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm tái chế, từ thiên nhiên,…

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ: Xanh hóa sản xuất không còn là việc muốn hay không mà đến nay đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu bền vững. Ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu đốt bằng điện sinh khối nhằm bảo đảm lượng khí thải carbon ít nhất. Dự kiến, trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May 10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải hơn 20 nghìn tấn carbon ra môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng: Sản xuất, tiêu dùng bền vững là những xu hướng có vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khu vực và trên toàn thế giới. Nhận thức được điều đó, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện nhất quán quan điểm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, nhất là trong công tác xây dựng chính sách và ban hành pháp luật. Nhờ vậy, hệ thống chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững đang được ngày càng hoàn thiện.

Tuy nhiên, ông Thi cũng thừa nhận rằng, còn nhiều khó khăn, vướng mắc ở phía trước, cản trở việc sớm đưa các chính sách, pháp luật đi vào thực tiễn. Phần lớn doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tìm kiếm, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp lưu thông, phân phối cũng đã từng bước xanh hóa quy trình phân phối, giảm bao bì trung gian và chất thải, sử dụng, phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường. Thế nhưng, các hoạt động này cũng chưa mang tính bền vững, việc sử dụng túi ni-lông, bao bì khó phân hủy vẫn phổ biến,… Về phía người tiêu dùng đã ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh, tuy nhiên giá thành sản phẩm xanh vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Trong khi đó, các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng.

Để bắt kịp xu hướng sản xuất, tiêu dùng bền vững, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, các doanh nghiệp phải chuyển mình mạnh mẽ hơn. Song song với đó, chúng ta cần thêm trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm các cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất xanh. Sản xuất xanh và sạch cần nguồn vốn dài hạn, ổn định, do đó rất cần những cơ chế giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Nhà nước cần có giải pháp khuyến khích và ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch hơn; hoàn thiện khung cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Bùi Thanh Thủy cho rằng, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa mặn mà với các sản phẩm xanh bởi nguyên nhân chủ yếu là giá cả. Trong khi đó, các chính sách đầu tư cho người tiêu dùng lại chưa nhiều.Vì đây là việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân, vì vậy chúng ta nên tính đến câu chuyện làm sao để giảm giá thành, giảm thuế tiêu thụ cho các sản phẩm xanh, giúp người dân dễ dàng tiếp cận.

THÁI LINH

Theo nhandan.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/huong-toi-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-16214.html

In bài viết