09:27 | 05/10/2024
Mới đây Bộ LĐ-TB-XH đã gửi xin ý kiến các cơ quan, Bộ, ngành, đơn vị liên quan về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đối với công chức, viên chức, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất dịp nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn, đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tức từ 25/1 - 2/2/2025. Theo phương án này, dịp nghỉ Tết Âm lịch, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 9 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hàng tuần.
Về lịch nghỉ Tết Nguyên đán, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có công văn tham gia ý kiến về ngày nghỉ Tết Nguyên đán và một số ngày nghỉ lễ trong năm 2025. Các cơ quan này đều nhất trí với phương án nghỉ Tết Âm lịch như Bộ LĐ-TB-XH đề xuất.
Nói về phương án đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) – đơn vị xây dựng phương án nghỉ Tết cho biết, số lượng các ngày nghỉ lễ, Tết đã được quy định rõ trong Bộ luật Lao động 2019. Thời gian nghỉ Tết Âm lịch được cố định 5 ngày, tuy nhiên có thể hoán đổi các ngày nghỉ xen kẽ để kỳ nghỉ của người lao động được thuận lợi hơn. Dù nghỉ 5 ngày Tết đã được “chốt cứng”, song nghỉ trước Tết 2 ngày hoặc 1 ngày, nghỉ sau Tết 3 hoặc 4 ngày là do Chính phủ xắp xếp cho phù hợp.
Ông Thắng cho biết thêm, thực tế, quy định ngày nghỉ Tết đối với công chức, viên chức là tương đối cố định. Còn đối với doanh nghiệp, tùy theo yêu cầu của dây chuyền sản xuất, có trường hợp cần đi làm vào ngày lễ, Tết, thì người lao động cần được hưởng các chính sách về tiền lương cao hơn và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Sau đó, có thể bố trí nghỉ bù. Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết theo quy định của Chính phủ.
Cục Trưởng Cục An toàn lao động cũng nhấn mạnh rằng, việc sắp xếp lịch nghỉ cần đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Không thể ngừng toàn bộ hoạt động trong những ngày nghỉ lễ, Tết mà chỉ quy định cứng với công chức, viên chức. Với khối này vẫn cần bố trí người trực để phục vụ cho các hoạt động được thông suốt.
Nhiều quan điểm cho rằng, lịch nghỉ Tết hàng năm nên quy định cụ thể, tránh việc mỗi năm lại đưa ra lấy ý kiến gây tốn kém, ông Thắng cho biết, thực tế Bộ luật Lao động chỉ quy định cố định số lượng ngày nghỉ lễ, Tết trong năm, nhưng lịch nghỉ cụ thể mỗi năm mỗi khác. Nếu quy định cứng lịch nghỉ Tết, nhưng nếu trường hợp một năm có ngày mùng 4 Tết rơi vào thứ Sáu, mùng 5, 6 rơi vào hai ngày nghỉ hằng tuần, thì phải đề xuất một phương án nghỉ tiếp mùng 4, 5, 6, sau đó đi làm bù vào ngày thứ Bảy của tuần kế tiếp. Như vậy, vừa đạt được yêu cầu đảm bảo thời gian làm việc, mà người lao động được nghỉ liền mạch. Thêm rằng, nếu thời gian nghỉ quá ngắn, nhiều lao động xa quê chưa có thời gian nghỉ ngơi đã phải quay lại làm việc, vừa tốn kém và bất cập cho cả xã hội.
Cục Trưởng Cục An toàn lao động cho rằng, việc không cố định lịch nghỉ mỗi năm để linh hoạt, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.
"Việc sắp xếp ngày nghỉ cuối tuần liền kề với ngày nghỉ Tết là phù hợp. Nếu nghỉ dài quá thì hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị có thể bị ảnh hưởng, nhưng nếu ngắn quá thì người lao động cũng khó khăn”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Hà Tất Thắng, phương án nghỉ lễ, Tết hàng năm đều được Bộ LĐ-TB-XH gửi xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan liên quan có tác động sâu rộng nhất vào khoảng tháng 8, tháng 9 của năm trước, quyết định ban hành dự kiến tháng 10, 11. Việc ban hành trước 2 – 3 tháng để các cơ quan, đặc biệt là doanh nghiệp thu xếp được phương án sản xuất kinh doanh phù hợp. Người lao động chủ động trong lịch về thăm quê hương, gia đình, giao thông đi lại, mua vé tàu xe.
"Thông báo lịch nghỉ càng sớm càng chủ động cho các cơ quan, đặc biệt các đơn vị giao thông vận tải có thể bố trí tàu xe, máy bay phục vụ tốt hơn. Việc này chúng tôi sẽ làm thường xuyên trên tinh thần lắng nghe ý kiến của đại đa số các bên liên quan, đặc biệt là người lao động. Có thể phải chấp nhận một phương án phù hợp với số đông hơn cả”, ông Hà Tất Thắng nói.
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/vi-sao-khong-co-dinh-lich-nghi-tet-moi-nam-16140.html