16:52 | 30/09/2024
Hơn 40.000 cây gãy đổ do "siêu bão" số 3 gây ra
Theo thống kê của thành phố Hà Nội, "siêu bão" số 3 quét qua Hà Nội đã khiến hơn 40.000 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố. Trong đó, có tới hơn 24.800 cây đổ, tập trung nhiều ở các địa phương: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm. Đáng chú ý, có nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi, gắn với nhiều địa danh lịch sử cũng bị bật gốc, gãy đổ trong bão số 3, khiến nhiều người tiếc nuối
Cây đa nhiều năm tuổi ở Vườn hoa Lý Thái Tổ bị gãy đôi sau bão.
Điển hình, theo số liệu thống kê của Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), có đến 116 cây đổ bên trong công viên, bên ngoài có 26 cây đổ, một số tường rào, bồn hoa bị hỏng cần sửa chữa. Nhiều người tiếc nuối vì cây đa do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng vào năm Canh Tý 1960 khi kêu gọi cả nước hưởng ứng phong trào Tết trồng cây đã bị gãy ngang thân, một số cành gãy do ảnh hưởng của mưa bão. Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, Cây đa Bác Hồ bị lệch tán, gãy ngang thân. Công ty sẽ đưa ra phương án tối ưu để khôi phục cây đa này.
Theo bà Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị cho biết, nhiều cây xanh gãy, đổ thuộc các loài lát, bàng, sấu, bằng lăng, keo…, vốn là cây trồng phù hợp lấy bóng mát ở đô thị, có sức chịu gió tốt. Tuy nhiên, "siêu bão" số 3 khi vào đến Hà Nội có sức gió ở cấp 8-9, giật cấp 10, 11 nên những cây có chiều cao lớn, hoặc mới trồng, rễ chưa kịp cắm sâu sẽ không thể chống chịu. Cây cổ thụ tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) bị gió vặn gãy gục phần thân lớn, trong khi gốc vẫn còn nguyên vẹn cho thấy sức gió khủng khiếp.
Cổ thụ gần Nhà thờ lớn Hà Nội bị đổ, gây nhiều nuối tiếc.
Đường phố Hà Nội cơ bản được dọn dẹp sau cơn bão
Đã gần nửa tháng sau khi "siêu bão" Yagi qua đi, đường phố Hà Nội cơ bản đã được dọn dẹp sạch sẽ, không còn cảnh cành, lá nằm ngổn ngang, cây cối bị tàn phá như hôm cơn số bão 3 đổ bộ về càn quét. Ghi nhận tại nhiều con phố ở Hà Nội như: Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Kim Mã, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Thanh Niên, Cửa Bắc, Võ Thị Sáu, Hàng Bông, Cầu Giấy, Nguyễn Đình Thi,... cây xanh đổ, gẫy sau bão số 3 đã được di dọn, nhiều cây được cắt tỉa, dựng trồng lại, một số cây được rào thêm khung sắt chống đỡ để bảo đảm cây không bị gẫy đổ.
Hà Nội lại trở lại xanh, sạch, đẹp như chưa từng có sự hiện hữu của cơn bão số 3.
Cây sưa trên phố Chùa Một Cột đã được trồng lại.
Đường phố Hà Nội những ngày này lại được "thay áo mới", không còn tàn dư của cơn bão số 3 Yagi, người dân đã sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Cuộc sống ở Thủ đô lại tấp nập, hối hả, nhiều công nhân viên thi công khẩn trương lắp đặt trang trí để chuẩn bị cho Thủ đô Hà Nội chào mừng sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), những công nhân viên môi trường trực, quét dọn thông buổi trưa để bảo đảm vệ sinh môi trường cho Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp…Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với "lá phổi xanh" của Thủ đô.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 40.000 cây xanh gẫy đổ. Trong đó, hơn 11.000 cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác...) do thành phố quản lý bị bật gốc.Thực hiện chỉ đạo tại Văn bản số 11065/VP-ĐT của Văn phòng UBND TP. Hà Nội về công tác khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3, tại nhiều tuyến phố, việc thu gom trồng dựng lại cây xanh gãy đổ nhanh chóng được triển khai.Để cứu được nhiều cây nhất có thể, các lực lượng chức năng phải chạy đua với thời gian.
Cây xanh gãy đổ đã được gọt tỉa, trồng lại trên phố Phan Đình Phùng
Anh Lê Văn Chiến, công nhân Công ty Công viên Cây Xanh Hà Nội cho biết, nếu không cắt lá, trồng dựng lại kịp, cây sẽ héo dần nên phải dốc sức làm nhanh nhất có thể. Từ lúc cây ngã đổ đến khi trồng lại, thời gian càng dài, khả năng sống sót càng kém. Để cứu cây sấu bị đổ, các công nhân phải bỏ toàn bộ lá, tỉa bớt cành. Có như vậy, cây mới có thể tập trung nước và chất dinh dưỡng nuôi thân, cũng là để ngăn tình trạng bay hơi qua lá, tăng khả năng sống sót cho cây. Anh Đinh Văn Dần, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành cũng cho biết, nếu để cây lâu, nắng lên mưa xuống, không cắt lá sẽ rất yếu cây, nên toàn thể công nhân và lãnh đạo đều rất cố gắng, giảm giờ ngủ và phấn đấu làm việc để tăng tốc nhanh hơn.
Những chồi non đang vươn mình mạnh mẽ
Chia sẻ về công tác "hồi sinh" cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thành phố dự kiến có khoảng 3.500 - 4.000 cây xanh có thể "cứu" lại được, trong đó có hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ; 9 cây sưa đỏ là cây quý hiếm, có giá trị; 94 cây cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ như sanh, si, đa, đề tại khu vực quanh Hồ Gươm, đền Bà Kiệu, trong khu di tích, lịch sử, văn hóa... Đến nay, Hà Nội đã trồng lại được khoảng 80% số cây nói trên và các cây đã được trồng lại đều đảm bảo an toàn khi thực hiện theo các bước tái thiết cây xanh của nông nghiệp.
Những chồi non đang "vươn mình" mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cũng cho biết thêm, tới đây, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá một cách tổng thể. Ví dụ nếu kích thước vỉa hè đủ điều kiện thì mới đề xuất trồng cây hoặc trong trường hợp cây trồng ở vỉa hè hay cây trồng ở dải phân cách cũng phải xác định rõ chứ không thể lẫn lộn. Hiện trạng cho thấy có những vỉa hè rất nhỏ nhưng cây lại rất lớn, như thế mục đích vỉa hè không còn nữa vì vỉa hè là dành cho người đi bộ, giao thông cho người đi bộ và trên đó để chúng ta bố trí các hạ tầng kỹ thuật khác.
Thủ đô Hà Nội trang hoàng chào mừng sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)
Theo các chuyên gia đô thị, việc phục hồi cây xanh sau bão không chỉ bảo đảm cảnh quan mà còn tăng cường khả năng chịu đựng của hệ sinh thái đô thị, giúp giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. Trong bối cảnh đô thị hóa đang ngày càng phát triển, cây xanh đô thị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cân bằng môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc phát triển và bảo vệ hệ thống cây xanh không chỉ giúp thành phố Hà Nội thêm phần mỹ quan mà còn có tác động trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Hơn nữa, cây xanh còn là công cụ tự nhiên giúp lọc không khí, loại bỏ các chất ô nhiễm, bụi bẩn và cung cấp oxy.
Dù thiệt hại lớn, những mầm xanh mới đang nhú lên, mang theo hy vọng về sự hồi sinh của cây xanh sau bão. Cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh những cây đã bắt đầu nảy mầm, tượng trưng cho sự vững chãi và sức sống của thiên nhiên trong lòng các đô thị.
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/no-luc-tai-thiet-cay-xanh-khoi-phuc-lai-dien-mao-cho-thu-do-ha-noi-16107.html