08:36 | 14/09/2024
Dệt may và da giày là 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân trên 10%/năm. Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu da giày lớn thứ hai và xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới - theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu cả nước, song theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), giá trị đóng góp của các DN trong ngành vẫn còn hạn chế. Sản phẩm vẫn tập trung ở khâu gia công tạo giá trị gia tăng thấp, trong khi nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài.
“Việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung dệt may và da giày thời gian tới, khi nhiều thị trường xuất khẩu hướng tới mục tiêu Net Zero 2050, với các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao. Do đó, việc chủ động phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày là rất cần thiết”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận.
| |
Sản phẩm dệt may, da giày vẫn tập trung ở khâu gia công tạo giá trị gia tăng thấp, trong khi nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài |
Chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam từ năm 2023 đã được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas); Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) xin ý kiến Bộ Công Thương. Hai Hiệp hội cho rằng, chủ trương này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu trong Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030 tầm nhìn 2035.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.
“Để làm được điều này cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các DN trong ngành, đặc biệt là DNNVV nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành”, ông Thuấn nói.
Chưa thực sự tự chủ nguồn nguyên phụ liệu đã và đang là điểm yếu không nhỏ đối với dệt may Việt Nam. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, khi chủ động được nguyên phụ liệu trong nước mới có thể nói tới phát triển công nghiệp thời trang. Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ ban hành từ cuối năm 2022 có đề cập câu chuyện phát triển nguyên phụ liệu, song đến nay chưa đi vào thực tiễn đời sống.
“Chúng ta đang làm thời trang trên nguyên liệu của người khác. Ngành công nghiệp sản xuất vải của Việt Nam đang không bắt kịp với xu thế ngành công nghiệp thời trang thế giới, nên chúng ta phải nhập khẩu phục vụ sản xuất. Muốn làm thương hiệu phải có cái gốc là nguyên liệu, hay nói cách khác, nếu không có nguyên liệu không thể làm được thương hiệu. Muốn khắc phục điều này cần có một chiến lược rõ ràng từ Trung ương tới địa phương”, ông Giang quả quyết.
Từ thực tế tại thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, hiện các DN Mỹ đang chủ động đẩy mạnh đa dạng các nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào, từ đó thích ứng với môi trường kinh doanh và quy định đang thay đổi.
“Các công ty thời trang Mỹ đã xây dựng được cơ sở tìm nguồn cung ứng đa dạng hơn về địa lý. Năm 2024, các DN đã tìm nguồn cung ứng sản phẩm may mặc từ 48 quốc gia, tăng so với 44 quốc gia vào năm 2023. Khi tìm kiếm nguồn cung cho ngành thời trang, các DN Mỹ cân bằng nhiều yếu tố và thực tế không có cơ sở tìm nguồn cung ứng nào "hoàn hảo" và vượt trội ở mọi tiêu chí...”, ông Hưng thông tin.
Dệt may và thời trang nếu không chủ động được nguyên, phụ liệu không thể làm được thương hiệu |
Thời gian qua, Cục Công nghiệp đã làm việc với Vitas và Lefaso về việc hoàn chỉnh chi tiết Đề án thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu. Dự kiến trong tháng 10 tới, các Hiệp hội sẽ triển khai đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm để hoàn thiện Đề án đảm bảo phù hợp với thực tế và vận hành hiệu quả trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, da giày và dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng quan trọng trên bản đồ thế giới, tuy nhiên không thể mãi tiếp tục gia công, cần chủ nguồn nguyên phụ liệu và các khâu thiết kế. Do đó, cần đẩy mạnh triển khai nhanh việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang một cách cụ thể, gồm các giai đoạn hoạt động, kiến nghị cơ chế chính sách…
“Sau khi có Đề án cụ thể, rõ ràng, Bộ Công Thương sẽ giao cho Cục Công nghiệp là đơn vị chủ trì, các Vụ thị trường trong nước, ngoài nước, cùng với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục phòng vệ thương mại,… tập hợp lại các góp ý để sớm thành lập Trung tâm. Bộ Công Thương sẵn sàng đồng hành cùng các Hiệp hội để phát triển Trung tâm này”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định.
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/cong-nghiep-thoi-trang-kho-phat-trien-bang-nguyen-lieu-nhap-khau-16003.html