08:31 | 14/09/2024
Cần đánh giá sâu hơn về “tiêu cực”
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/9, bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, báo cáo này đã nêu được rất nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua.
Chính phủ, các cơ quan, các địa phương triển khai hết sức quyết liệt, hiệu quả, triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và đã thu được rất nhiều kết quả tích cực.
| |
Bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội |
Bà Thủy cũng cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành một loạt quy định liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong từng lĩnh vực cụ thể. Đây là cơ sở chính trị hết sức quan trọng trong việc triển khai một cách có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như vi phạm pháp luật nói chung.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, báo cáo của Chính phủ mới tập trung phân tích, đánh giá “công tác về phòng, chống tham nhũng”, trong khi phần tiêu cực, lợi ích nhóm chưa thấy được đề cập nhiều, còn mờ nhạt. “Đây là những mảng chúng ta còn chưa có quy định cụ thể cũng như cách thức triển khai thực hiện còn chưa rõ, chưa thống nhất, do đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này”, bà Thủy nói.
Liên quan đến giải pháp, bà Nguyễn Phương Thủy đề nghị cần phải rà soát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cần thiết để có cơ sở pháp lý xử lý một cách dứt điểm và có hiệu quả các vấn đề phát sinh từ việc xử lý hậu quả của các vụ án về tham nhũng, như về dự án đầu tư, đất đai.
“Án tham nhũng đã xử xong, nhưng hậu quả còn lại, quyền lợi của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan không phải là những cơ quan trực tiếp liên quan đến hành vi tham nhũng nhưng có bị ảnh hưởng, có bị tác động, vậy bây giờ xử lý những việc đó như thế nào?” – nữ đại biểu nêu vấn đề.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu cứ tiếp tục kéo dài như thế này sẽ gây lãng phí một nguồn lực rất lớn về đất đai cũng như các dự án đang triển khai dở bây giờ phải dừng lại để chờ quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
“Đây cũng là nội dung chúng tôi nghĩ cần phải tập trung trong năm 2025. Việc tham nhũng chúng ta đã phát hiện và xử lý, nhưng hậu quả của tham nhũng cũng không thể bị kéo dài, gây ra những sự lãng phí các nguồn lực của xã hội” – bà Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban công tác đại biểu nhấn mạnh, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đều quán triệt, nhấn mạnh quan tâm xử lý tiêu cực. Do đó, bà cũng đề nghị báo cáo đánh giá sâu sắc, kỹ hơn.
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần nghiên cứu làm sâu sắc hơn vấn đề liên quan tới biện pháp về công tác chuyển đổi số.
Trước các ý kiến trên, ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, hiện chưa có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá định lượng về tiêu cực mà mới chỉ mang tính định tính và chủ yếu là suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
| |
Ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ |
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong phiên họp vừa rồi cũng nói là từ tiêu cực dẫn đến tham nhũng và tiêu cực là nguyên nhân chính dẫn tới tham nhũng và là một trong những nguyên nhân của tham nhũng. Do vậy, để khắc phục được vấn đề này, tới đây các cơ quan chức năng sẽ tham mưu cho Chính phủ, kể cả Ban chỉ đạo xác định tiêu chí và làm rõ hơn việc này” – ông Đoàn Hồng Phong nói.
Liên quan thể chế, Chính phủ rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các ban, bộ, ngành rà soát để kiến nghị, xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó có phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá, năm 2024, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như: thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Công tác PCTN tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục được quan tâm…
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; tích cực áp dụng các biện pháp truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
| |
Bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội |
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ, tình trạng vi phạm việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế; còn nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn diễn ra.
Tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản phải thu hồi nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
Từ đó, Ủy ban Tư pháp kiến nghị khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về PCTN, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử…
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản...; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trong bối cảnh rất khó khăn của tình hình thế giới và trong nước, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều điều kiện mới, phát sinh tội phạm mới, các tranh chấp, khiếu kiện với số lượng tăng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong hệ thống chính trị, công tác của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu tiếp tục cải thiện so với năm trước.
“Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và cơ bản thống nhất với các báo cáo, đánh giá các báo cáo đủ điều kiện để tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu, trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8” – ông Nguyễn Khắc Định nói.
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/an-tham-nhung-xu-xong-nhung-hau-qua-con-lai-giai-quyet-the-nao-16000.html