08:06 | 07/09/2024

Bức tranh kinh tế tiếp tục khởi sắc

VTV.vn - Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước của 8 tháng năm 2024 ước đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sáng ngày 9/6, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm nay. Khác với trước đây, số liệu thống kê chỉ đến ngày 15 hàng tháng, thì từ tháng này, số liệu là trọn vẹn đến ngày cuối cùng của tháng. Theo quy định mới tại Nghị định số 62, kỳ báo cáo cũng là vào ngày mùng 6 thay vì ngày 29 như trước đây.

Sức tăng của sản xuất công nghiệp

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tính chung 8 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch là những đóng góp chính cho đà tăng này.

Nhưng nếu nói về đà tăng mạnh và liên tiếp thì đó là sức tăng của sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) tháng 8 tiếp tục tăng 2% so với tháng trước và thậm chí tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cho cả tháng 8, ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết: "Đáng chú ý là lĩnh vực chế biến chế tạo có mức tăng trưởng hơn 10% và động lực chính hỗ trợ sự tăng trưởng cao này đến từ khởi sắc trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, sản xuất phân phối điện hay cung cấp nước đều ghi nhận mức tăng trưởng trên dưới 10%. Đây là hai lĩnh vực đầu vào của hầu hết toàn bộ hoạt động trong nền kinh tế. Khi nó tăng trưởng cao thì nó cũng phản ánh tiềm năng tăng trưởng của chúng ta trong thời gian tới".

Sức sản xuất tăng khi đơn hàng tăng. Cụ thể là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,4 điểm trong tháng 8, đây đã là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này trên ngưỡng 50 điểm. Đáng nói, theo báo cáo của S&P Global công bố, cụ thể có hai điểm sáng lớn nhất chính là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới liên tiếp được tăng đáng kể.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Điều mà chúng tôi nhận thấy rõ nét nhất trong thời gian tới là mức tăng trưởng xuất khẩu trên toàn cầu được duy trì ổn định dựa trên chỉ số PMI khả quan. Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội này nhất là ở các thị trường là đối tác thương mại lớn. Sản lượng sản xuất công nghiệp tăng, đóng góp đến ¼ tăng trưởng GDP. Đà tăng này cũng tỷ lệ thuận với sự phục hồi của xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo, điện tử, dệt may da giày".

Bức tranh kinh tế tiếp tục khởi sắc - Ảnh 1.

Xuất nhập khẩu đây là điểm sáng liên tục từ đầu năm đến nay

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 13,5%

Nói đến xuất nhập khẩu đây là điểm sáng liên tục từ đầu năm đến nay. Trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ ước đạt gần 71 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 8 tháng, con số sơ bộ đạt hơn 511 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng gần 16%; nhập khẩu tăng gần 18%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Trong đó, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Một trong những tác nhân hỗ trợ mạnh cho đà tăng này chính là sự hạ nhiệt đáng kể của tỷ giá hối đoái trong khoảng một tháng qua.

Bà Đinh Thị Thúy Phương - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê nêu ý kiến: "Tỷ giá giảm có tác động rất tích cực đối với các mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam. Hơn 93% tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa là các máy móc thiết bị cũng như các nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2024 quy mô sẽ tăng so với năm 2023. Và tốc độ có thể sẽ cao hơn so với mục tiêu đề ra là 6% như Nghị quyết 01".

Bức tranh kinh tế tiếp tục khởi sắc - Ảnh 2.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng

Được hưởng lợi nhiều từ tỷ giá hối đoái hạ nhiệt cũng chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng lần lượt là 7% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất 8 tháng trong 5 năm qua.

Ông Bruno Jaspert - Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C chia sẻ: "Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ tìm kiếm nhà xưởng, nhất là sự sẵn sàng về mặt bằng, hạ tầng, đi kèm với tiêu chuẩn xanh, tuần hoàn đang gia tăng tại khu công nghiệp của chúng tôi. Điều này cũng tỷ lệ thuận với vốn đầu tư thực hiện, giải ngân tại khu công nghiệp".

Để nói về sự khởi sắc của kinh tế 8 tháng, không thể không nhắc đến việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là hơn 168.000 doanh nghiệp, tăng hơn 12%.

Tổng kết lại, không gì bằng nguồn thu ngân sách Nhà nước, riêng tháng 8 ước đạt hơn 101.000 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước của 8 tháng năm 2024 ước đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng bộ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng với nhiều Luật mới có hiệu lực thi hành được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo vtv.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/buc-tranh-kinh-te-tiep-tuc-khoi-sac-15960.html

In bài viết