08:58 | 16/07/2024
Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có chiều hướng gia tăng mạnh, chỉ trong vòng 1 tháng qua, cả nước đã có thêm hơn 10.000 con lợn bị tiêu hủy, nâng tổng số lợn phải tiêu hủy do tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay (15/7) của cả nước lên là hơn 46.000 con, cao gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguy cơ cao dịch bệnh lây lan diện rộng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng vào cuối năm. Ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Kể từ đầu năm, gần 690 ổ dịch bùng phát, tăng gần 3 lần so với năm ngoái, trải rộng trên 45 tỉnh, thành phố. Các tỉnh xảy ra dịch bệnh nặng nhất gồm: Lạng Sơn với số lợn chết và tiêu huỷ gần 16.000 con, tỉnh Bắc Kạn tiêu hủy gần 13.000 con, tiếp đến là Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An. Đáng lo ngại là đến ngày 15/7, cả nước vẫn còn hơn 340 ổ dịch tại 24 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Đây chính là nguồn có thể khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan trong những ngày tới.
Số lợn được tiêm vaccine phòng tả lợn châu Phi còn ít
Theo Cục Thú y, thực tế 100% ổ dịch đều chưa tiêm vaccine tả lợn châu Phi. Vì thế, bên cạnh ý thức trong thực hiện "5 không", thì các địa phương và người chăn nuôi cần chủ động tiếp cận vaccine phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Vaccine này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo sử dụng đại trà từ cách đây một năm nhưng tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dịch này trên cả nước lại đang ở mức rất thấp. Hiện trạng này cũng xảy ra cả ở địa phương duy nhất trên cả nước triển khai tiêm đại trà vaccine tả lợn châu Phi là tỉnh Cao Bằng.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan mạnh nhất là tại các tỉnh phía Bắc với 2 tỉnh có số lợn bị tiêu hủy nhiều nhất là Lạng Sơn và Bắc Kạn. Tuy giáp ranh với cả 2 tỉnh này, nhưng tỉnh Cao Bằng hiện vẫn đang cơ bản kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh đến thời điểm này chỉ xuất hiện rải rác ở những hộ chưa tiêm phòng cho đàn lợn. Những đàn lợn đã được tiêm phòng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc dịch.
Vaccine khi đưa vào tiêm thử nghiệm cho đàn lợn thịt tại Trại giống cây trồng vật nuôi thuỷ sản của tỉnh đã bảo vệ hiệu quả cho 2 lứa lợn trong trại. Tuy nhiên, dù là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mua vaccine về cấp phát miễn phí cho các hộ chăn nuôi tiêm đại trà từ cuối tháng 12/2023 đến nay, tỷ lệ tiêm toàn tỉnh Cao Bằng mới đạt 30% so với kế hoạch đề ra. Một phần nguyên nhân đến từ tâm lý chủ quan của một bộ phận người chăn nuôi.
Còn trên cả nước, đến nay mới tiêm được 6 triệu liều vaccine. Chưa thấm vào đâu so với tổng đàn lợn thịt luôn duy trì khoảng 28 triệu con. Tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh tiêm phòng diện rộng là giải pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả nhất.
Cũng theo Cục Thú y, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan diện rộng là rất cao nếu các địa phương không ưu tiên bố trí nguồn lực mua vaccine và tổ chức tiêm phòng đồng bộ cho toàn bộ lợn thịt theo đúng Công điện 58 và Chỉ thị số 21 vừa ban hành của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo miễn dịch thì tỷ lệ tiêm vaccine trên tổng đàn phải đạt ít nhất 80%.
Đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho cao điểm cuối năm
Dịch bệnh gia tăng trên đàn lợn chiếm tới 60% tổng lượng thịt tiêu dùng trong cả nước. Liệu điều này có ảnh hưởng đến nguồn cung cuối năm, nhất là tháng trước Tết nhu cầu tiêu thụ thịt lợn gia tăng?
Chỉ thị số 21 của Thủ tướng nhấn mạnh đến nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, nếu không kiểm soát tốt sẽ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm cuối năm và cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi và trang trại chuẩn bị vào đàn để cung cấp thịt cho cao điểm tiêu dùng trước và trong Tết.
Sau 3 năm giá lợn hơi thấp dưới giá thành, nay mỗi kg lợn hơi bán ra, người chăn nuôi có thể lãi được hơn 10.000 đồng. Đây là động lực cho bà con tăng đàn nhưng cũng không thể chủ quan trước dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, năm nay ngành đặt kế hoạch sản xuất với đàn lợn thịt tăng trên 4%, tổng sản lượng thịt dự kiến đạt gần 5 triệu tấn, là nguồn cung đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng tăng 10-12% so với bình thường của những tháng cuối năm.
Bên cạnh ưu tiên bố trí kinh phí mua vaccine tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, Chỉ thị 21 Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Chỉ có như vậy mới bảo vệ đàn vật nuôi, thu nhập của người chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn, dồi dào cho người tiêu dùng vào cao điểm cuối năm..
Theo: vtv.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/nguy-co-ta-lon-chau-phi-lay-lan-dien-rong-15633.html