09:53 | 21/06/2024
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng", những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Gần 1 thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, một số tổ chức và nguồn tin thiếu thiện chí thường xuyên đưa ra các báo cáo sai sự thật, quy kết Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Thực tiễn sinh động của đời sống báo chí Việt Nam là chứng cứ bác bỏ những luận điệu đó và khẳng định được vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bác Hồ tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Hồ Quang Phương là một trong những cây bút chủ lực về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của báo Quân đội Nhân dân. Theo anh, nhà báo phải có tư tưởng chính trị vững vàng, có kiến thức từ cuộc sống, phải hiểu rõ trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.
"Tất cả các nhà báo ở trong môi trường báo chí của chúng ta đều là nhà báo cách mạng Việt Nam. Nhà nước của chúng ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nên bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước cũng chính là bảo vệ nhân dân. Tất cả các nhà báo ở Việt Nam, những nhà báo thực hiện đúng quy định của pháp luật đều cảm thấy rằng mình được tự do tác nghiệp mà không gặp bất cứ trở ngại nào", Thượng tá Hồ Quang Phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội - Nội chính, báo Quân đội Nhân dân, chia sẻ.
Bất chấp thực tế này về tự do báo chí của Việt Nam do chính các nhà báo thừa nhận, một số tổ chức thiếu thiện chí vẫn đưa ra những nhận định sai lệch. Tháng 5 vừa qua, Tổ chức phóng viên không biên giới vẫn xếp Việt Nam ở vị trí thứ 174 trong số 180 quốc gia về "Chỉ số tự do báo chí", cáo buộc Việt Nam là nơi giam giữ nhiều "nhà báo" thứ 4 trên thế giới.
Những đối tượng mà các tổ chức trên khoác cho cái mũ "nhà báo độc lập" là những đối tượng vi phạm pháp luật, thường xuyên tung lên mạng xã hội những thông tin bôi xấu chế độ, kích động hằn thù dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết, chống phá chính quyền, gây tổn hại đến an ninh trật tự xã hội.
"Họ có thực sự là nhà báo không? Tôi xin nói "không". Họ là những người mạo danh nhà báo. Họ viết báo ở đâu? Trên Facebook. Không ai công nhận Facebook là một tòa báo cả. Thế thì đây là một sự lừa bịp. Một sự đánh lận con đen. Vì sao họ bị bắt giam, là bởi vì họ vi phạm pháp luật của Việt Nam", Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nhấn mạnh.
Với hàng nghìn bài báo, hàng chục bút danh đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều quan điểm cơ bản và sâu sắc về hoạt động báo chí.
Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật, khuyến khích báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, đồng thời đấu tranh chống lại những tư tưởng sai trái, thù địch.
"Các cơ quan báo chí tham gia rất tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Có nhiều cơ quan báo chí đã mở các chuyên trang, chuyên mục về cuộc đấu tranh này và hiệu quả rất cao", ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, cả nước có 876 cơ quan báo chí và khoảng 41.000 nhân sự hoạt động báo chí. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam đã là thực tế khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Báo chí và nhà báo chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đặt lợi ích đất nước trên hết, trước hết.
Theo VTV.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/ky-niem-99-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-15500.html