07:59 | 18/06/2024
Một kỳ quan đặc sắc
Ngày 19/08/1964 Nhà máy thủy điện Thác Bà được bắt đầu khởi công. Sau hơn 10 năm xây dựng, nhà máy đã được khởi động và hòa vào lưới điện quốc gia vào ngày 05/10/1971. Nhà máy thủy điện Thác Bà là tổ hợp công nghiệp lớn đầu tiên thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta. Việc xây dựng nhà máy thủy điện đã tạo ra hồ Thác Bà - một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam và được coi là một trong những công trình biểu tượng cho đất nước trong giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
| |
Toàn cảnh từ trên cao nhìn xuống Nhà máy thủy điện và một phần lòng hồ Thủy điện Thác Bà. (Ảnh: Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà) |
Hồ Thác Bà có diện tích 23.400 ha, trong đó, diện tích mặt nước là 19.050 ha, chiều dài 80 km, chiều rộng lớn nhất 30 km, mực nước dao động từ 46m đến 58m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có một hệ thống ngòi lớn như: ngòi Hành, ngòi Cát,... đổ về, làm tăng lượng phù sa và các loài sinh vật phong phú cho hồ. Hồ Thác Bà có hơn 1.300 đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.
Nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên tỉnh Yên Bái, hồ Thác Bà được ví như “Hạ Long trên núi” với những đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình.
Đi thuyền trên hồ Thác Bà, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận.
Sau vài giờ lênh đênh trên sóng nước, du khách ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà. Hoặc du khách cũng có thể ngược dòng sông Chảy đến với đất Ngọc Lục Yên thăm hang Chùa São, đền Đại Cại, bình nguyên xanh Khai Trung... mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan đặc sắc.
Trong hệ thống hang động trên hồ Thác Bà, phải kể đến động Thủy Tiên. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, nơi đây lưu truyền sử sách về Vũ Văn Mật - một vị đầu lĩnh thời Lê và trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Yên Bái đã từng làm việc tại đây. Động Thủy Tiên còn gắn với huyền thoại về chín nàng tiên xinh đẹp trốn Ngọc Hoàng xuống vui chơi ở nơi hồng trần. Thăm động và thưởng ngoạn những kiệt tác của tự nhiên với hệ thống nhũ đá đa màu sắc, với hệ thống hang động gắn với truyền thuyết ly kỳ, du khách có cảm giác đang lạc trong thế giới thần tiên như mơ, như thực để trút bỏ tất cả những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống đời thường.
Với đặc điểm là hồ nhân tạo, kết hợp sử dụng tự nhiên, hồ Thác Bà là nơi mang trong mình sự kết tinh thành quả của bàn tay và khối óc con người trong quá trình cải biến giang sơn phục vụ cuộc sống con người, vừa mang trong mình những di tích, di chỉ lịch sử khảo cổ. Đồng thời hồ Thác Bà trở thành một danh thắng đẹp, cải tạo khí hậu sinh thái môi trường, từng bước trở thành vùng tham quan du lịch có giá trị của đất nước...
| |
Quang cảnh nên thơ trên mặt hồ Thác Bà vào buổi sáng sớm. (Ảnh: Trần Chiến) |
Với quy mô và giá trị đặc biệt, từ năm 1996, hồ Thác Bà đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử danh thắng cấp Quốc gia. Đến ngày 18/06/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 1905 sửa đổi tên gọi Di tích hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái thành Di tích Lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà (gồm hồ Thác Bà và đền Thác Bà). Cạnh đó, Khu Du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2018) sẽ là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thúc đẩy cho phát triển du lịch huyện Yên Bình.
Nâng vị thế danh thắng lên tầm cao mới
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà – tỉnh Yên Bái đến năm 2040 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 10 /5/2024 sẽ xây dựng và phát triển danh thắng hồ Thác Bà thành Khu du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế sẵn có của danh thắng.
Trong phần “Mục tiêu” của Quyết định 396 có đoạn nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế...
Về định hướng phát triển không gian, Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà sẽ có 2 cửa ngõ, 2 hành lang, 4 vùng phát triển và 8 trọng điểm.
Theo đó, có 4 vùng gồm vùng 1 gắn với khu văn hóa sinh thái Lục Yên. Vùng 2 là khu trung tâm phía Tây kết nối cao tốc IC14 Nội Bài - Lào Cai. Vùng 3 là khu trung tâm cửa ngõ phía Nam. Vùng 4 là khu du lịch sinh thái đảo và quần đảo phía Đông.
Hai cửa ngõ gồm khu vực xã Tân Nguyên nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC14, liên kết các khu trung tâm du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc và Phúc Ninh - Mỹ Gia; Khu vực thị trấn Yên Bình nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC12, liên kết các trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền và thị trấn Thác Bà.
Hai hành lang gồm Hành lang phát triển du lịch kết nối từ cửa ngõ Tân Nguyên chạy dọc phía Tây khu du lịch qua đô thị Cảm Ân, trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng đến thị trấn Yên Bình; Hành lang sinh thái phát triển du lịch xanh, thân thiện, gắn liền với sự đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái.
Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà có 4 trọng điểm phát triển đô thị gắn với sự phát triển các đô thi, trong đó có 2 đô thị hiện hữu là thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình và 2 đô thị mới là đô thị Cảm Ân, đô thị Cảm Nhân; 4 trọng điểm phát triển du lịch bao gồm các trung tâm Liễu Đô - Vĩnh Lạc, trung tâm Phúc Ninh - Mỹ Gia, trung tâm Linh Sơn - Cao Biền, trung tâm Tân Hương - Đại Đồng…
| |
Không chỉ phát huy tiềm năng du lịch, Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà còn là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia. (Ảnh: Trần Chiến) |
Trong những năm qua Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và phát triển sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, các sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương.
Với định hướng phát triển du lịch bền vững, những năm qua các cấp chính quyền ở địa phương cũng đã nỗ lực, giải quyết tốt mối liên kết giữa phát triển du lịch với vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển các ngành kinh tế đảm bảo hài hòa trong quá trình phát triển.
Một trong những tài nguyên du lịch lớn nhất của Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà là sự đa dạng về bản sắc văn hóa với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa mang những đặc trưng độc đáo riêng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống tạo ra những nét hấp dẫn khách du lịch. Những giá trị này đều có thể khai thác phát triển thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Trên khu vực Hồ Thác Bà có nhiều bản làng vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của các của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan với nền văn của lễ hội đặc sắc, phong phú trong tập quán sinh hoạt truyền thống còn lưu giữ tồn tại trong sinh hoạt đời sống của người dân là cơ hội để khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng với nhu cầu của du khách gần xa. Cùng với đó, trên hồ còn có nhiều điểm du lịch hình thành mà sản phẩm du lịch được khai thác bằng các giá trị văn hóa dân tộc gắn liền với hoạt động tâm linh, sinh hoạt, sản xuất như di tích cấp quốc gia đền Thác Bà, đình Khả Lĩnh, chùa Phúc Hoà, bản văn hóa Ngòi Tu thuộc xã Vũ Linh, di tích lịch sử khảo cổ học cấp quốc gia Hắc Y, đền Đại Kại, đền Suối Tiên... đang trở thành sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết: Để cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển khu vực hồ Thác Bà đạt các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia theo tiêu chí tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà – tỉnh Yên Bái đến năm 2040 đã xác định rõ việc quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái và các quy hoạch khác có liên quan nhằm phát triển danh thắng hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, với các sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa truyền thống và hệ sinh thái vùng lòng hồ.
Không chỉ phát huy tiềm năng du lịch, Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà còn là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; Vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; Vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng...
“Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa đang là xu hướng phát triển chính của du lịch trên thế giới và Việt Nam. Với lợi thế danh thắng hồ Thác Bà hiện là 01 trong 49 Khu du lịch quốc gia, đang nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền Trung ương và địa phương, chúng tôi đang tranh thủ những cơ hội tốt để nâng vị thế và giá trị cho Di tích Lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bàlên tầm cao mới, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công - nông nghiệp sang du lịch bền vững theo tinh thần, chủ trương phát triển kinh tế xã hội “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” của tỉnh Yên Bái, góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030...” – Bí thư An Hoàng Linh nhấn mạnh./.
Trần Chiến
Theo dangcongsan.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/phat-trien-khu-du-lich-quoc-gia-ho-thac-ba-tuong-xung-voi-tiem-nang-15487.html