07:26 | 25/05/2024
Tại dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính cho rằng, trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, bất ổn, từ đó tác động đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong nước. Do đó, đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay và cho phép nghị định có hiệu lực từ ngày ký cho đến hết ngày 31/12/2024.
Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong bối cảnh suy thoái kinh tế cũng phải đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm, phải điều chỉnh giảm sản lượng.
Về tình hình tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, tháng 1/2024 là: 12.842 xe; tháng 2 và 3 lần lượt là 11.261 xe và 18.388 xe. Như vậy, sản lượng bình quân 1 tháng trong 3 tháng đầu năm 2024 là 14.163 xe/tháng.
Trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, dự đoán trong năm 2024, thị trường ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung còn phải ứng phó với những tác động tiêu cực khác do khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu, đặc biệt trở nên căng thẳng từ sau giai đoạn dịch bệnh.
Theo Bộ Tài chính, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp, sẽ là không đủ để tạo ra sự ổn định trong việc duy trì sản lượng và doanh số bán hàng và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.
Do những khó khăn, thách thức nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh là cần thiết. Hơn nữa, hết thời gian gia hạn, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải nộp đủ số thuế vào ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2024 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2024.
Việc đề xuất thống nhất thời gian gia hạn là ngày 20/11/2024 để tránh dồn các khoản phải nộp cho doanh nghiệp vào cuối năm và tránh ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.
Dự kiến số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân 1 tháng phát sinh trong các tháng tiếp theo năm 2024 là khoảng 2.140 tỷ đồng. Theo đó, tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất là khoảng 8.560 tỷ đồng.
Do thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11/2024 nên không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Đánh giá tác động về thực hiện cam kết quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không phải là giải pháp ưu đãi về thuế, không vi phạm các quy định về trợ cấp, do đó ít có quan ngại từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.
Đây không phải là ưu đãi về thuế suất, chưa có cơ sở rõ ràng để khẳng định vi phạm các quy định về trợ cấp, nhưng việc gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ tạo điều kiện theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước so với các doanh nghiệp nước ngoài, vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do.
Qua 4 năm thực hiện giải pháp này, Bộ Tài chính chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nào. Trong trường hợp phát sinh phản ứng, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Ngoại giao để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Nếu đề xuất này được thông qua, đây sẽ là lần thứ 5 trong vòng 4 năm, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo vov.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/de-xuat-gia-han-8560-ty-dong-thue-tieu-thu-dac-biet-cho-o-to-san-xuat-trong-nuoc-15354.html