08:55 | 25/11/2023
Trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh truyền thông về các lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành thông tin và truyền thông cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách và Kế hoạch công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông trong tình hình mới, ngày 24/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền cho đội ngũ phóng viên chuyên trách của các cơ quan báo chí và cán bộ làm công tác truyền thông của Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: "Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: 'Ngành thông tin và truyền thông tạo thành một đôi cánh, trong đó một cánh là công nghệ số và một cánh là báo chí, truyền thông. Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa, dựa trên sức mạnh nội lực vật chất và tinh thần'. Trong giai đoạn xây dựng và phát triển, thông tin và truyền thông trở thành ngành tiên phong, đi đầu, dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số quốc gia, công cuộc Đổi mới lần thứ hai của toàn ngành thì công tác thông tin, truyền thông đóng vai trò và ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn ngành, đưa những thông điệp, định hướng, chiến lược, chính sách của Bộ tới công chúng một cách nhanh chóng nhất. Với những thông tin, kiến thức thiết thực và hữu ích được truyền đạt và tiếp nhận, Ban tổ chức tin rằng, công tác truyền thông sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự đồng thuận, phát triển của toàn ngành".
Ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu khai mạc Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền (Ảnh: Bộ TT&TT)
Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố hình thành Mạng lưới truyền thông ngành thông tin và truyền thông. Đây là mạng lưới truyền thông thống nhất, kết nối các cơ quan, đơn vị của Bộ, của ngành với các cơ quan báo chí.
Mạng lưới truyền thông bao gồm: 32 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều có đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách về truyền thông và phối hợp thường xuyên với Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm trao đổi, cung cấp kịp thời những thông tin chính thống phục vụ công tác truyền thông; 63/63 Sở Thông tin và Truyền thông đều có lãnh đạo Sở và cán bộ phụ trách truyền thông phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin của Bộ để thực hiện thống nhất nội dung truyền thông về các hoạt động của Bộ, của ngành và các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, mạng lưới có sự tham gia của gần 80 nhà báo, phóng viên chuyên trách của trên 50 cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng phục vụ tốt công tác truyền thông, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động để làm nên những thành công bước đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ và trọng trách của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông được Đảng, Nhà nước giao.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo, chuyên viên của các Sở Thông tin Truyền thông cùng đội ngũ phóng viên chuyên trách của các cơ quan báo chí
Cũng tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày những tham luận chuyên đề về: Kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; yêu cầu, nhiệm vụ của công tác truyền và truyền thông chính sách; Phát triển kinh tế số - xã hội số trong thời kỳ mới và các nội dung được xã hội, dư luận quan tâm; An toàn thông tin trong tình hình mới; Nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; Một số định hướng lớn trong lĩnh vực viễn thông và quy trình phát triển, chuẩn hóa hông tin thuê bao di động có sử dụng video call.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, lực lượng báo chí - truyền thông "chính thống" tại Việt Nam hiện nay gồm 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực (Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam), 127 cơ quan báo chí, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 318 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 64 đài phát thanh - truyền hình tại địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Báo Nhân dân, Vnews - Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, ANTV - Truyền hình công an nhân dân, QPVN - Truyền hình Quốc phòng Việt Nam).
Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí - chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Bộ TT&TT)
Hiện tại đã hoàn thành sắp xếp, quy hoạch báo chí đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương.
Về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, bà Đặng Thị Phương Thảo cho biết có 6 hình thức gồm: tổ chức họp báo; đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính Nhà nước; phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do Trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu; ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.
Đối với một số nhận thức mới về truyền thông chính sách, bà Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, truyền thông chính sách là 1 việc, 1 nhiệm vụ, 1 chức năng của các cơ quan hành chính Nhà nước. Báo chí và các phương tiện truyền thông khác là những phương tiện, công cụ để thực hiện công tác truyền thông, do đó, coi truyền thông là việc của báo chí là chưa đầy đủ. Chính quyền phải bố trí nhân lực, bộ máy chuyên trách về truyền thông, phải bố trí ngân sách cho truyền thông chính sách như dành cho các lĩnh vực khác y tế, giáo dục… Trong ngân sách cho truyền thông chính sách, cần có ngân sách dành cho báo chí và các phương thức truyền thông mới, phù hợp với xu thế.
Bà Đặng Thị Phương Thảo cũng nhấn mạnh, cách làm truyền thông cũ trước đây chỉ tập trung chủ yếu vào xử lý các sự vụ, sự kiện, chỉ cung cấp thông mà ít chú ý tới câu chuyện; chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách. Cách làm đó vẫn còn nặng về “định tính” hơn “định lượng”, chưa có phản xạ sử dụng số liệu để phân tích tình hình, không có công cụ đo đếm, rà quét thông tin trên báo, trên mạng, không có số liệu thống kê theo thời gian thực để đánh giá. Cách làm như vậy đổ dồn trách nhiệm lên "người phát ngôn" mà không nghĩ rằng phát ngôn là tổng thể rất nhiều yếu tố (văn bản, hình ảnh, video, chính sách ban hành...), chưa đầu tư nguồn lực tương xứng (nhân lực, phương tiện...).
Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, đối với truyền thông chính sách, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan toả thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ không ảnh hưởng, mâu thuẫn với cơ chế tự chủ của cơ quan báo chí.Bên cạnh đó, cơ quan cũng cần thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về mình: họp báo thường xuyên hơn, cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn thay cho trả lời phỏng vấn. Cơ quan Nhà nước cũng cần đầu tư cho những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan toả, dẫn dắt xu hướng thông tin về ngành, địa phương.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban, Bộ, Hội Trung ương để quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí, xử lý nghiêm vi phạm theo Kế hoạch 156 của Ban; cân nhắc, không cung cấp thông tin cho các phóng báo chí tác nghiệp không đúng tôn chỉ mục đích trong giấy phép của cơ quan báo chí đó; tránh việc tiếp xúc cùng một lúc nhiều cơ quan báo chí khi hẹn lịch làm việc (khi hẹn thì 1 cơ quan báo chí hẹn nhưng khi đến thì nhiều cơ quan), trừ hội nghị, họp báo.
Cơ quan Nhà nước cũng nên hạn chế mời phóng viên theo dõi các hội nghị bàn công việc từ đầu đến cuối vì không kiểm soát được khai thác thông tin và thông điệp cần truyền đạt; cân nhắc giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối "sàng lọc" các nhu cầu cung cấp thông tin của báo chí, gợi ý cách cung cấp thông tin phù hợp, đảm bảo quyền tác nghiệp của báo chí theo quy định.
Chia sẻ về phát triển kinh tế số - xã hội số trong thời kỳ mới, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - cho rằng, việc giám sát, đo lường kinh tế số trên thế giới hiện vẫn chưa thống nhất. Trong khi đó, chuyển đổi số doanh nghiệp SME lại "trăm hoa đua nở", thiếu sự liên kết, phối hợp. Hiện tại, nguồn lực cũng như mô hình thành công phát triển kinh tế số và xã hội số vẫn còn thiếu.
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - trình bày về hia sẻ về phát triển kinh tế số - xã hội số trong thời kỳ mới
Đối với vấn đề an toàn thông tin trong tình hình mới, ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn thông tin - nhấn mạnh, không gian mạng là không biên giới, do đó, các cuộc tấn công mạng có thể đến từ bất kỳ đâu và bất kỳ ai. Chính vì vậy, chúng ta phải cùng chung tay xây dựng và giữ vững niềm tin số với mô hình "kiềng 3 chân" gồm: các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên môn về an toàn thông tin; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin; các cơ quan báo chí, truyền thông cả nước.
Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn thông tin - chia sẻ về vấn đề an toàn thông tin trong tình hình mới
Tại hội nghị, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã chia sẻ về cách nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử trình bày về cách nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Cục Viễn thông và đại diện các nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đã giới thiệu về quy trình phát triển và minh họa trực tiếp về cách chuẩn hóa thông tin thuê bao di động có sử dụng video call.
Đại diện các nhà mạng giới thiệu về quy trình phát triển và chuẩn hóa thông tin thuê bao di động sử dụng video call
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin - nhấn mạnh, với trách nhiệm là đơn vị đầu mối giúp lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các hoạt động truyền thông về Bộ, về Ngành, tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông, bám sát các nội dung chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông về các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông:
- Bảo đảm cung cấp nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng quy định những thông tin, tài liệu chính thống để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác truyền thông trên các kênh truyền thông nội bộ, như: Cổng, trang thông tin điện tử của Bộ, của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, của Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí của ngành…
- Phối hợp tốt với Trung tâm Thông tin thực hiện tốt quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt công tác phối hợp tổ chức Họp báo thường kỳ theo Quyết định số 533/QĐ-BTTTT ngày 04/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, toàn diện để các cơ quan thông tấn, báo chí khai thác, truyền thông, tạo sự lan tỏa thông tin về Bộ, về ngành.
- Khi phát hiện có thông tin không chính xác trên báo chí về hoạt động của Bộ, của ngành hoặc lĩnh vực được phân công quản lý, cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin để thực hiện việc trao đổi, phản hồi, đồng thời cung cấp thông tin chính thống để báo chí để điều chỉnh.
Đối với những thông tin sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, cần chuẩn bị nội dung phản bác để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, trang thông tin điện tử của đơn vị và trên báo chí; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Đối với Cổng thông tin điện tử của Bộ, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông:
- Bảo đảm cập nhật, phản ánh kịp thời, chính xác, toàn diện về các hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông.
- Chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị để khai thác, tiếp nhận, chuyển tải thông tin chính thống về hoạt động của Bộ, của Ngành.
- Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, tạo sự hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của độc giả, công chúng.
- Chủ động phối hợp cung cấp thông tin, nguồn tin chính thống cho các phương tiện báo chí, truyền thông khai thác, sử dụng đăng tải, tạo sự lan tỏa thông tin tích cực về hoạt động của Bộ, của ngành.
- Quan tâm chỉ đạo thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Đối với cán bộ, viên chức, người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thông tin, truyền thông:
- Tuân thủ nghiêm túc quy định về kỷ luật thông tin, về quy trình khai thác, tiếp nhận, biên tập, cập nhật đăng tải thông tin trên Cổng, trang thông tin điện tử.
- Chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thông tin, truyền thông.
- Chấp hành nghiêm túc quy định về phát ngôn trên mạng xã hội.
Đối với các nhà báo, phóng viên chuyên trách của cơ quan báo chí:
- Chủ động phối hợp với Trung tâm Thông tin để tiếp nhận thông tin chính thống về các hoạt động của Bộ, của Ngành để hạn chế các sai sót khi truyền thông về các lĩnh vực quản lý nhà nước.
- Đối với những vấn đề cơ quan báo chí và dư luận quan tâm, đề nghị nhà báo, phóng viên chuyên trách theo dõi hoạt động của Bộ, của ngành gửi câu hỏi qua đầu mối Trung tâm Thông tin để chuyển tới các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, trả lời trực tiếp cho báo chí.
- Thực hiện Quyết định số 533/QĐ-BTTTT ngày 04/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn giúp lãnh đạo Bộ tổ chức họp báo thường kỳ vào tuần đầu các tháng, đề nghị các nhà báo, phóng viên tham dự thường xuyên để tiếp nhận thông tin chính thống, đồng thời trực tiếp trao đổi, đối thoại với lãnh đạo các đơn vị liên quan về những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm để thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Theo: vtv.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-truyen-thong-trong-tinh-hinh-moi-14336.html