08:43 | 25/11/2023

Bắt buộc xe máy phải có giám sát hành trình: Liệu có khả thi?

Một số đại biểu Quốc hội lo ngại về tính khả thi của quy định xe máy phải có thiết bị giám sát hành trình bởi số lượng xe máy quá lớn, đời sống người dân còn khó khăn.

Thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chiều 24/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về quy định ở Điểm C Khoản 1 Điều 33 về điều kiện tham gia giao thông.

Theo đó, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định về thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết để giám sát các vi phạm.

Bắt buộc xe máy phải có giám sát hành trình: Liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Theo đại biểu, quy định này nhằm giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành vi vi phạm của hành khách và các vi phạm về giao thông vận tải, phục vụ công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc đình chỉ ngay các hành vi nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông phục vụ kiểm soát, đánh giá việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và lái xe. Tuy nhiên, theo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đối tượng áp dụng còn khá rộng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) cũng cho rằng, quy định này khó bảo đảm tính khả thi bởi tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu như dự thảo Luật được Quốc hội thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, tại nhiều quốc gia trên thế giới, người dân không lắp đặt camera hành trình để chứng minh sự trong sạch mà thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh chủ phương tiện có vi phạm giao thông thì mới được xử phạt.

"Chưa có nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình" – bà Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh.

Bắt buộc xe máy phải có giám sát hành trình: Liệu có khả thi? - Ảnh 2.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước)

Đại biểu cũng cho rằng,, việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình có thể vi phạm quyền riêng tư của công dân, liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng của thiết bị, can thiệp vào bên trong xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Quy định bắt buộc khó khả thi bởi số lượng xe máy là quá lớn trong khi thu nhập người dân còn thấp, đời sống người dân còn khó khăn.

"Với người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, việc mua xe máy để đi còn khó khăn thì giờ lại cõng thêm chi phí để lắp camera hành trình thì cũng cần xem xét lại" – đại biểu chia sẻ và cho biết quy định này chưa phù hợp với thực tế. Đại biểu Sang cho rằng chỉ nên quy định việc này với phương tiện vận tải và quy định cụ thể hơn về trung tâm tích hợp, trung tâm xử lý để quản lý và sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, nên khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình và có thí điểm, lộ trình phù hợp.

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng quy định về việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình liệu có vi phạm bí mật cá nhân hay không, có tính khả thi trong thực tế hay không, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo: vtv.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/bat-buoc-xe-may-phai-co-giam-sat-hanh-trinh-lieu-co-kha-thi-14331.html

In bài viết