08:27 | 22/11/2023
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 22/11, Quốc hội nghe Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chưa khắc phục được triệt để tình trạng chậm xem xét, giải quyết đơn thư
Trước đó, tại phiên họp thứ 27, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023 tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm 2022. Theo đó, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 37,5% so với năm 2022 với tổng số người được tiếp tăng 41,8% và hơn 294.000 vụ việc (tăng 33,2%). Tòa án nhân các cấp đã tiếp 285 lượt người (314 người) về 253 vụ việc.
Toàn cảnh phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Về kết quả giải quyết tố cáo, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là 7.592 vụ việc, giảm 7,6%; đã giải quyết 6.547 vụ việc, đạt 86,2%. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận 313 đơn tố cáo, trong đó, thuộc thẩm quyền 312 vụ việc, đủ điều kiện thụ lý 110 đơn của 109 vụ việc; đã giải quyết 100 đơn.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, báo cáo cũng đã cơ bản bám sát Đề cương và các yêu cầu của UBTVQH, phản ánh rõ tình hình, với nhiều số liệu cụ thể; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Thường trực Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn KNTC, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này; Đề nghị các cơ quan báo cáo rõ thêm lý do dẫn đến hầu hết đơn KNTC không đủ điều kiện xử lý.
Thường trực UBPL nhận thấy, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư của công dân do các cơ quan Quốc hội chuyển đến là vấn đề tồn tại đã được UBPL và các cơ quan khác của Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm qua, mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm giải quyết KNTC và thông báo kịp thời kết quả giải quyết theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện những kiến nghị đã được nêu trong Thông báo kết luận của UBTVQH tại các phiên họp cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội hàng tháng.
Theo: vtv.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/ngay-2211-quoc-hoi-thao-luan-ve-cong-tac-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-14313.html