08:43 | 21/11/2023
Ông Nguyễn Ngọc Thuần - xã Nhân Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang - cho biết trước kia bón phân theo tập quán có thể dư phân khiến lúa phát triển không đồng đều, sâu bệnh nhiều. Từ khi tham gia mô hình liên kết được cán bộ kỹ thuật tư vấn nên ông bón phân vừa đủ, sâu bệnh cũng hạn chế.
"Trước kia khi chưa tham gia mô hình, trên diện tích 1.000m2, bón 50 - 55 kg phân. Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ kỹ thuật tư vấn, bón 44 kg/công. Hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật, bớt công lao động", ông Thuần cho hay.
Trong hơn 220 ha lúa liên kết thí điểm tại An Giang và Đồng Tháp, bà con nông dân còn được cung ứng vật tư đầu vào; tập huấn kỹ thuật canh tác, ghi nhật ký đồng ruộng và mã số ruộng; thay đổi thói quen sản xuất cũ.
Ông Huỳnh Trần Anh Quang - Phó Ban Marketing, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau cho biết: "Chú trọng đưa ra các bộ giải pháp giúp bà con bón đúng loại, đúng cách, đúng lượng. Ngoài ra, mô hình này giúp bà con giảm chi phí đầu vào cũng như tăng năng suất".
Các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tương tự sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới. Đồng hành cùng bà con trong chương trình "Mùa vàng thắng lớn", đã bắt đầu được triển khai, kéo dài đến hết tháng 2/2024, với tổng giá trị chương trình 21 tỷ đồng.
"Trước tình hình vật tư phân bón tăng cao, mô hình này rất có ý nghĩa với nông dân và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đạt theo tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra dư lượng trong sản phẩm cho phép để phục vụ nhu cầu của thị trường xuất khẩu", bà Huỳnh Đào Nguyên - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết.
Bà con nông dân tham gia chuỗi liên kết sẽ được doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Qua đối chứng của bà con, mô hình liên kết sản xuất lúa này ngoài cho năng suất bình quân cao hơn, thì lợi nhuận thu được cũng cao hơn khoảng 8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa truyền thống.
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/lien-ket-san-xuat-lua-chat-luong-cao-gan-voi-tieu-thu-14312.html