09:52 | 17/09/2023

GS Hồ Ngọc Đại mất 2 năm chỉ để nghiên cứu dạy học sinh phép nhân

VTV.vn- Ngày 16/9, GS Hồ Ngọc Đại đã tổ chức buổi ra mắt sách "Giáo dục hiện đại" nhân dịp kỷ niệm 45 năm hành trình nghiên cứu, thực nghiệm, phát triển...
GS Hồ Ngọc Đại mất 2 năm chỉ để nghiên cứu dạy học sinh phép nhân

"Trong quá trình nghiên cứu tiến sỹ ở Liên Xô, giáo sư của tôi yêu cầu nghiên cứu dạy phương pháp dạy phép nhân cho học sinh tiểu học. Tôi đã phải tìm hiểu nhiều tài liệu, gặp giáo sư toán học đầu ngành thế giới lúc bấy giờ, và ngạc nhiên tự hỏi: chỉ dạy phép nhân cho học sinh tiểu học thôi mà phải phức tạp như vậy? Và tôi đã phải mất 2 năm nghiên cứu, thực nghiệm cho đề tài này," giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ tại buổi ra mắt sách Giáo dục hiện đại – cuốn sách mới nhất của ông diễn ra vào ngày 16/9.

Cũng theo giáo sư Hồ Ngọc Đại, chính quá trình học tập, nghiên cứu tại Liên Xô đã giúp ông hiểu thực sự thế nào là làm nghiên cứu khoa học khi mọi công đoạn trong giáo dục, dù là nhỏ nhất, đều được nghiên cứu một cách tỷ mỷ, kỹ càng.

Điều đó đã trở thành quan điểm, tư tưởng nhất quán của giáo sư Hồ Ngọc Đại khi luôn khẳng định: năng lực sư phạm của người thầy không phải chỉ phát triển theo kinh nghiệm, khiến cho phải có thầy tốt trò mới học tốt, mà phải công nghệ hóa giáo dục, người thầy dạy theo phương pháp sư phạm khoa học và vì thế, với người thầy nào cũng có thể dạy ra trò tốt.

Có thể nói, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã dành cả cuộc đời mình chỉ để làm duy nhất một việc: nghiên cứu công nghệ giáo dục, trong đó đặc biệt là công nghệ giáo dục dạy cho học sinh lớp 1, nhất là môn Tiếng Việt, cho dù ông đã từng dạy cả toán học, triết học, từng là giáo viên tiểu học đến giảng viên đại học. Và trong suốt cuộc đời mình, đến nay đã gần 90 tuổi, ông và công nghệ giáo dục của ông vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi, người ủng hộ nhiều, người phản đối cũng không ít.

Sự kiện ra mắt sách "Giáo dục hiện đại" cũng là cách giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh dấu hành trình 45 năm nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển công nghệ giáo dục của ông, bắt đầu từ khi Trường Thực nghiệm tại phố Liễu Giai (Hà Nội) tuyển sinh lứa đầu tiên cho năm học 1978-1979 với duy nhất một khối: lớp Một.

GS Hồ Ngọc Đại mất 2 năm chỉ để nghiên cứu dạy học sinh phép nhân - Ảnh 1.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại giao lưu với độc giả.

'Giáo dục hiện đại', theo giáo sư Hồ Ngọc Đại, chính là phương thức thiết kế và thi công, thay vì giảng giải – ghi nhớ theo phương thức truyền thống, với mục tiêu để cho mỗi em trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới tận nguyên lí triết học của nghiệp vụ sư phạm. "Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu Thầy không giảng? Từ "giảng" sang "không giảng" thì mới là đổi mới căn bản và toàn diện".

Là một cuốn sách về giáo dục nhưng được diễn giải dưới góc nhìn triết học, Giáo dục hiện đại là mảnh ghép còn lại cho toàn bộ những gì mà giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nói và làm trong 45 năm qua.

Nhiều năm qua, rất nhiều người vẫn chưa có câu trả lời cho các câu hỏi: Tại sao lại là Công nghệ giáo dục? Tại sao giáo sư Hồ Ngọc Đại kiên quyết cho rằng Công nghệ giáo dục chính là lời giải cho đổi mới toàn diện, tận gốc rễ giáo dục hiện đại? Tại sao một người có thể kiên trì theo đuổi một việc trong suốt 45 năm ròng với bao nhiêu thử thách?

Câu trả lời có thể phần nào được tìm thấy trong cuốn sách Giáo dục hiện đại. Với lối viết khúc chiết, gãy gọn, nhưng lại rất "thơ", lại có "nhạc" trong từng câu chữ; cuốn sách có thể mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho những ai luôn đau đáu nghĩ về giáo dục.

Theo: vtv.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/gs-ho-ngoc-dai-mat-2-nam-chi-de-nghien-cuu-day-hoc-sinh-phep-nhan-13945.html

In bài viết