08:16 | 27/05/2023
Trong khuôn khổ giới thiệu Triển lãm “Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) 2023: Số hoá và bền vững trong sản xuất tiên tiến” diễn ra tại Hà Nội mới đây, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Darren Seah – Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương về môi trường đầu tư Việt Nam cũng như những cơ hội của doanh nghiệp trong ngành điện tử trong nước khi đang có rất nhiều tập đoàn điện tử toàn cầu chọn Việt Nam là “điểm dừng chân”.
| |
Ông Darren Seah – Giám đốc phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương |
Thời gian vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp điện tử lớn toàn cầu như Samsung, LG, Intel đã đầu tư tại Việt Nam, thậm chí coi Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất toàn cầu của họ. Điều này sẽ mở ra cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp điện tử trong nước, thưa ông?
Với vị trí địa chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền, Việt Nam được đánh giá là lựa chọn rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài, trên thực tế, thời gian qua Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn, trong đó có các tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử.
Đặc biệt, với sự xuất hiện của rất nhiều doanh nghiệp điện tử lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel… đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp ngành điện tử tại Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn toàn có thể đặt mình vào vị trí của một trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử của khu vực Đông Nam Á, thậm chí châu Á.
Tuy nhiên, để có thể đảm nhận được vị trí này, biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện tử của khu vực, với doanh nghiệp điện tử Việt Nam phải đảm bảo được 2 yếu tố: Thứ nhất, đó là kiểm soát tốt về mặt chất lượng sản phẩm và thứ 2 là tăng cường, kết nối hỗ trợ với các đối tác, ví dụ như Malaysia, Thái Lan để đảm bảo được hoạt động xuất khẩu sản phẩm điện tử.
Nếu chúng ta đáp ứng được 2 yếu tố này thì Việt Nam hoàn toàn có thể biến mình thành trung tâm sản xuất điện tử khu vực Đông Nam Á, thậm chí châu Á.
Dù đứng trước cơ hội rất lớn, nhưng thách thức công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sản xuất xanh trên thế giới đang được dự báo sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp điện tử của Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi thì chuyển đổi sản xuất xanh hiện là xu thế tất yếu của tất cả các doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có cả doanh nghiệp điện tử của Việt Nam. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Tuy nhiên, để thành công trong hành trình này, thì mục tiêu chính mà các doanh nghiệp cần xác định đó là giảm phát thải khí nhà kính bằng 0, và muốn làm được điều đó thì họ cần tập trung vào vấn đề gì, những phân khúc nào để bảo đảm sản xuất xanh, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đây là một bài toán không đơn giản.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của Cách mạng 4.0 |
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất xanh, tại Triển lãm “Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) 2023 diễn ra tại Singapore vào tháng 10 tới đây cũng có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào quá trình này. Cùng với đó, Triển lãm cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều tập đoàn điện tử lớn trên toàn thế giới, họ sẽ mang đến những giải pháp toàn điện cho vấn đề sản xuất xanh, và đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp ngành điện tử nói chung và doanh nghiệp điện tử Việt Nam mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sản xuất xanh.
Liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam vẫn “lỏng lẻo” và làm giảm hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay. Để khắc phục tồn tại này, theo ông Việt Nam cần có giải pháp như thế nào?
Theo tôi, để cải thiện liên kết giữa hai khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam trước mắt cần có một hướng đi mang tính chất trung gian. Tức là, nếu doanh nghiệp Việt Nam không thể kết nối được trực tiếp thì có thể sử dụng các đơn vị kết nối trung gian, ví dụ như Singapore – đây là quốc gia sản xuất nhiều về điện tử và họ lại có quan hệ rất tốt với các công ty đa quốc gia trên toàn cầu, doanh nghiệp Việt có thể chọn Singapore làm “cầu nối”, từ đó tiếp cận và hợp tác với các công ty đa quốc gia để giải quyết vấn đề về kết nối. Đây cũng là một gợi ý mà doanh nghiệp cần tham khảo.
Điểm yếu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực, vậy để giải quyết vấn đề này Việt Nam cần làm gì, thưa ông?.
Chất lượng nguồn nhân lực đúng là yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ 4.0, để sử dụng được những thành quả công nghệ 4.0, đòi hỏi kỹ năng của lực lượng lao động phải cao hơn rất nhiều. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất với Việt Nam phải tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực.
Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực với các đối tác có nhiều kinh nghiệm như: Singapore, Malaysia, Đức… để đào tạo các kỹ sư, công nhân công nghệ cao. Và đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất cũng cần phải xác định, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không phải là vấn đề của Chính phủ và cơ quan chức năng mà các doanh nghiệp này cũng cần phải tham gia vào, có như vậy mới tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ kỹ năng, kiến thức để sử dụng những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hoà (thực hiện)
Theo congthuong.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/viet-nam-co-the-dat-minh-vao-vi-tri-trung-tam-san-xuat-dien-tu-cua-khu-vuc-chau-a-13325.html