09:25 | 25/05/2023
Nhiều địa phương chỉ đạo tiết kiệm điện
Tiết kiệm điện được coi là nguồn điện đầu tiên. Trong mùa cao điểm như hiện nay, chúng ta càng thấy rõ vai trò của việc tiết kiệm điện. Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023. Còn các địa phương cũng đã có những hành động cụ thể để tiết kiệm điện.
TP Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện như áp dụng đèn LED, giảm bớt giờ chiếu sáng không cần tiết tại đường phố, các tòa nhà trụ sở, hệ thống chiếu sáng quảng cáo. Sản lượng tiết kiệm được trung bình những ngày qua là gần 4 triệu kWh.
Đối với các hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu tắt hoặc giảm 50% công suất chiếu sáng trước 22h đêm; còn sau 22h thì tắt toàn bộ. Việc này được thực hiện khá nghiêm túc ở khu vực trung tâm thành phố.
Nhiều nơi tắt hoặc giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí
Còn với TP Đà Nẵng, địa phương này đã đề ra mục tiêu tiết kiệm 10% tổng điện năng tiêu thụ trong quý II và quý III-2023 so với mức sử dụng điện bình thường. Trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 5% so với cùng kỳ. Hoạt động chiếu sáng, quảng cáo ngoài trời, đèn tín hiệu giao thông…phải đảm bảo tiết kiệm tối thiểu 30%; tắt 100% chiếu sáng trang trí và chiếu sáng quảng cáo từ 20 giờ hàng ngày.
Đến ngày 21/5, đã có 27 địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn. EVN cũng đã phối hợp với gần 11.000 khách hàng để ký thỏa thuận tham gia chương trình giảm công suất sử dụng điện vào các giờ cao điểm, qua đó tiết giảm được hơn 400MW. Tiết kiệm điện vẫn cần những giải pháp lâu dài.
Người tiêu dùng còn sử dụng điện lãng phí, chưa hiệu quả
Một trong hai đối tượng tiêu thụ điện nhiều nhất trên cả nước là điện cho tiêu dùng. Khi mùa cao điểm bắt đầu, hóa đơn tiền điện gia tăng, cũng là lúc người tiêu dùng làm giảm sức nóng hóa đơn bằng nhiều giải pháp linh hoạt.
Lượng điện tiêu thụ trong mùa nắng nóng thường sẽ tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi bình thường. Như tại một công ty hoạt động trong tòa nhà 5 tầng với khoảng 40 nhân viên, tiền điện trung bình tháng khoảng 100-120 triệu nhưng 1-2 tháng trở lại đây chi phí tăng lên trên 150 triệu. Vì vậy mà mọi phòng ban, bộ phận và từng cá nhân đều phải đẩy mạnh những biện pháp giảm tiêu thụ điện đến mức tối thiểu.
Doanh nghiệp đẩy mạnh những biện pháp giảm tiêu thụ điện đến mức tối thiểu
Tổng tiêu thụ điện năng lớn nhất là khách hàng sản xuất công nghiệp là 55%. Nhóm khách hàng sinh hoạt là 35% tổng nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc. Ở những nhóm tiêu thụ cơ bản này dư địa còn để có thể tiết kiệm nữa vẫn còn rất lớn lên đến 30% thậm chí là 50%. Điều này đồng nghĩa là chúng ta còn sử dụng điện chưa thực sự hiệu quả, còn lãng phí.
Việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng là chủ trương của rất nhiều quốc gia. Nếu như Châu Âu vừa phải siết chặt các chính sách tiết kiệm điện và năng lượng để đi qua mùa đông giá rét thì cả châu Á lại đang áp dụng các biện pháp mới để đối mặt với nắng nóng của mùa hè.
Nhật Bản kêu gọi người dân văn phòng công sở mặc áo sơ mi thay vì có cả áo vest vào mùa hè để giảm lượng điện chạy hệ thống điều hòa. Mới đây chính quyền Seoul, Hàn Quốc cũng lên mục tiêu mỗi gia đình tiết kiệm được 1kwh (1 số điện) 1 ngày bằng các cách sử dụng điều hòa trên 26 độ, rút phích cắm điện. Các công sở cũng khuyến khích không đeo cà vạt, thậm chí mặc quần short để đi học và đi làm.
Tiết kiệm điện là chiến lược dài hạn của mọi quốc gia không chỉ riêng với Việt Nam. Mỗi năm chúng ta chỉ cần tiết kiệm được 1% lượng điện tiêu thụ thôi thì có thể tiết kiệm được 1,5, thậm chí là 2,5 tỷ kwh điện tương ứng với có thể tiết kiệm được là cũng từ 5 đến 7 nghìn tỷ đồng.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là TS. Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Đại học Điện lực, Chuyên gia nghiên cứu về tiết kiệm điện tại Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/cao-diem-nang-nong-nganh-dien-keu-goi-toan-dan-tiet-kiem-dien-13316.html