09:20 | 25/05/2023
Liên tiếp các vụ việc đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, bỏng, ngộ độc thực phẩm gần đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. Một thống kê đáng lưu ý từ Bộ Y tế cho thấy, mỗi ngày ở nước ta có 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. 90% là thương tích không chủ ý, rất cần sự để ý, bảo vệ từ người lớn.
Những thông tin phòng tránh tai nạn thương tích sau đây có thể là một gợi ý để các bạn chuẩn bị cho con em mình một mùa hè vui khỏe, an toàn.
Do các con có nhu cầu hoạt động thể chất rất lớn, để hạn chế các con bị ngã, người lớn cần giáo dục kỹ cho trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, chơi đùa, leo trèo trên cây, cột điện, mái nhà.
Khi ở nhà, không nên để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi trẻ không thể với tới. Hãy lắp đặt các chấn song cửa sổ, cửa chắn cầu thang, ban công, luôn giữ sàn nhà, nhà tắm khô ráo.
Dù bận công việc gì, các bạn cũng không nên để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Hãy để chúng trong tầm mắt tối đa có thể.
Với tai nạn bỏng, điện giật, vật sắc nhọn gây ra, người lớn cần bố trí bếp nấu ăn hợp lý, có vách ngăn trẻ em, để xa các nguồn nhiệt, nguồn điện khỏi tầm với của trẻ, dạy trẻ cách nhận biết sự nguy hiểm của điện, lửa, các đồ dùng như dao, kim khâu.
Với tai nạn giao thông, đây là những sự cố xảy ra bất ngờ, nên trẻ cần được giáo dục về quy tắc ra đường, sang đường an toàn. Trẻ cần được trang bị ý thức sử dụng mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, ghế ngồi chuyên dụng, không hiếu động, thò tay, chân ra ngoài khi đi tàu, xe.
Một trong những sự cố phổ biến thời gian qua với trẻ em là bị động vật cắn, đặc biệt là ong, rắn, chó. Trẻ nhỏ cần được người lớn hướng dẫn loại động vật nào nguy hiểm, để không lại gần hay chọc ghẹo.
Ngoài ra, không thể thiếu loại hình tai nạn phổ biến nhất và tước đi mạng sống trẻ em nhiều nhất là đuối nước. Phụ huynh không cho trẻ tự ý đi bơi một mình hoặc tự phát ra ao hồ, sông suối cùng nhóm bạn mà không có người lớn giám sát.
Ở các bữa tiệc hay hoạt động trải nghiệm ngoài trời gần nguồn nước, cần luôn cắt cử người lớn trông chừng, với sự tập trung 100%. Không ít trường hợp chỉ một vài khoảnh khắc mải nhìn điện thoại, hay mải nói chuyện, không chú ý đến con đã phải hối hận cả đời.
Người lớn nên cho trẻ được học bơi bài bản, các kỹ năng làm nóng người, đảm bảo sức khỏe trước khi xuống nước. Trẻ cần được giáo dục không đến những chỗ nước sâu, địa hình tiềm ẩn sụt lún, xoáy nước. Khi đi tàu, thuyền cần mắc áo phao theo đúng quy định.
Các bạn hãy chắc chắn trong và xung quanh nhà, những nơi chứa nước như giếng, bể, chum vại, chậu, thùng phải có nắp đậy an toàn và chắc chắn.
Trẻ em thường rất tò mò và như một tờ giấy trắng trước những sự vật, hiện tượng bình thường trong cuộc sống. Chúng cần được trang bị kiến thức để phòng tránh những hành động vô thức nhưng chứa nhiều hiểm nguy.
Hơn ai hết, sự đồng hành, hướng dẫn và giám sát của phụ huynh là điều kiện đảm bảo một mùa hè an toàn với trẻ nhỏ. Hãy luôn giữ trẻ trong tầm mắt của chúng ta./.
Theo: Chu Đức/VOV-Giao thông
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/giu-tre-con-trong-tam-mat-13314.html