Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã tham dự tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức, đóng góp những ý kiến khách quan và giải pháp để Việt Nam thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.
Hãy trở thành điểm đến xanh
Ông Erwin R. Popov - Giám đốc điều hành khách sạn Hà Nội Daewoo cho rằng Việt Nam đã có sẵn rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, kỳ vĩ, nhiều giá trị văn hóa lịch sử vô cùng ấn tượng. Điều quan trọng là phải duy trì và phát huy những tài nguyên này, đồng thời tăng cường hoạt động quảng bá du lịch quốc gia, kích cầu đúng đối tượng để thu hút nhiều hơn nữa khách nước ngoài đến Việt Nam.
"Tôi nghĩ Việt Nam có thế mạnh rất lớn, đó là khi nghĩ đến Việt Nam, du khách nghĩ đến một quốc gia bình yên, an toàn, thân thiện. Việt Nam cũng cần hướng tới trở thành điểm đến xanh và sạch. Tôi tin rằng điều này sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam so với các nước trong khu vực" - ông Erwin R. Popov phát biểu tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”.
Tương tự, ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group khẳng định, nếu du lịch Việt Nam muốn đón khách có tiền, đi dài, ở lâu, như khách châu Âu, Australia, Mỹ vốn ưa chuộng thiên nhiên và du lịch trải nghiệm thì phải bảo vệ thiên nhiên, điểm đến luôn xanh, sạch, đẹp và văn minh.
"Muốn đón khách nước ngoài, phải xóa bỏ tâm lý về 7 nỗi sợ khi đến Việt Nam mà du khách quốc tế vẫn truyền tai nhau gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Cần quản lý tốt các điểm đến bền vững, xanh - sạch - đẹp, không có rác và nước thải bẩn" – ông Phạm Hà chia sẻ với phóng viên VOV.VN.
Cải thiện chính sách thị thực
Theo chuyên gia du lịch Martin Koerner (Trưởng tiểu ban Du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam), một trong những rào cản đối với khách du lịch nước ngoài khi đến thăm Việt Nam là chính sách thị thực phức tạp và còn nhiều hạn chế. Hiện tại, chỉ có 24 quốc gia được miễn thị thực tối đa 15 ngày, trong khi các quốc gia còn lại phải xin thị thực điện tử hoặc thị thực tại cửa khẩu. Thời hạn miễn thị thực hiện tại còn quá ít đối với những du khách muốn khám phá đa dạng văn hoá Việt Nam, trong khi quy trình cấp thị thực điện tử và thị thực khi đến lại tốn thời gian và còn nhiều bất tiện.
"Để đơn giản hoá và hấp dẫn du khách hơn, Việt Nam nên kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, tăng danh sách các nước được miễn thị thực cho cả châu Âu, Australia, New Zealand, Mỹ và Canada, cũng như tăng số lượng các nước được cấp thị thực điện tử và cung cấp thị thực dài hạn từ 3 - 6 tháng cho những du khách có nhu cầu khám phá đa dạng, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào du khách lớn tuổi với mức chi tiêu cao. Những biện pháp này sẽ khuyến khích nhiều khách du lịch chọn Việt Nam làm điểm đến và tăng mức chi tiêu, cũng như mức độ hài lòng từ du khách" – ông Martin Koerner đề xuất.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Cũng theo ông Martin Koerner, một thách thức khác đối với khách du lịch là thời gian chờ đợi lâu tại các điểm kiểm tra xuất nhập cảnh ở các sân bay quốc tế, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Điều này có thể sinh ra sự khó chịu và bất tiện, nhất là với các gia đình có trẻ em hoặc doanh nhân có lịch trình dày đặc. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam nên bổ sung các làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách này, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét.
Ông Phạm Hà đề xuất, để du khách thấy vui và hài lòng, du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều trải nghiệm mới: "Khu mua sắm, đồ lưu niệm phải đẹp, có nhiều không gian cho khách tham quan, khu vui chơi giải trí được mở muộn, thí điểm một số casino có kiểm soát tốt. Nhiều người đến Việt Nam cảm thấy có tiền nhưng không có gì để chi tiêu, thậm chí, có những chuyến đi nhàm chán tới nỗi chỉ đơn giản đi từ phòng ngủ ra thẳng máy bay. Phải phục vụ tốt du khách đã đến, họ sẽ hết các nỗi sợ như hiện tại. Khách hài lòng, họ sẽ trở lại và giới thiệu nhiều du khách đến Việt Nam".
Tuy nhiên để nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam rất cần được bổ sung cả về lượng và về chất. Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng với tốc độ tăng trưởng khách trong nước và quốc tế, mỗi năm Việt Nam cần từ 12.000 – 15.000 lao động du lịch có trình độ, trong khi lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hàng năm chỉ khoảng 4.000 người, tức là khoảng 1/3 nhu cầu của ngành.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro phát biểu tại tọa đàm: "Làm thế nào nếu chúng ta thiếu gần 10.000 lao động du lịch đủ trình độ mỗi năm? Như thế có nghĩa, nhiều nơi người lao động không được đào tạo về du lịch mà là các ngành khác chuyển sang. Trước mắt phải tuyển dụng lao động có trình độ từ nước ngoài, hoặc triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân lực du lịch và khách sạn hiện có. Về dài hạn, bây giờ phải đầu tư ngay cho đào tạo du lịch, vì sự đầu tư này sẽ không có tác dụng ngay lập tức mà cần từ 10 đến 15 năm"./.
Theo: Hải Nam/VOV.VN