08:13 | 21/03/2023
Chuyển tải hàng hóa cho tàu vận tải trên biển ở khu vực Hòn Nét-Con Ong, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. |
Những năm qua, tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cùng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực phía bắc về phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Nhận diện điểm nghẽn
Logistics là loại hình dịch vụ có vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và được xem là tâm điểm của sự phát triển kinh tế, thương mại của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên hoạt động logistics vẫn chưa thật sự phát triển tương xứng với những tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Ðánh giá về tiềm năng phát triển logistics tại Quảng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho rằng: Ðể phát triển logistics, Quảng Ninh cần có kế hoạch triển khai tổng thể với những nhiệm vụ cụ thể, đánh giá những mặt làm được và hạn chế. Về hạ tầng, Quảng Ninh đã có sự đầu tư mạnh mẽ về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới.
Quảng Ninh cần có kế hoạch triển khai tổng thể với những nhiệm vụ cụ thể, đánh giá những mặt làm được và hạn chế. Về hạ tầng, Quảng Ninh đã có sự đầu tư mạnh mẽ về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới.
Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải
Mặc dù có rất nhiều lợi thế, nhưng hiện nay hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, dẫn đến yếu tố cạnh tranh còn yếu. Ðiều này đã khiến hầu hết các cảng đang dư thừa năng lực, lượng hàng hóa thông qua các cảng còn ở mức thấp. Ðơn cử như cảng biển khu vực Hòn Gai, mặc dù có đầy đủ các yếu tố trở thành khu vực cảng biển tổng hợp then chốt của Việt Nam và quốc tế, tuy nhiên, các hãng tàu nước ngoài đến cảng cũng như các chủ hàng còn đắn đo khi lựa chọn giữa cảng biển khu vực Hòn Gai với cảng biển Hải Phòng.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất tại các bến cảng khu vực Hòn Gai là kết nối giao thông sau cảng. Khoảng cách từ Hòn Gai đi các tỉnh phía bắc dài hơn so với việc xuất phát từ Hải Phòng đã dẫn đến việc tăng phí vận tải nội địa cho các hãng tàu, chủ hàng. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ hàng hải tại khu vực Hòn Gai mới chỉ dừng lại ở việc làm đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt hỗ trợ, cung ứng một số loại hình dịch vụ đơn giản. Các dịch vụ đòi hỏi trình độ cao như: sửa chữa, bảo dưỡng máy móc tàu, lặn ngầm khảo sát thân vỏ tàu… còn phải huy động các cơ sở dịch vụ từ khu vực Hải Phòng thực hiện.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Quảng Ninh Lê Văn Thuyết chia sẻ: Ðể phối hợp logistics cần kèm theo kho, bãi nhưng hiện nay Quảng Ninh mới chỉ quy hoạch khu công nghiệp cảng biển còn để hỗ trợ phụ trợ cho logistics thì gần như chưa có kho bãi ngoại quan. Tại các thành phố hiện cũng không có một bãi container hay kho bãi nào đủ quy mô để chứa hàng ngoại quan bao gồm kho, hạ tầng, xuất nhập hay bảo quản.
Có thể thấy logistics trong phát triển kinh tế biển ở Quảng Ninh còn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường về các loại hình dịch vụ. Chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh của ngành logistics chưa cao, chưa khai thác được tối ưu tiềm năng đang có của Quảng Ninh. Không chỉ vậy, hiện tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định về nguồn nhân lực logistics cũng như cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng số hóa và cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại. Các đơn vị vận tải khó khăn về nguồn vốn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được trong quá trình chuyển đổi số.
Ðến nay, Quảng Ninh cũng chưa xây dựng được trung tâm logistics chuyên biệt phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu kho, bãi, vận tải tại khu vực cảng biển, hay cửa khẩu. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại tỉnh còn quá phụ thuộc vào đường bộ, chưa khai thác tối ưu các tuyến thủy nội địa và hệ thống cảng hiện có; nguồn hàng còn thiếu hụt về "chân hàng" để các hãng tàu vận chuyển. Cùng với đó, hoạt động dịch vụ cảng biển và logistics chưa có những giải pháp trọn gói, thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng, thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics đã tác động đến cả thương mại, sản xuất, đầu tư, trong đó có ngành dịch vụ logistics.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, Hồ Thị Thu Hòa cho rằng: Quảng Ninh cần phải nhìn nhận chuẩn xác và dồn nguồn lực để tận dụng những tiềm năng, lợi thế riêng có nhằm phát triển logistics. Trong đó, có thể dễ dàng nhận thấy thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh trong việc có đầy đủ và đồng bộ các hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng và quốc tế. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics được khảo sát đánh giá Quảng Ninh hoàn toàn có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics cho thương mại điện tử và logistics xuyên biên giới. Nhưng tỉnh cần phát huy hơn nữa thế mạnh của mình trong hợp tác quốc tế, liên kết vùng, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nâng cao sức cạnh tranh
Ðể từng bước khắc phục hạn chế, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực phía bắc, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước tháo gỡ các nút thắt, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển về hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện tỉnh đã đưa đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái vào hoạt động, liên thông với các tuyến cao tốc xuyên tỉnh hình thành trước đó, tạo thành chuỗi cao tốc dài gần 600km từ Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Ðồn-Móng Cái. Từ Hà Nội tới cửa khẩu quốc tế Móng Cái nay chỉ còn chưa đến 3,5 giờ, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển.
Giám đốc Chi nhánh Công ty Bee Logistics Hải Phòng, Vũ Hồ Ninh đánh giá tuyến đường đã giúp các doanh nghiệp logistics giảm đáng kể thời gian và cung đường vận chuyển, tối ưu hóa chi phí. Hiện đơn vị đã mở thêm văn phòng đại diện ở Móng Cái. Thời gian tới, công ty quan tâm nhiều đến các trung tâm logistics trên địa bàn Quảng Ninh có thể tận dụng hiệu quả tuyến đường này, thuyết phục các nhà đầu tư lựa chọn thêm Móng Cái làm điểm trung chuyển ở biên giới cho thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Hiện đơn vị đã mở thêm văn phòng đại diện ở Móng Cái. Thời gian tới, công ty quan tâm nhiều đến các trung tâm logistics trên địa bàn Quảng Ninh có thể tận dụng hiệu quả tuyến đường này, thuyết phục các nhà đầu tư lựa chọn thêm Móng Cái làm điểm trung chuyển ở biên giới cho thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Giám đốc Chi nhánh Công ty Bee Logistics Hải Phòng, Vũ Hồ Ninh
Ðể đáp ứng nhu cầu rất lớn về hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực khi địa phương hình thành các trung tâm logistics với tiêu chuẩn cao hơn, giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ kết cấu hạ tầng với dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn này hơn 45 nghìn tỷ đồng. Trong đó đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng biển như Vạn Ninh, kêu gọi đầu tư vào cảng Con Ong-Hòn Nét, hạ tầng các khu công nghiệp cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Ðầm Nhà Mạc ở thị xã Quảng Yên, cảng biển Hải Hà ở huyện Hải Hà, hệ thống đường bộ liên kết vùng với Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, đặc biệt là thành phố Hải Phòng...
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy nhấn mạnh: Trên cơ sở định hướng phát triển dịch vụ logistics, tỉnh sẽ triển khai xây dựng 7 nhóm giải pháp; trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành hạ tầng giao thông liên kết; chủ động bổ sung và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, dịch vụ logistics nói riêng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Ðồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Cùng với các giải pháp nêu trên, Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, thực hiện hải quan điện tử, thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại cửa khẩu nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu, nhanh chóng tạo sức hút các hãng tàu lớn như MAERSK và SITC chọn Quảng Ninh là điểm đến. Bên cạnh đó, tỉnh tích cực xây dựng chương trình hợp tác giữa các hiệp hội logistics/hiệp hội ngành nghề của các địa phương, thông qua đó thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế khung để thu hút doanh nghiệp logistics lớn đầu tư và hoạt động tại khu vực. Về nhân lực, tiếp tục hợp tác giữa các cơ sở đào tạo về logistics của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, tăng cường đào tạo nghề, đào tạo nghiệp vụ.
Ðến nay, Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với 39 dự án trên địa bàn liên quan đến hạ tầng logistics và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định về danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, với tổng số 86 dự án, trong đó có 6 dự án liên quan cảng biển, dịch vụ logistics, hạ tầng logistics, chiếm 6,97% tổng số dự án.
Quảng Ninh đang đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng hơn 122 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt từ 250 nghìn đến 300 nghìn lượt, dịch vụ cảng biển đóng góp từ 1,2 đến 1,5% GRDP của tỉnh, hình thành thương hiệu Quảng Ninh trên bản đồ cảng biển khu vực và quốc tế. Cùng với lực đẩy từ quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua mới đây, Quảng Ninh sẽ tiếp tục có thêm nhiều cơ hội để phát triển, sớm hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm logistics Bắc Bộ và sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Ðông Bắc Á và ASEAN ■
Bài và ảnh: Quang Thọ
Theo nhandan.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/quang-ninh-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-logistics-12953.html