08:27 | 16/03/2023

Minh bạch lựa chọn sách giáo khoa

VTV.vn - Từ năm 2020, học sinh lớp 1 và giáo viên bắt đầu làm quen với việc học và dạy theo các bộ SGK mới. Như vậy, đến năm 2024 là tất cả 12 lớp đều dạy và học SGK mới.

Không còn một bộ sách dùng chung toàn quốc, giờ đây học sinh sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa: Bộ Chân trời sáng tạo, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục; Bộ Cánh diều của Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam phối hợp với một số NXB. Mỗi địa phương được quyền tự chủ chọn sách giáo khoa để giảng dạy ở địa phương, có thể là 1 bộ trọn vẹn, cũng có thể là tập hợp các cuốn khác nhau của các bộ sách khác nhau. Ví dụ Toán của bộ Chân trời sáng tạo, Tiếng Việt của bộ sách Cánh diều, Tiếng Anh lại là của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Đây là một sự thay đổi lớn, đặc biệt là, sách giáo khoa giờ đây chỉ còn là tài liệu tham chiếu trong quá trình dạy học, giáo viên không phải dạy theo từng câu từng chữ trong sách như trước đây, mà vận dụng linh hoạt, sáng tạo để đạt được mục tiêu và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Minh bạch lựa chọn sách giáo khoa

Ảnh minh họa.

Lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội vẫn đang được thực cho đến năm 2024. Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông là việc khó và mới nên trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề: chất lượng sách giáo khoa mới có đáp ứng yêu cầu? Việc lựa chọn sách giáo khoa có minh bạch? Giá SGK mới liệu đã hợp lý khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng phải yêu cầu các nhà xuất bản có sách được phê duyệt giảm giá sách? Việc sử dụng lại sách giáo cũ như thế nào?

Năm 2015: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Năm 2018: Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học đi kèm, với hai giai đoạn chính: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình này thay thế Chương trình giáo dục phổ thông có từ năm 2006.

Năm 2020: Chính thức thực hiện chương trình GDPT năm 2018 và SGK mới.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề" đồng thời "Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo" và "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc".

Việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông, cùng với dạy và học sách giáo khoa mới không lần lượt mỗi năm một lớp mà theo lộ trình như sau:

- Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện sách giáo khoa mới ở lớp 1.

- Năm 2021 áp dụng sách giáo khoa mới với lớp 2, lớp 6.

- Năm 2022 thực hiện ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.

- Năm 2023 thực hiện ở lớp 4, lớp 8, lớp 11.

- Năm 2024 thực hiện ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Như vậy, đến năm sau là tất cả 12 lớp của bậc phổ thông đều dạy và học sách giáo khoa mới

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học, còn chương trình mới là pháp lệnh. Một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ cho phép giáo viên tự chủ để linh hoạt thiết kế bài giảng dựa trên chương trình, triết lý của từng trường và năng lực học tập của học sinh.

Giáo viên chuyển từ cách truyền thụ tri thức trước đây sang tổ chức hoạt động cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Ngay học sinh cũng phải thay đổi phương pháp học, nâng cao tinh thần tự chủ, tự học, năng lực tư duy và sáng tạo, áp dụng các kiến thức đã học vào trong đời sống thực tế.

Vì sao sách giáo khoa mới đắt hơn sách giáo khoa cũ?

Giá bộ sách mới gấp 2 – 4 lần bộ sách cũ. Chuyện sách giáo khoa mới vì sao lại đắt hơn như vậy. Giá sách giáo khoa mới đắt hơn sách cũ khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi trong thời gian qua. Cách đây mấy năm, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá. Gần đây, vấn đề này lại nóng trở lại. Trong phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Tài chính diễn ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm năm ngoái.

Giá sách giáo khoa đang được quyết định dựa trên những yếu tố:

+ Bối cảnh

+ Các yếu tố cấu thành giá (giấy, mực, bản quyền tranh ảnh, thuê tác giả viết sách, giới thiệu sách…

+ Thẩm định giá: kê khai giá Bộ Tài Chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (NXBGD)

Hiện quy mô của thị trường sách giáo khoa là rất lớn. Cả nước có khoảng 18 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Khi bắt đầu năm học, cả chục triệu gia đình lại phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua sách giáo khoa cho con. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để có thể tái sử dụng sách giáo khoa cũ, để những gia đình không có điều kiện không phải chi quá nhiều tiền để mua sách giáo khoa mới, mà có thể cho con mình sử dụng sách cũ.

Rõ ràng, việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa. Xã hội hóa đã tạo ra một cuộc cạnh tranh để những sản phẩm SGK tốt nhất đến tay người dạy, người học.

Hiện nay đang có 3 bộ sách giáo khoa là:

- Kết nối tri thức với cuộc sống

- Chân trời sáng tạo

- Cánh diều

Một sự khác biệt chưa từng có là giờ đây, các tác giả sẽ đi giới thiệu, quảng bá sách tới các giáo viên, các nhà trường.

Minh bạch lựa chọn sách giáo khoa

Bắt đầu từ học kỳ 2, các nhà xuất bản đã gửi các file bản mềm sách giáo khoa cho các nhà trường tìm hiểu. Sau đó, qua các trang web, cách kênh youtube, các nhà xuất bản xây dựng các clip giới thiệu sách. Chính các tổng chủ biên, chủ biên hay các tác giả sẽ cung cấp những thông tin cốt lõi về cuốn sách mới để thầy cô, nhà trường, phụ huynh, học sinh đều có thể tìm hiểu đi tìm hiểu lại. Song song với đó, thông qua sở giáo dục và đào tạo các địa phương, các hội nghị giới thiệu sách được tổ chức trực tuyến tới tất cả các giáo viên trên cả nước. Hiện các quyển sách giáo khoa bản mẫu cũng đã có mặt tại các nhà trường để giáo viên trực tiếp kiểm tra chất liệu, màu sắc và nhất là nội dung, cấu trúc của từng quyển.

Minh bạch lựa chọn sách giáo khoa - Ảnh 6.

Ảnh minh họa.

Trong lúc chúng ta đang bàn bạc về Sách giáo khoa mới tại đây thì sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đang được các đơn vị biên soạn, phát hành giới thiệu đến các nhà trường, các giáo viên, các địa phương, để sang năm, những bộ sách mới này được đưa vào giảng dạy và học tập. Quá trình đổi mới sách giáo khoa vẫn đang diễn ra khẩn trương, quyết liệt, và đến năm sau mới hoàn thành ở mỗi cấp học. Mục tiêu của lần đổi mới sách giáo khoa lần này là để phục vụ việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả ở các cấp học này.

Quá trình đổi mới nào cũng sẽ gặp những khó khăn, thậm chí tạo nên những tranh cãi, va chạm, xung đột của nhiều luồng ý kiến, nhiều quan điểm. Nhưng điều mà học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả xã hội trông đợi, đó là toàn bộ quá trình này phải diễn ra công khai,minh bạch: Minh bạch từ thẩm định sách giáo khoa; minh bạch giá sách giáo khoa; minh bạch lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương; luôn lấy mục tiêu chất lượng giáo dục và quyền lợi của con trẻ lên trên hết để việc đổi mới giáo dục phổ thông lần này sẽ mang lại kết quả, để đất nước sẽ có một thế hệ người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Sách giáo khoa mới triển khai được 3 năm. Khoảng thời gian còn quá ngắn để đánh giá hiệu quả của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, và SGK, tài liệu tham khảo để giảng dạy chương trình này nói riêng nên sẽ cần thêm thời gian để trả lời câu hỏi này. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ít nhất phải qua 5 năm mới có điều tra đánh giá đầu tiên.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

Theo: vtv.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/minh-bach-lua-chon-sach-giao-khoa-12923.html

In bài viết