08:45 | 31/01/2023

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Theo giới chuyên gia, ngành ngân hàng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN), thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp sản xuất đang cần sự tiếp sức từ các chính sách. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp vẫn khó

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh chia sẻ, Các DN bắt đầu chu kỳ sản xuất kinh doanh mới cho năm 2023. Trong đó, vấn đề vốn cho DN luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, tình hình DN đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, các cơ quan quản lý cần ban hành chính sách và kế hoạch hỗ trợ giảm, giãn, gia hạn thuế; giảm lãi suất, chi phí sản xuất kinh doanh, các chính sách phát triển thị trường nội địa…

Liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%, ông Quốc Anh cho hay, khi tiếp cận gói này, đa số DN phải lắc đầu vì không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể, DN không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…

Theo cộng đồng DN, dù các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình tín dụng hay các giải pháp tài chính hỗ trợ xuất nhập khẩu của ngân hàng rất đa dạng nhưng việc tiếp cận, nhất là vay vốn còn khó khăn do quy định chặt chẽ.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, đại diện Bộ Tài chính cho biết, qua quá trình tổng hợp, Bộ Tài chính nhận thấy một số vướng mắc như bản thân DN chưa mặn mà và rất quan ngại nếu nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì sau này bị thanh tra, kiểm toán. Nguyên nhân tiếp theo là do điều kiện để các DN được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi...

Cần điều chỉnh linh hoạt

Tại tờ trình của NHNN về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN, cơ quan soạn thảo đưa ra 3 khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, gồm khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi”; và một số hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh.

Vì thế, NHNN đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Góp ý cho dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dự thảo mới chỉ xử lý vấn đề thứ hai về quy định rõ điều kiện “có khả năng phục hồi”, 2 vấn đề còn lại chưa có biện pháp giải quyết. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định nguyên tắc hoạt động kiểm tra của NHNN và tổ công tác không chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng. Đồng thời, hoạt động kiểm tra của NHNN và tổ công tác được tiến hành chủ yếu tại các ngân hàng thương mại. Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các ngân hàng thương mại phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.

Đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, theo VCCI, hiện nay, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Điều 2.2.a của Nghị định 31 hiện đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất.

“Quy định này vô hình trung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh” - VCCI nêu rõ.

Ngoài việc sửa đổi các quy định pháp lý, trước tình trạng gói hỗ trợ lãi suất 2% đang chậm thực hiện, nhiều chuyên gia cho rằng, nên điều chỉnh vốn của gói này sang chương trình khác để kịp thời hỗ trợ DN, chẳng hạn như chính sách giảm thuế.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, nhà quản lý nên chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, không chỉ gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà nhiều gói giải ngân của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (350.000 tỷ đồng) cũng giải ngân chậm, vì thế, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp - bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất 2% - sang các gói hỗ trợ khác khả thi hơn.

Theo daidoanket.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-12697.html

In bài viết