08:20 | 08/12/2022

Đáp ứng nhu cầu, phát huy nguồn lực

Những năm qua, hoạt động của các tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhìn chung ổn định, tác động nhất định đối với sự phát triển đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục định hướng hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật; tạo điều kiện cho tôn giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn văn hóa truyền thống…

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ về tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2020, cả nước có trên 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo các tôn giáo, chiếm khoảng 20% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó, khoảng 8,7% theo Phật giáo, 6,1% theo đạo Tin lành, 3,7% theo đạo Công giáo, 0,56% theo Hồi giáo.

Tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng, đan xen. Đến nay, đa số người dân tộc thiểu số vẫn theo tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên, thờ đa thần với quan niệm “vạn vật hữu linh” và các hình thái tôn giáo sơ khai. Tín ngưỡng truyền thống có vai trò rất quan trọng, là một yếu tố củng cố sự cố kết cộng đồng, duy trì đạo đức và trật tự xã hội. Trong một số dân tộc thiểu số, tôn giáo đã xâm nhập, phát triển từ lâu và hòa quyện với vấn đề dân tộc, như người Khmer Nam bộ theo Phật giáo Nam tông; người Chăm theo Hồi giáo (Bàni và Islam) và Bàlamôn giáo.

Thống kê của Ủy ban Dân tộc cũng cho thấy, tại khu vực miền núi phía Bắc có 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo và Tin lành với khoảng hơn 700.000 tín đồ, trên 500 chức sắc và 750 cơ sở thờ tự tôn giáo. Khu vực Tây Nguyên có nhiều tổ chức tôn giáo hoạt động với hơn 1,7 triệu tín đồ (chiếm 34,7% dân số), gần 3.500 nhà tu hành và khoảng 840 cơ sở thờ tự, một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số theo Công giáo và Tin lành. Khu vực Tây Nam bộ có 12 tôn giáo hoạt động, đại bộ phận đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam Tông…

Những năm qua, hoạt động tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhìn chung ổn định, đúng pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng của người dân được bảo đảm; đa số người dân theo các tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, tuân thủ pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP có hiệu lực và dần đi vào cuộc sống; chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương đã quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số theo các tôn giáo. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số theo các tôn giáo luôn giữ mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, gắn bó với cộng đồng, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Phát huy giá trị văn hóa và nguồn lực của tôn giáo - Ảnh: taybacsensetravel.com

Phát huy giá trị văn hóa và nguồn lực của tôn giáo

Ảnh: taybacsensetravel.com

Hoàn thiện chính sách, phối hợp đồng bộ

Khi phát triển tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành... đã có những tác động tích cực nhất định đối với sự phát triển đời sống văn hóa - xã hội. Trong đó, những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo góp phần thay đổi một số quan niệm, chuẩn mực đạo đức và lối sống của đồng bào. Một số tôn giáo với nghi lễ giản đơn, tiết kiệm đã góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu, nghi lễ rườm rà, tốn kém trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống. Nếp sống văn hóa của đồng bào theo hướng tiến bộ, văn minh hơn, phù hợp với điều kiện mới. Cùng với quá trình mở rộng ảnh hưởng, các tổ chức tôn giáo cũng đã có những cách thức, biện pháp để từng bước hội nhập, tiếp nhận trở lại những giá trị, bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương...

Tuy vậy, sự du nhập và phát triển của các tôn giáo cũng có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở một số địa bàn, một bộ phận người dân tộc thiểu số do nhận thức hạn chế, bị dụ dỗ, lôi kéo theo các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp như Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Thanh Hải vô thượng sư... làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, đoàn kết các dân tộc, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, sự xuất hiện và hoạt động của nhiều hiện tượng tôn giáo mới gây phức tạp, mất ổn định về an ninh trật tự tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ thực tế hiện nay, theo PGS. TS Hoàng Thị Lan - Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho tôn giáo tham gia đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đồng bộ các quy định pháp luật về khai thác, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo.

Bên cạnh đó, các tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; định hướng hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật; khuyến khích và tạo điều kiện cho tôn giáo tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho tôn giáo hội nhập văn hóa dân tộc, khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa gắn với sinh hoạt tôn giáo. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo vì mục đích ngoài tôn giáo.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tại vùng sâu, vùng xa cần quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến đời sống, nâng cao dân trí. Cần thực hiện tốt công tác phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo; có giải pháp thiết thực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở là tín đồ các tôn giáo để triển khai các chủ trương chung về bảo tồn các giá trị văn hóa...

Ngọc Phương

Theo daibieunhandan.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/dap-ung-nhu-cau-phat-huy-nguon-luc-12376.html

In bài viết