08:17 | 02/12/2022

Tạo đà cho nông nghiệp hữu cơ

Thị trường nông sản hữu cơ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới khi nhu cầu tiêu dùng đang có xu hướng tăng cao. Để nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp cần chủ động tháo gỡ những vướng mắc...

Nhiều cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp trong nước phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp trong nước phát triển. Ảnh: Quang Vinh.

Sản xuất hữu cơ còn manh mún

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) hiện nay đạt khoảng hơn 335 triệu USD/năm. Cả nước có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Trung Quốc... Ngoài ra còn các sản phẩm NNHC xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu.

Đáng chú ý, hiện 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đã tham gia sản xuất NNHC hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Lực lượng tham gia sản xuất, kinh doanh NNHC ngày một nhiều hơn. Tính đến hết năm 2021, số lượng nhà sản xuất NNHC trên 17.000 cơ sở, trên 550 nhà chế biến cùng với hơn 110 nhà xuất khẩu, nhập khẩu. Dù vậy, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Tại Diễn đàn đối thoại về phát triển NNHC theo chuỗi giá trị, đề cập đến những khó khăn trong sản xuất NNHC, ông Võ Quan Huy - Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, hiện khâu quản lý liên vùng chưa tốt. Dẫn chứng, ông Huy cho biết, sản phẩm của công ty ông xuất khẩu đi Nhật Bản bị vướng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật một cách bị động. Nghĩa là, sản phẩm bị nhiễm chéo dư lượng từ các hộ liền kề, khiến sản phẩm NNHC bị ảnh hưởng khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, hiện chúng ta mới chỉ đưa ra các quy trình sản xuất hữu cơ, nhưng chưa thực sự có các chứng nhận hữu cơ được quốc tế thừa nhận, điều này gây lúng túng cho người dân khi tham gia thị trường xuất khẩu. Việc thiếu các chứng nhận cần thiết khiến sản phẩm nông sản Việt Nam rất khó tham gia vào thị phần NNHC toàn cầu.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đánh giá, phát triển NNHC tại Việt Nam còn gặp khó khăn, vướng mắc và chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ rệt. Nguyên nhân do còn thiếu các cơ chế hỗ trợ đủ mạnh, thiếu các cơ chế đặc thù để hiện thực hóa chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất NNHC. Do đó, các doanh nghiệp (DN) chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất NNHC do lo ngại rủi ro trong sản xuất, thiên tai, dịch bệnh và thị trường; số DN lớn đầu tư vào lĩnh vực NNHC không nhiều.

Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Ảnh: Mạnh Hùng.

Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Ảnh: Mạnh Hùng.

Tháo gỡ nút thắt

Dự báo quy mô thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu tăng trưởng nhanh trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 14%; từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 437,36 tỷ USD vào năm 2026 với khu vực tăng trưởng mạnh nhất là Bắc Mỹ và châu Âu.

Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang tăng cường các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Đây chính là cơ hội song cũng là thách thức với Việt Nam bởi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu cũng đang đặt ra ngày càng nhiều các tiêu chuẩn cho ngành nông nghiệp.

Theo giới chuyên gia, để gỡ nút thắt cho NNHC trước hết cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là mối quan tâm của hàng đầu của các DN, hợp tác xã nông nghiệp.

“Thị trường là yếu tố quyết định. Từ yêu cầu của thị trường, các tiêu chuẩn sẽ đặt ra để sản xuất sao cho phù hợp. Và Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân từ đó sẽ đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ phát triển” - ông Nguyễn Ngọc Luân nhận định.

Còn theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), trong các thành viên của AFT, có nhiều DN đang làm nông sản hữu cơ. Những DN này có một nỗi lo lớn là đất thích hợp để sản xuất hữu cơ vốn đã không dễ tìm kiếm, nay lại đang có nguy cơ mất dần trước sức ép của bất động sản. Bà Minh cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách bảo vệ các diện tích đất nông nghiệp có thể sản xuất NNHC, qua đó hình thành nên những không gian cho NNHC phát triển.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, hiện nay thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hữu cơ chỉ chiếm 26%. Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.

Vẫn theo bà Hạnh, về thị trường xuất khẩu, theo thống kê của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ euro còn thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0%. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở. Do đó, chúng ta cần thay đổi tư duy về sản xuất hữu cơ, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 Việt Nam có 17.174 cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu, 40 nhà nhập khẩu nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, sản xuất NNHC ở nước ta chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ (chiếm đến trên 98%). Việc triển khai có hiệu quả các phương thức canh tác hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn do trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật còn thấp.

Theo daidoanket.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/tao-da-cho-nong-nghiep-huu-co-12343.html

In bài viết