08:25 | 30/11/2022

Xây dựng chính sách đặc thù về giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất

VOV.VN - Hiện nay cả nước có trên 300 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, với hơn 4 triệu công nhân làm việc. Đa số người lao động ở độ tuổi có con nhỏ, nhưng độ bao phủ trường mầm non, nhất là nhà trẻ còn thấp, trong đó tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở một số địa phương chưa đạt 30% tổng số trẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết vấn đề trường mầm non cho trẻ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, rất cần những chính sách hỗ trợ của nhà nước và các địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có trên 11.000 cơ sở giáo dục mầm non (cả công lập và tư thục) ở địa bàn cấp huyện, nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, huy động trên 1, 6 triệu trẻ em đến trường, lớp. Tuy nhiên, do công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non ở một số tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư chưa được quan tâm đúng mức nên mạng lưới trường cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động. Vì thế, nhiều công nhân làm việc ở khu chế xuất, khu công nghiệp đành phải gửi con về quê sống cùng người thân, hoặc gửi con ở các cơ sở mầm non tư thục với chi phí cao, hoặc ở các cơ sở trông giữ trẻ không đảm bảo chất lượng.

Xây dựng chính sách đặc thù về giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất
Ảnh minh họa.

Anh Đặng Viết Hùng công nhân ở khu công nghiệp ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Đi làm thế này cũng nhớ con lắm. Nhưng cũng chỉ dám gọi điện về nhà xem video, hôm nào cuối tuần được nghỉ thì mới có thể về nhà thăm con với vợ được".

Còn theo chị Nguyễn Thị Duyên, công nhân ở khu công nghiệp ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, so với trường công thì trường tư cao gấp đôi, có khi cao gấp 3 tùy nhu cầu mình cho con học thêm, hoặc cho con ăn uống và nhiều vấn đề khác.

Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vào tháng 10 năm nay cũng cho thấy, mạng lưới cơ sở phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục nhóm trẻ nhà trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; tỷ lệ huy động trẻ ở một số địa phương chưa đạt mục tiêu của Chính phủ (đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ được đến lớp).

Trong đó, một số địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương mới huy động được trên 27% trẻ nhà trẻ đến lớp, tỉnh Long An là trên 14%, tỉnh Bình Phước trên 24%, tỉnh Bình Thuận trên 21%... Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc thiếu cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư đã dẫn đến hệ lụy đó là chưa đảm bảo công bằng trong giáo dục đối với cả trẻ em và phụ huynh: "Công nhân trong các khu công nghiệp là những người trẻ tuổi và mối lo lớn nhất của họ đấy là khi họ đi làm thì con cái họ sẽ gửi ở đâu. Nếu gửi con ở trường tư thục thì sẽ rất là tốn kém và thu nhập của họ không đáp ứng được. Có một số lượng rất lớn công nhân buộc lòng phải gửi con về quê cho ông bà trông và như thế thì thứ nhất là ảnh hưởng đến tâm lý cả của bố mẹ lẫn con, bởi vì không một người mẹ nào muốn phải xa con khi con còn quá nhỏ. Thứ hai nữa là với sự chăm sóc của ông, bà có thể ông bà đã rất nỗ lực, thế nhưng nó cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển tâm lý sinh lý của trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, lứa tuổi mà cần phải gần bố mẹ nhất và cần phải chơi với bạn bè, cần có sự hướng dẫn của cô giáo".

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có những chính sách đặc thù để phát triển hệ thống trường mầm non đạt chất lượng, giải quyết được vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non và trẻ nhà trẻ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư.

Ông Trần Văn Thức, ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến: "Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như thế rất cần có các trường mầm non để cho đội ngũ công nhân yên tâm làm việc. Về phương diện này thì tôi nghĩ về các cấp, các ngành có thẩm quyền, nhất là ở các địa phương có giải pháp nên ưu tiên bố trí về mặt đất đai, rồi có những chính sách hỗ trợ ban đầu. Nhà nước cũng không lo hết được mà để cho các nhà đầu tư có thể là mở thêm, giúp cho con em của công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất có điều kiện học tập bình đẳng và tốt hơn. Như thế là chúng ta vừa góp phần ổn định về mặt xã hội, nhưng cũng góp phần vào yên tâm phát triển sản xuất kinh tế".

Xây dựng chính sách đặc thù để phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non đang là yêu cầu cấp thiết khi các doanh nghiệp trên cả nước đang khôi phục lại sản xuất sau dịch COVID 19. Việc có trường học an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em./.

Theo: Minh Hường/VOV1

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/xay-dung-chinh-sach-dac-thu-ve-giao-duc-mam-non-o-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-12332.html

In bài viết