08:08 | 22/11/2022

"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" - Khung trời hoa mộng của "Con đường ta đi"

VOV.VN - Một sáng mùa hè, trời Sài Gòn đầy mây. Tôi đứng giữa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và khoa Dược (thuộc Đại học Y Dược) mà nghĩ về nơi từng là trường Văn khoa và trường Dược khoa trước năm 1975.

Bỗng một chiếc dù xanh viền tím từ cổng trường Nhân văn sang bên kia đường trong khung cảnh mưa bay lất phất khiến trong đầu tôi chợt vang lên những ca từ quen thuộc “Con đường trời mưa êm, chiếc dù che màu tím” trong bài hát Con đường tình ta đi. Có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy đã cảm xúc về một “người tình Văn khoa” nào đó cũng trong một khung cảnh thơ mộng như thế này.

Cổng trường Đại học Văn khoa (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) trên đường Cường Để (nay thuộc đoạn Đinh Tiên Hoàng)

Cuộc chia ly “chấn động” khung trời đại học

Đầu tháng 11/1963, lực lượng đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm tấn công Lữ đoàn Phòng vệ Phủ tổng thống đóng ở thành Cộng Hòa trên đại lộ Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn). Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, thành Cộng Hòa cũng chịu chung số phận. Tòa nhà được người Pháp xây dựng từ năm 1873 ở vị trí chính giữa thành Gia Định xưa đã bị chính quyền Sài Gòn giải tỏa toàn bộ và con đường chính vào cổng thành trở thành đường Cường Để nối dài (đoạn đường ngắn này sau 1975 là một phần của đường Tôn Đức Thắng kéo dài đến xưởng Ba Son, sau đó cắt về trở thành một phần của Đinh Tiên Hoàng như hiện nay).

Thế là, nhờ sự kiện này mà một khung trời đại học mới đã được thành hình ngay trên khu vực của thành Cộng Hòa cũ. Năm 1964, trường Dược khoa chuyển về khu vực tòa nhà bên trái cổng thành, trong khi khu vực tòa nhà bên phải cổng thành giao cho trường Văn khoa vào năm 1967.

Trường Văn khoa trước đó vốn nằm tại vị trí mà sau này là Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM) trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) - Khuôn viên này chính là nơi quán Văn được dựng lên để tổ chức các buổi văn nghệ hằng tuần cho sinh viên. Tại đây, ca sĩ Khánh Ly lần đầu tiên hát “ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn với đệm đàn của chính nhạc sĩ. Cuộc chia ly này ít nhiều làm rơi nước mắt những anh chàng, cô nàng sinh viên các trường trót quen nhau ở “khung trời đại học” cũ với trục đường chính là Duy Tân. Có chàng Văn khoa còn than thở với nàng sinh viên Luật của mình: “Đời sao ngang trái, trớ trêu, Ta đây nàng đấy dựng lều hai nơi” (!).

Trường Dược khoa, sau khi bị tách ra từ trường Y Dược Sài Gòn vào năm 1961, cũng đã có một thời gian tọa lạc tại góc ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) - Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) trước khi dời về tòa nhà đối diện trường Văn khoa. Ngoài ra, “khung trời đại học” này còn một trường nữa là trường Cao đẳng Nông Lâm Súc nằm cạnh trường Dược khoa và đối diện đài truyền hình. Năm 1972, trường này đổi thành Học viện Nông nghiệp. Năm 1974, nâng cấp thành trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn. Sau 1975, đổi tên thành Đại học Nông lâm TP. HCM và dời về làng đại học Thủ Đức. Còn vị trí cũ sau đó trở thành trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II.

Cũng cần nói thêm, sau khi tách khỏi Đại học Y Dược, thầy trò trường Y khoa vẫn tiếp tục ở lại cơ sở 28 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) cho đến năm 1966. Sau khi Trung tâm Giáo dục Y khoa xây dựng xong trên đường Hồng Bàng, các thầy trò mới dời sang địa điểm mới này.

Trịnh Công Sơn đàn cho Khánh Ly hát tại quán Văn năm 1967.

“Con đường thảnh thơi nằm nghe chuyện tình quanh năm”

Các chàng trai, cô gái sinh viên Văn khoa, Dược khoa, Nông Lâm Súc đã nhanh chóng thổi sức sống mới vào khung trời đại học này của mình. Đường Cường Để với hai hàng cổ thụ lâu đời nhất Sài Gòn khiến cho “khung trời” mới này cũng thơ mộng không kém con đường Duy Tân.

Số lượng sinh viên ở địa điểm mới này cũng khá ấn tượng. Niên khóa 1969-1970, tổng cộng sinh viên ba trường Văn khoa, Dược khoa và Nông Lâm Súc gần 20.000, trong đó riêng Văn khoa là 16.372 (trong khi đó hai trường Luật khoa và Kiến trúc chỉ hơn 14.000).

Qua khỏi cổng trường là những dãy nhà trệt và tòa nhà ba tầng chính giữa, mỗi tầng một giảng đường. Bên phải tòa nhà là Hội quán Văn khoa với món uống chủ lực cũng “hiền” như sinh viên Văn khoa là… đá chanh đã đi vào thi ca: “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” (Trả lại em yêu - Phạm Duy). Hội quán cũng là nơi diễn ra chương trình văn nghệ sinh viên.

Cách khung trời đại học này không xa là Sở Thú và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tràn ngập bóng cây, nơi có ngôi trường Trưng Vương thơ mộng của những thầy trò ngày đầu tiên từ Hà Nội chuyển đến sau 1954:

Con đường mộng hoa xưa, vẫn từng đôi từng lứa

Con đường vào mộng mơ, con đường mặn mà

Hỡi người tình Văn khoa, bóng người trên hè phố

Lá đổ để đưa đường - Hỡi người tình Trưng Vương

(Con đường tình ta đi - Phạm Duy)

Dân Văn khoa có lẽ chẳng ai mà không mê thơ nhạc. Như ca sĩ Hoàng Oanh nổi tiếng luôn có chàng đưa đón trước và sau giờ học. Như chàng cựu sinh viên Nguyễn Cang đến giờ vẫn nhớ hình bóng cũ những cô nàng Văn khoa niên khóa 1973 -1974 của mình như vậy.

Chiều phai nắng bước ngang Văn khoa

Mấy bóng hồng như những nụ hoa

Có ai người Sài Gòn không biết, không nhớ những “khung trời đại học” và “con đường mộng hoa” nơi đây?

Một buổi sáng ghé qua nơi này, tôi vẫn cảm nhận rất rõ một “khung trời đại học” rộn rã yêu thương, như tiếng cười rúc rích của những nàng sinh viên Dược trên sân bóng rổ trong tiết thể dục thể thao, khi mưa buổi sáng lất phất trên những hàng cây cổ thụ Sài Gòn./.

Theo: PV/VOV.VN

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/gia-dinh-la-nho-sai-gon-la-thuong-khung-troi-hoa-mong-cua-con-duong-ta-di-12289.html

In bài viết