09:20 | 01/10/2022
Người tiêu dùng, khi vào cửa hàng, đặc biệt là các siêu thị để mua hàng hóa, tức họ đã chấp nhận mua với mức giá cao hơn ngoài chợ truyền thống với suy nghĩ hàng bán đã được kiểm tra, kiểm định bởi chính các siêu thị.
Vụ việc tuồn rau không rõ nguồn gốc đội lốt VietGAP vào siêu thị được phản ánh thời gian qua mặc dù đã công khai tên của những nhà cung cấp rau, không trung thực. Nhưng tâm lý người tiêu dùng đã ít nhiều bị ảnh hưởng, hoài nghi...
"Khi vào siêu thị để mua, mình đã đặt trọn vẹn niềm tin cho nguồn gốc xuất xứ của rau, đối với những nhà cung cấp, phân phối rau cho siêu thị. Sau sự việc vừa qua, tôi cảm thấy sức khỏe không được đảm bảo dù giá tiền chênh lệch cao hơn nhiều so với hàng mua ở chợ", chị Hồ Thị Khánh Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết.
Trong khi đó, chị Đô Thị Quỳnh Thơ (Tây Hồ, Hà Nội) nói trước đây rất tin tưởng vào siêu thị nhưng sau khi biết thông tin rau bên ngoài bị tuồn vào, tự cảm thấy mình bị lừa dối.
Chị Đinh Thị Diễm Quỹnh nhấn mạnh phải phạt nặng chứ không thể răn đe bởi nếu không vấn đề này còn tồn tại lâu. Người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhiều người tiêu dùng bị cảm thấy mình bị lừa dối sau vụ việc rau VietGAP “rởm” tuồn vào siêu thị,
Về phương hướng đền bù cho người mua hàng trong vụ việc nói trên theo bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết đối với các hệ thống siêu thị sẽ quy ra từng vụ việc một. Với vụ việc xảy ra ảnh hưởng đến sức khoẻ, ví dụ như ăn vào bị ngộ độc phải đi cấp cứu sẽ có sự giám sát của nhà cung cấp hàng hoá đó cùng với nhân viên siêu thị sẽ tới cơ sở y tế cùng với khách hàng để giải quyết.
“Từng vụ việc một chúng tôi sẽ có đền bù thoả đáng”, bà Hậu nhấn mạnh.
Liên quan đến chế tài xử phạt siêu thị cũng như nhà cung cung cấp trong vụ việc nói trên, bà Hậu cho biết với điều khoản hợp đồng thì rõ ràng nhà cung cấp vi phạm. Ngay lập tức hệ thống siêu thị sẽ cắt toàn bộ với nhà cung cấp. Kèm theo vụ việc cụ thể xảy ra sẽ có chế tài xử phạt theo quy định của đôi bên với nhau.
"Tổn thất nhiều nhất là tổn thất uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất đó. Siêu thị cũng bị ảnh hưởng. Tổn thất cao nhất là người tiêu dùng quay lưng với doanh nghiệp”, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết.
Quản lý chất lượng sản phẩm các siêu thị tại Nhật Bản
Nhật Bản được đánh giá là quốc gia quản lý chặt chẽ và hiệu quả về chất lượng sản phẩm, nhất là đối với thực phẩm với nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Ngoài ra, các sản phẩm hàng hoá để đến tay người tiêu dùng thông thường phải vượt qua 2 tầng giám sát là các cơ quan quản lý thị trường và bộ phận giám sát chất lượng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng. Nếu có vi phạm thậm chí bị quy tội cố ý giết người.
Các chuỗi siêu thị, các cửa hàng sẽ thiết lập các quy chuẩn chất lượng riêng. Các thương hiệu lớn thường có hộ phận kiểm soát chất lượng riêng, còn những cửa hàng nhỏ phải liên kết lại trong các tổ chức hợp tác xã để hỗ trợ nhau kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Khi các siêu thị, cửa hàng bị phát hiện bán hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ phải buộc công bố thu hồi sản phẩm, bồi thường thiệt hại, nếu nghiêm trọng sẽ bị truy cứu hình sự. Riêng đối với mặt hàng thực phẩm, được kiểm soát chặt chẽ nhất, với 7 bộ luật chính liên quan các lĩnh vực khác nhau. Mọi hành vi gian dối bị xử lý rất nặng.
Trong trường hợp, người bán hàng biết rõ hệ quả xấu sẽ mang lại cho người tiêu dùng nhưng vẫn cố tình bán ra thị trường thì tội danh sẽ không còn giới hạn trong hành vi buôn bán thực phẩm, mức cao nhất có thể bị truy tố vào tội "cố tình giết người hàng loạt”.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Nhật Bản đã đóng cửa 22 tiệm bán đồ ăn do gây ngộ độc thực phẩm hoặc sản phẩm kém chất lượng.
Còn với người tiêu dùng, mua phải hàng giả nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ được đền bù mọi tổn thất về vật chất, tinh thần, sức khoẻ và tính mạnh. Cơ quan chức năng, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ có trách nhiệm trong vấn đề này.
Theo: vtv.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/rau-vietgap-rom-tuon-vao-sieu-thi-den-bu-the-nao-cho-nguoi-mua-hang-11971.html