08:00 | 28/09/2022

Mạo danh tiêu chuẩn VietGAP khiến người sản xuất mất lợi nhuận một cách vô lý

VOV.VN - Chỉ có 15% - 20% hàng hoá sạch vào được các siêu thị, còn lại bị bán tháo như các hàng hoá khác nên người nông dân đang bị mất lợi nhuận một cách vô lý mà chưa được ai, cơ quan nào đứng ra giải quyết.

Những ngày qua, sự việc một số chuỗi siêu thị, cửa hàng bị phát hiện bán thực phẩm, rau xanh giả danh chuẩn VietGAP đã khiến người tiêu dùng phẫn nộ, mất lòng tin vào nông sản, thực phẩm an toàn. Người tiêu dùng đã chấp nhận chi phí cao hơn để được sử dụng sản phẩm sạch, đạt chuẩn… nhưng đổi lại chất lượng sản phẩm đã không được một số hệ thống phân phối đề cao và coi trọng.

Câu chuyện về việc tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng và hoạt động của hệ thống phân phối nhiều năm qua đã nhiều lần được đề cập; nhưng những góc khuất của quá trình đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối dù đã tồn tại từ lâu, song ít người có dịp bày tỏ. Nhiều khi cũng chỉ vì đầu ra của sản phẩm mà nhà cung cấp đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chấp nhận hệ thống phân phối chèn ép và thao túng khiến những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có giá trị cao nhưng đầu ra vô cùng rẻ mạt.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú là người đã từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại, cũng là một trong những người đầu tiên đưa hoạt động siêu thị vào thị trường Việt Nam; nguyên là Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đã có những trải lòng với VOV.VN về vấn đề này.

mao danh tieu chuan vietgap khien nguoi san xuat mat loi nhuan mot cach vo ly hinh anh 1
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

PV: Thưa ông, ông có nhận xét gì về sự việc một số hệ thống siêu thị, cửa hàng bị phát hiện bán sản phẩm mạo danh tiêu chuẩn VietGAP bị báo chí phát hiện thời gian vừa qua?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Sự việc được báo chỉ nêu ra vừa qua là một điều đáng phê phán. Nếu điều tra vi phạm này là có tổ chức, thông đồng để đưa sản phẩm bẩn, sản phẩm bị mạo danh nguồn gốc xuất xứ để đưa vào tiêu thụ cần phải xử lý nặng theo quy định của pháp luật. Đề nghị các cơ quan thanh tra vào cuộc và sớm kết luận, công bố cho dư luận được rõ.

Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều siêu thị làm ăn tử tế, có trách nhiệm trên thị trường, song sự việc như vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh, là bài học chung cho tổng thể từ hệ thống sản xuất, phân phối đến bán lẻ trong toàn quốc. Trong chuỗi liên kết vô cùng quan trọng này, bất cứ khâu nào, cá nhân hay tổ chức nào cũng không được vì lợi nhuận cá nhân, lợi ích tập thể để bước qua các quy định của pháp luật thương mại.

PV: Như ông nói hành vi nêu trên thật sự đáng lên án. Theo ông, động cơ nào đã khiến họ dễ dàng đánh mất uy tín, bỏ mặc niềm tin của người tiêu dùng, trong khi người tiêu dùng luôn ủng hộ mô hình phân phối hiện đại?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Điều chắc chắn là bất cứ tổ chức hay cá nhân nào nếu đã có ý định làm ăn gian dối khi sản xuất, giao hàng, bán hàng họ đều phải có động cơ. Bởi họ không làm không công cho ai bao giờ.

Theo tôi, có mấy khả năng dẫn đến sự việc như báo chí nêu. Một là, do hệ thống phân phối thiếu tinh thần trách nhiệm, để lọt hàng không đảm bảo tiêu chuẩn hoặc trong quá trình kiểm tra chứng từ hàng hóa bị sai sót.

Hai là, có sự thông đồng giữa hệ thống phân phối với bên giao hàng, biết sai phạm nhưng cố tình bỏ qua các quy định, quy trình khắt khe do mỗi hệ thống đề ra khi giao, nhận và nhập hàng, nhất là bộ phận thu mua nhập hàng hoá vào siêu thị.

PV: Nhiều năm trước đây, chính ông đã có lần lên tiếng cảnh báo về thực trạng siêu thị tăng chiết khấu, tăng phí nhập đối với hàng hóa khi các nhà cung cấp muốn sản phẩm có mặt trên kệ của siêu thị. Có phải vì chi phí và chiết khấu quá cao đã buộc các nhà cung cấp phải giảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Câu chuyện về chiết khấu cao, các chi phí “khó nói” khi các nhà cung cấp đưa hàng vào siêu thị đã diễn ra và đã từng bị phê phán rất nhiều, song đến nay việc giải quyết hầu như chưa có tiến bộ nào đáng kể.

Lượng nông sản, hàng hoá sạch luôn được Chính phủ khuyến khích phát triển song đầu ra lại bị tắc nghẽn, chỉ có 15% - 20% hàng hoá sạch vào được các siêu thị trong nước, tỷ lệ còn lại rất lớn vẫn đang bị bán tháo như các hàng hoá khác, chính vì thế từ người nông dân đến các tổ hợp sản xuất đang bị mất lợi nhuận một cách vô lý mà chưa được ai, cơ quan nào đứng ra giải quyết.

Ở đây cũng cần nói thêm, một số trường hợp nhà cung cấp do bị o ép về nhiều mặt của một số siêu thị, do không “chịu chi” cho ai đó trong các bộ phận của siêu thị, nên họ đã bóc bao bì, thay đổi nguồn gốc hàng hoá hoặc cẩu thả khi lựa chọn hàng khi kí gửi vào siêu thị. Việc làm này có thể sẽ giúp giảm chi phí tối đa để hàng vào các đơn vị bán lẻ, siêu thị một cách dễ dàng hơn, nhưng như thế lại dẫn tới thiếu sót, sai phạm nguy hiểm trong chức năng và nghĩa vụ của nhà cung cấp, dịch vụ giao hàng.

PV: Nhiều nông dân, doanh nghiệp sản xuất cho rằng, chất lượng sản phẩm rau an toàn, VietGAP, GlobalGAP, rau hữu cơ... thời gian qua chỉ mang tính hình thức mà thiếu sự giám sát, quản lý chất lượng liên tục từ phía các cơ quan chức năng. Theo ông, việc buông lỏng quản lý và chất lượng sản phẩm chỉ dựa vào tem nhãn có dẫn đến hành vi gian lận thương mại?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Nói tất cả hàng hoá sạch có giấy chứng nhận lưu thông trên thị trường đều là hình thức là nói hơi quá. Bởi vì hiện nay cũng có rất nhiều sản phẩm sạch, an toàn được tạo ra từ quá trình sản xuất chế biến trung thực, có trách nhiệm và đang lưu thông trên thị trường với sự giám sát của cơ quan chức năng và các siêu thị bán lẻ có thương hiệu bền vững. Tuy nhiên, trường hợp báo chí nêu vừa qua trước hết là trách nhiệm của các siêu thị liên quan tới người tiêu dùng, sau đó là trách nhiệm của các siêu thị vi phạm trước pháp luật.

mao danh tieu chuan vietgap khien nguoi san xuat mat loi nhuan mot cach vo ly hinh anh 2
Vẫn còn tỷ lệ rất lớn hàng hóa sạch, đủ tiêu chuẩn chưa vào được các hệ thống phân phối.

PV: Giải bài toán tiêu thụ bền vững cho nông sản sạch trong hệ thống phân phối sẽ cần những phương pháp nào? Hệ thống phân phối cần phải tổ chức như ra sao để đảm bảo công khai, minh bạch giúp người tiêu dùng lấy lại niềm tin, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Trước hết Nhà nước phải soát xét lại các Luật, quy định liên quan đến sản xuất, nhập và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, nếu cần thiết phải sửa đổi để dễ quản lý và quản lý chặt chẽ hơn, nghiêm minh hơn.

Từng đơn vị bán lẻ cũng phải xây dựng và nâng cao nội quy nội bộ, quy trình từ khi nhập sản phẩm đến khi bán ra, để sao cho bất cứ tình huống nào xảy ra cũng quy được trách nhiệm của từng công đoạn, từng cá nhân để xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Ngoài việc kiểm tra nội bộ, hệ thống phân phối rất cần có sự phối hợp với các ngành tại địa phương để kiểm tra thường xuyên, đột xuất nhằm hạn chế thấp nhất vi phạm liên quan đến quy trình sản xuất và chất lượng hàng hóa. Từng vùng sản xuất cần có các sàn giao dịch hàng hoá công khai minh bạch, được kiểm tra thường xuyên về chất lượng, từ đó mới yên tâm đưa hàng hóa về khâu bán lẻ cho tiêu dùng xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/mao-danh-tieu-chuan-vietgap-khien-nguoi-san-xuat-mat-loi-nhuan-mot-cach-vo-ly-11958.html

In bài viết