08:01 | 24/09/2022
Các dự án đầu tư ngày càng có quy mô và chất lượng hơn
Thời gian qua, Việt Nam đang trở thành trọng điểm đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP… Không những vậy, Việt Nam liên tục đón nhận các nhà đầu tư tên tuổi, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển 220 triệu USD của Samsung; Apple sẽ sản xuất máy tính và đồng hồ thông minh; Nhà máy trung hòa carbon 1 tỷ USD của LEGO... Đây là những minh chứng rõ nét khẳng định xu hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao vào Việt Nam.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 8-2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn điều chỉnh và mua phần vốn góp tăng lần lượt là 50,7% và 3,6%. Vốn thực hiện ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, chất lượng đầu tư các dự án được nâng lên, đạt bình quân 14,7 triệu USD/dự án, cao hơn năm 2021 (hơn 10 triệu USD/dự án). Các dự án đầu tư ngày càng có quy mô và chất lượng hơn.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD…
Kết quả trên trước hết là nhờ nỗ lực của Chính phủ và các cấp, các ngành, sự đồng lòng của các doanh nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở nên thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư. Nhờ việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Việt Nam duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực. Hệ quả là Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn.
Một yếu tố nữa là chi phí sản xuất, lao động ở Việt Nam thấp hơn nếu so sánh với nhiều nước khác trên thế giới. Chi phí tại các thị trường như Singapore, Trung Quốc hiện nay đều đã tăng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế và Việt Nam là nơi thích hợp. Thị trường nội địa của Việt Nam cũng khá lớn với gần 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua tiềm năng, khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI).
Thêm vào đó, với 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam không chỉ là một thị trường mới nổi, thú vị mà đã trở thành một trong những thị trường chính đối với các công ty sản xuất toàn cầu. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế và trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông và Đông Nam Á. Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng với quy mô sản xuất lớn hơn và mạng lưới khách hàng rộng khắp cũng sẽ là động lực cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất và đầu tư công nghệ.
Chủ động đón làn sóng đầu tư mới
Theo dự báo, trong 2 - 3 năm tới, các tập đoàn công nghệ vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng đầu tư. Dự kiến đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng trong năm 2022 và sẽ bứt phá trong các năm tới khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón một làn sóng đầu tư mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh cơ hội lớn, việc thu hút đầu tư FDI đối diện những thách thức như: thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài, tăng thêm chi phí và làm giảm hiệu quả dự án đầu tư; các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao…
Thị trường lao động Việt Nam cũng có những nhược điểm, đó là thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao, những lĩnh vực công nghiệp mới. Nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn. Vì vậy tính lan tỏa của các doanh nghiệp FDI trở thành nhược điểm chính của khu vực FDI bao năm nay.
Để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài, Việt Nam trước hết cần giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô. Tiếp đó là chú trọng đến những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, cụ thể là: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định. Đây là những điều kiện tiên quyết để các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, nhất là từ những nước phát triển như Mỹ và khối EU, quyết định đầu tư.
Cùng với đó là việc chủ động xây dựng lĩnh vực ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn FDI phù hợp với nhu cầu phát triển của các địa phương. Đối với các địa phương đã phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, cần thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại. Tăng cường các gói ưu đãi để thu hút các dự án lớn, có chất lượng cao của các tập đoàn quốc tế; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để đón nhận các dòng vốn từ các tập đoàn lớn chuyển dịch vào Việt Nam; tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước và kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, sẵn sàng tham gia chuỗi sản xuất.
Tiếp đó là tập trung vào đội ngũ lao động có tay nghề để đáp ứng yêu cầu về năng lực cho những dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; chuyển đổi hoạt động xúc tiến đầu tư và quản lý đầu tư nước ngoài, tận dụng các nền tảng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Với các doanh nghiệp trong nước, điều cần quan tâm là nâng cao năng lực về các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý, nhanh chóng bắt tay chuyển đổi số. Điều này giúp các doanh nghiệp FDI có các công ty phù trợ để đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.
Theo anninhthudo.vn
Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/viet-nam-diem-den-noi-bat-cua-dong-von-dau-tu-nuoc-ngoai-11928.html