08:52 | 28/06/2022

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19

Để phục hồi sau 2 năm dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp nhằm kéo giảm chi phí logistic, tiếp cận vốn vay để khôi phục sản xuất.

Giá xăng dầu tăng cao, áp lực lên chi phí logistis

Ngày 27/6, tại hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022 khởi sắc. Nhiều ngành, lĩnh vực có sự phục hồi ấn tượng sau dịch, nhất là hàng không, du lịch, bán lẻ… Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đại diện HH Logistic Việt Nam (VLA) cho rằng, giá xăng dầu rất quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hoá. Toàn bộ hàng hoá nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận tải tăng lên và tác động tới toàn bộ giá hàng hoá cung cấp ra thị trường. Hiện nay giá cả đang tăng lên cả trong nước và quốc tế. Do vậy, việc làm việc với các hãng tàu về vấn đề giá là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tính đến việc đầu tư ra nước ngoài trong phát triển dịch vụ hậu cần, kho bãi tại cảng, trung tâm của các thị trường lớn chủ lực cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, để kéo giảm chi phí logisitcs là DN thực hiện chuyển đổi số, đầu tư cho kinh tế số để chuẩn hoá các quy trình quản lý điều hành, kết nối.

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho DN, đối với DN thuỷ sản, sự việc tàu dừng không đi biển là có. Hiện, chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới DN. Đơn cử như chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 400 - 440 triệu đồng. 1 DN mỗi tháng chi phí cho dịch vụ logistics lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc và có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới.

Năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Có thể thấy, chi phí logistics đã và đang là "gánh nặng" trên vai các DN xuất khẩu và tình trạng này còn có thể nặng nề hơn trong năm nay. Do vậy, "cần quan tâm và cải thiện để kéo giảm chi phí này xuống, nếu không kéo giảm được thì chúng ta không cạnh tranh được với các nước.

Để thực hiện được cần có các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc làm được ngay là thực hiện chuyển đổi số cho DN. Hiện, Bộ KH&ĐT đang triển khai khá hiệu quả 1 dự án hỗ trợ DN chuyển đổi số, nên Bộ KH&ĐT có thể hỗ trợ DN được ngay. Bộ KH&ĐT sẵn sàng hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN," - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

1_33_4-1633212439792_74fa3.jpeg -0

Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Mong sớm tiếp cận chính sách hỗ trợ

Ông Vũ Thế Bình- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm rất đáng mừng vì tăng trưởng trở lại, du lịch cũng bắt đầu khởi sắc. Thời gian qua, DN du lịch đóng cửa khá lớn nhưng DN mới thành lập cũng rất lớn cho thấy thị trường luôn có sự thích ứng nhất định.

Hiện, du lịch Việt Nam rất có tiềm năng với các sản phẩm du lịch thể thao như du lịch golf, chạy bộ; du lịch sinh thái… vậy, để thúc đẩy du lịch hồi phục và phát triển trong thời gian tới, rất cần sự hỗ trợ xây dựng những sản phẩm mới để thu hút khách quốc tế. Đồng thời, nâng cao về năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực.

Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, ông Bình cũng kiến nghị, cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách vào Việt Nam. Ví dụ như miễn visa cho khách du lịch, nâng số ngày lên 20 ngày, 30 ngày. Cùng với đó là chính sách thu hút khách ở các thị trường mới. "Chúng ta mong khách quốc tế đến Việt Nam ở lâu và tiêu tiền nhiều, như Thái Lan miễn tới 6 tháng, ít nhất chúng ta cũng phải có những sản phẩm và chính sách cạnh tranh, bởi khách du lịch ở lâu thì họ càng chi tiêu nhiều tiền hơn", ông Bình cho hay.

Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam cũng cho biết, để hỗ trợ cho ngành hàng không hồi phục, Hiệp hội kiến nghị giảm Thuế Bảo vệ môi trường về 0%.

Về việc tạo thuận lợi cho khu vực DN, bà Đỗ Thị Thuý Hương đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại đã tích cực ban hành hướng dẫn nội bộ. Nhóm ngành nghề rộng, điều kiện được hưởng được quy định rõ. Ngành Ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, kết nối DN với ngân hàng ở các địa phương, trao đổi thẳng thắn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN vừa và nhỏ.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, từ các ý kiến đa chiều tại hội nghị, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm. Khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, các bộ ngành, luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cùng với DN vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội phát triển.

Lưu Hiệp

Theo cand.com.vn

Đường dẫn bài viết: https://yenbaitv.org.vn/ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-covid-19-11373.html

In bài viết